Hướng dẫn về tổ chức, cán bộ của Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

16/05/2007

Để thi hành Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự, ngày 29 tháng 3 năm 2007 Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ ký ban hành Thông tư liên tịch số 01/2007/TTLT-BTP-BNV hướng dẫn về tổ chức, cán bộ của Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm những nội dung như sau:



Thi hành án dân sự cấp tỉnh có các phòng trực thuộc để giúp Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh) thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị mình theo quy định của pháp luật. Số lượng các phòng thuộc Thi hành án dân sự cấp tỉnh phải căn cứ vào khối lượng và tính chất phức tạp của các vụ việc thi hành án, địa bàn quản lý và các yếu tố khác có liên quan, nhưng tối đa không quá 03 phòng. Riêng Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội và Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh có thể thành lập tối đa không quá 05 phòng.

 Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các phòng thuộc Thi hành án dân sự cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Nghị định số 83/2006/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính, tổ chức sự nghiệp nhà nước và Thông tư này.

 Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của phòng

Căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn của Thi hành án dân sự cấp tỉnh quy định tại Điều 12 Nghị định số 50/2005/NĐ-CP và nhu cầu bố trí cán bộ, công chức trong số biên chế được giao, Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh đề nghị thành lập các phòng chuyên môn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhưng phải đảm bảo cơ cấu cũng như việc phân công, phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng chuyên môn như sau:

         Phòng tổ chức, hành chính giúp Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn có liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, hành chính quản trị, kế toán - tài vụ, quản lý tang tài vật, thống kê, lưu trữ, thi đua, khen thưởng và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh;

         Phòng nghiệp vụ và tổ chức thi hành án giúp Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ và tổ chức thi hành các bản án, quyết định thuộc thẩm quyền và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh;

Phòng kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo giúp Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh thực hiện công tác kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án thuộc thẩm quyền và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh.

Đối với những địa phương do yêu cầu tổ chức, hoạt động mà không nhất thiết phải thành lập 03 phòng chuyên môn như hướng dẫn tại các điểm a, b và c khoản này thì nhiệm vụ kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo do phòng nghiệp vụ và tổ chức thi hành án thực hiện.

Riêng đối với Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội và Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh do nhu cầu mà phải thành lập 04 hoặc 05 phòng chuyên môn thì có thể thành lập riêng các phòng để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến tổ chức cán bộ và kế toán tài vụ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp uỷ quyền cho Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các phòng chuyên môn theo đề nghị của Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh.

 Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng phòng, Phó trưởng phòng

          Trưởng phòng là người đứng đầu và chịu trách nhiệm điều hành công việc của phòng, có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Chỉ đạo chung về việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của phòng;

- Tổ chức việc xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác của phòng mình phụ trách;

- Phân công công việc cụ thể và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức thuộc phòng;

- Báo cáo, kiến nghị với Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh về tình hình tổ chức và hoạt động của phòng;

- Các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh;

Phó trưởng phòng thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công của Trưởng phòng.

Trưởng phòng, Phó trưởng phòng ngoài các nhiệm vụ nêu trên, nếu là chấp hành viên cấp tỉnh còn phải thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chấp hành viên theo quy định của pháp luật và các nhiệm vụ cụ thể khác được Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh phân công; không được can thiệp, gây ảnh hưởng đến tính độc lập của chấp hành viên thuộc phòng mình phụ trách khi chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh và trước pháp luật về công việc được phân công.

Phó trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và trước pháp luật về công việc được phân công.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp uỷ quyền cho Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự bổ nhiệm Trưởng phòng, Phó trưởng phòng thuộc Thi hành án dân sự cấp tỉnh theo đề nghị của Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh.

Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm Trưởng phòng, Phó trưởng phòng phải bảo đảm các tiêu chuẩn chức danh chuyên môn; bảo đảm quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này.

Phụ cấp chức vụ của Trưởng phòng, Phó trưởng phòng như sau:

STT

Chức danh lãnh đạo

Đô thị loại đặc biệt, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh

Các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương còn lại

1

Trưởng phòng

0,5

0,4

2

Phó trưởng phòng

0,35

0,25

 Cán bộ, công chức thuộc biên chế của Thi hành án dân sự cấp tỉnh gồm:

          Trưởng Thi hành án, Phó trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh:

         - Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh là người đứng đầu, đồng thời là chấp hành viên cấp tỉnh.

- Phó trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh, đồng thời là chấp hành viên cấp tỉnh. Thi hành án dân sự cấp tỉnh có từ 01 đến 02 Phó trưởng Thi hành án. Đối với Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có không quá 03 Phó trưởng Thi hành án.

Trưởng Thi hành án, Phó trưởng Thi hành án dân sự ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, còn phải thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chấp hành viên theo quy định của pháp luật; không được can thiệp, gây ảnh hưởng đến tính độc lập của chấp hành viên khi chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

 Trưởng phòng, Phó trưởng phòng chuyên môn: Phòng chuyên môn có Trưởng phòng và 01 Phó trưởng phòng (trường hợp đặc biệt không quá 02 Phó trưởng phòng).

 Chấp hành viên cấp tỉnh: Thi hành án dân sự cấp tỉnh có ít nhất 05 chấp hành viên cấp tỉnh (không kể Trưởng Thi hành án, Phó trưởng Thi hành án là chấp hành viên cấp tỉnh), nhưng tối đa cũng không quá 2/3 tổng số biên chế của cơ quan đó.

         Đối với các tỉnh, thành phố do có sự điều động, luân chuyển chấp hành viên cấp tỉnh về Thi hành án dân sự cấp huyện thì phải có ít nhất 03 chấp hành viên cấp tỉnh (không kể Trưởng Thi hành án, Phó trưởng Thi hành án là chấp hành viên cấp tỉnh), nhưng phải bổ sung đủ số chấp hành viên cấp tỉnh trong thời gian tối đa là 12 tháng, kể từ ngày có quyết định điều động, luân chuyển chấp hành viên cấp tỉnh.

          Thẩm tra viên, thẩm tra viên chính, chuyên viên, chuyên viên chính: Thi hành án dân sự cấp tỉnh có thẩm tra viên, thẩm tra viên chính, chuyên viên, chuyên viên chính.

         Việc bổ nhiệm vào ngạch thẩm tra viên, thẩm tra viên chính, chuyên viên chính do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định; việc bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên do Giám đốc Sở Tư pháp quyết định theo uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. 

          Kế toán viên và thủ quỹ: Thi hành án dân sự cấp tỉnh có ít nhất 01 kế toán thuộc lĩnh vực tài chính hành chính sự nghiệp, 01 kế toán nghiệp vụ thi hành án và 01 thủ quỹ (khi cần thiết kiêm thủ kho);

 Cán sự, nhân viên văn thư - lưu trữ: Thi hành án dân sự cấp tỉnh có ít nhất 01 người là cán sự, nhân viên văn thư - lưu trữ;

          Lái xe: Lái xe trong biên chế hành chính của Thi hành án dân sự cấp tỉnh là những người được tuyển dụng trước ngày Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 có hiệu lực.

          Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh được ký hợp đồng lao động đối với lái xe theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

          Căn cứ yêu cầu tổ chức, hoạt động và trên cơ sở biên chế được Bộ trưởng Bộ Nội vụ giao cho các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, Bộ trưởng Bộ Tư pháp uỷ quyền cho Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp phân bổ chỉ tiêu biên chế cụ thể cho Thi hành án dân sự cấp tỉnh, nhưng phải đảm bảo định mức biên chế tối thiểu của một đơn vị là 20 biên chế (riêng Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh định mức biên chế tối thiểu của một đơn vị ít nhất là 40 biên chế).

          Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm đôn đốc Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh xây dựng đề án kiện toàn tổ chức và biên chế Thi hành án dân sự cấp tỉnh theo đúng quy định tại Thông tư này. Để bảo đảm tạo nguồn cán bộ lãnh đạo và chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, từ nay đến năm 2010 hạn chế việc điều động, luân chuyển cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan thi hành án dân sự sang làm nhiệm vụ tại các đơn vị khác.

 Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự chịu trách nhiệm:

 Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao về tổ chức, cán bộ của phòng chuyên môn thuộc Thi hành án dân sự cấp tỉnh theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn tại Thông tư này;

 Phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp trong việc chỉ đạo, hướng dẫn Thi hành án dân sự cấp tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, công chức thi hành án;

Tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình tổ chức, hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự ở địa phương để đề xuất, kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ, giải quyết vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự./.