Giải quyết khiếu nại về thi hành án dấn sự

15/06/2007

Giải quyết các khiếu nại luôn là một trong những nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước quan tâm. Tại điểm e, khoản 2 Chỉ thị số 10/2002/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/3/2002 về việc “Triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” đã nêu rõ “Các khiếu nại, tố cáo về thi hành án phải được giải quyết kịp thời, dứt điểm tại nơi phát sinh. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự”.



Theo quy định tại Điều 59 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, thì người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, lợi ích liên quan có quyền khiếu nại đối với các quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên, nếu có căn cứ cho rằng các quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Thời hạn khiếu nại là chín mươi ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên.

Trong trường hợp vì ốm đau, thiên tai, địch hoạ, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn, thì thời gian có trở ngại đó không  tính vào thời hạn khiếu nại.

Để đảm bảo quyền khiếu nại của đương sự, cũng như xác định trách nhiệm của cơ quan Thi hành án dân sự trong giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự, Điều 59, 60, 62 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 cũng quy định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hình thức giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự.

Thực hiện các quy định này của pháp lệnh thi hành án dân sự, qua tổng kết công tác giải quyết khiếu nại thời gian qua, cho thấy việc giải quyết khiếu nại so với những năm trước khi Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 có hiệu lực (trước ngày 01/7/2004) đã có những bước chuyển biễn rõ dệt: Phần lớn các việc khiếu nại về thi hành án dân sự, đặc biệt là một số vụ việc khiếu nại bức xúc kéo dài đã được giải quyết dứt điểm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự và bước đầu củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân đối với các cơ quan tư pháp nói chung và cơ quan Thi hành án dân sự nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì hiện tại vẫn còn một số hạn chế trong giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự cần được giải quyết trong thời gian tới như: việc tiếp dân, tổ chức tiếp dân vẫn chưa đạt được các yêu cầu đặt ra trong tình hình mới; khiếu nại vượt cấp, khiếu nại nhiều lần đối với một vụ việc vẫn còn; vẫn xảy ra một số vụ việc khiếu nại, tồn đọng bức xúc chưa được giải quyết dứt điểm; vi phạm trình tự thủ tục gải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự (không giải quyết khiếu nại đúng thời hạn được quy định; giải quyết khiếu nại không bằng Quyết định giải quyết khiếu nại)...

Qua phân tích các nội dung khiếu nại, việc áp dụng các quy định về giải quyết khiếu nại trong thực tiễn và thực tiễn tổ chức hoạt động thi hành án dân sự, cho thấy sở dĩ vẫn còn tồn tại những hạn chế đã nêu trên bởi các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, cơ quan Thi hành án dân sự chưa chủ động, tích cực trong việc tổ chức thi hành án dân sự, khiến cho kết quả thi hành án không cao, từ đó quyền lợi của đa số người được thi hành án không được đảm bảo dẫn tới sự gia tăng khiếu nại, khiếu nại nhiều lần, khiếu nại vượt cấp. Theo thống kê kết quả thi hành án 6 tháng đầu năm 2007, thì kết quả thi hành án đạt rất thấp, tính bình quân trong toàn quốc, thì tỷ lệ án thi hành xong hoàn toàn chỉ đạt 33% trên số việc có điều kiện thi hành, 10% giá trị trên số giá trị tiền, tài sản có điều kiện thu thấp hơn so với cùng kỳ năm 2006 là 9,4% về việc và 17,30% về giá trị tiền, tài sản.

Thứ hai, nhiều cán bộ thi hành án, chấp hành viên chưa tích cực nghiên cứu, nắm vững các quy định của pháp luật về thi hành án và pháp luật có liên quan nên việc áp dụng vẫn còn có hiện tượng nhầm lẫn, thiếu sót gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, người phải thi hành án và những người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan, dẫn tới khiếu nại của đương sự.

Thứ ba, vẫn còn hiện tượng vi phạm các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án như: chậm đưa bản án ra thi hành, thi hành không đúng nội dung bản án, quyết định của Toà án, thành lập Hội đồng định giá không đúng thành phần, định giá tài sản quá thấp hoặc quá cao, áp dụng các biện pháp cưỡng chế không đúng quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, kê biên, bán đấu giá tài sản không thuộc sở hữu của người phải thi hành án...

Thứ tư việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của đương sự sau kê biên, phát mại tài sản, hoặc sau cưỡng chế giao tài sản, giao quyền sử dụng đất ...chưa được quan tâm đúng mức, thậm trí nhiều trường hợp còn chưa đúng trình tự, thủ tục gây bức xúc cho đương sự dẫn tới khiếu nại.

  Thứ năm, trong quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án chưa quan tâm đúng mức tới việc tuyên truyền, giải thích và giáo dục thuyết phục cho các bên đương sự hiểu và tự nguyện thực hiện các nghĩa vụ của mình trong việc thi hành bản án, quyết định của Toà án.

Thứ sáu, một số trường hợp cán bộ, Chấp hành viên còn có thái độ thiếu đúng mức hoặc sách nhiễu đối với người được thi hành án, người phải thi hành án và những người có quyền, lợi ích liên quan đến việc thi hành án.

Thứ bảy, một số địa phương cơ quan thi hành án chưa có sự quan tâm đúng mức tới việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, lợi ích liên quan đến việc thi hành án, khiến cho đương sự phải khiếu nại tiếp lên cấp trên.

Thứ tám, mặc dù Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993 đã được thay thế bảng Pháp lệnh thi hành án dân sự sự năm 2004, nhưng trong những năm vừa qua do sự biến động nhanh của thực tiễn và Nhà nước ta đã ban hành nhiều Luật và các văn bản pháp quy khác, vì thế một số quy định trong Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 cũng đã trở lên không còn phù hợp khiến cho việc thi hành án gặp nhiều khó khăn, thậm chí có trường hợp để giải quyết được phải họp liên ngành với nhiều ngành, nhiều cấp trong một thời gian dài mới giải quyết được, nên đã gây ra sự chậm chễ trong việc thi hành án dẫn tới việc khiếu nại của đương sự.

Thứ chín, các quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự về giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự chưa được cụ thể, còn thiếu nhiều quy định. Hiện tại Pháp lệnh thi hành án dân sự mới quy định về thẩm quyền, thời hạn và hình thức giải quyết khiếu nại, mà chưa có các quy định về việc thụ lý, lập hồ sơ, tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại...

Thứ mười, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan chưa chặt chẽ. Thi hành án dân sự là một hoạt động diễn ra sau khi quá trình tố tụng kết thức, nhằm đưa bản án, quyết định của Toà án và của Trong Tài thương mại ra thi hành án trên thực tế, khôi phục lại tình trạng ban đầu của quan hệ pháp luật bị xâm hại. Chính vì vậy, chất lượng việc thi hành án phụ thuộc rất lớn vào các hoạt động tố tụng trước đó. Trong các giai đoạn tố tụng trước, các cơ quan tố tụng làm tốt công việc của mình, đưa ra những bản án, quyết định công minh, khách quan và kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn đương sự tẩu tán tài sản, thì việc thi hành án sẽ thuận lợi và tránh được khiếu nại của đương sự. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, có trường hợp bản án bị hoãn, tạm đình chỉ xét xử đi xét xử lại nhiều lần với những kết quả trái ngược nhau, dẫn đến tình trạng hoài nghi của người được thi hành án, người phải thi hành án và những người có quyền, lợi ích liên quan đối với quá trình xét xử và thi hành án, khiến họ không yên tâm thực hiện nghĩa vụ của mình. Đồng thời, trong quá trình tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng chưa phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thi hành án cương quyết áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm ngăn chặn đương sự tẩu tán tài sản để đảm bảo thi hành án sau này đã gây khó khăn cho việc thi hành án, dẫn tới đương sự khiếu nại.

Một nguyên nhân cũng không kém phân quan trọng đó một bộ phận lớn  người phải thi hành án ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt, nên thường cố ý chống đối việc thi hành án. Cá biệt có trường hợp đương sự còn lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối, cản trở, trốn tránh việc thi hành án khiến cho bản án không thể thi hành được cũng đã dẫn tới sự khiếu naị, tố cáo của người được thi hành án và những người có quyền, lợi ích liên quan đến việc thi hành án.

Để làm tốt công tác giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự trong thời gian tới, đáp ứng được các yêu cầu mới của Đảng, của Nhà nước và của thực tiễn đối với công giải quyết khiếu nại, thì việc khắc phục các nguyên nhân dẫn đến khiếu nại của đương sự là yêu cầu bức thiết được đặt ra. Qua nghiên cứu thực tiễn thi hành án dân sự và giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự thời gian vừa qua cho thấy cần phải áp dụng các biện pháp sau:

Các cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự (Cục Thi hành án dân sự, Ủy ban nhân dân các cấp) cần giám sát chặt kết quả thi hành án của từng Chấp hành viên, từng đơn vị thi hành án để có biện pháp đôn đốc tổ chức thi hành triệt để những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay.

Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật thi hành án nói riêng nhằm tạo ra bước chuyển biến cơ bản trong nhận thức của nhân dân trong việc chấp hành pháp luật. Đồng thời, trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, Chấp hành viên phải luôn lấy giáo dục, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án là chính, qua đó giáo dục mọi người ý thức chấp hành pháp luật.

Thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho Chấp hành viên, nâng cao ý thức cho Chấp hành viên trong việc tự nghiên cứu và áp dụng pháp luật trong công tác thi hành án dân sự. Thủ trưởng các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự về giải quyết khiếu nại. Khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp nào, thì phải giải quyết dứt điểm ở cấp đó. Việc giải quyết khiếu nại phải bằng quyết định giải quyết khiếu nại và phải đúng nội dung khiếu nại của đương sự để họ có căn cứ khiếu nại tiếp, tránh tình trạng vòng vèo, qua loa, đại khái hay đùn đẩy lẫn nhau gây bất bình trong nhân dân và những người liên quan đến việc thi hành án dân sự.

Tiến hành rà soát lại hệ thống các văn bản pháp luật quy định về thi hành án để kịp thời sửa đổi, bổ sung hay ban hành văn bản mới thay thế những văn bản cũ không còn phù hợp với thực tế hiện nay và trong thời gian tới làm cơ sở cho việc thi hành dứt điểm những vụ án khó khăn, phức tạp.

Cương quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết để thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mà đương sự có điều kiện thi hành án, nhưng cố tình lẩn tránh, trây ỳ không tự nguyện thi hành án.

Kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm những trường hợp người phải thi hành án, người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan Nhà nước cố tình cản trở việc thi hành.

Các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo việc giải quyết khiếu nại đối với các cơ quan thi hành án địa phương.

Điều tra, xác minh nhằm giải quyết dứt điểm khiếu nại bức xúc ngay tại nơi phát sinh. Việc giải quyết khiếu nại cần phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục được quy định trong Pháp lệnh thi hành án dân sự, mọi khiếu nại trong thi hành án dân sự cần được theo dõi chặt chẽ bằng sổ thụ lý, các tài liệu liên quan đến khiếu nại của đương sự và quá trình giải quyết của Cơ quan Thi hành án phải được lưu trữ khoa học và đầy đủ.

Trong quá trình giải quyết khiếu nại của đương sự, nhất là các khiếu nại bức xúc, kéo dài các cơ quan Thi hành án cần tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy đảng và chính quyền cùng cấp để huy động mọi nguồn lực vào việc giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự. Định kỳ hàng tháng, quý, năm Trưởng thi hành án dân sự cần báo cáo Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cùng cấp chỉ đạo các cơ quan tư pháp (Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân)  tổ chức các cuộc họp liên tịch để rà soát các khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp để thống nhất quan điểm, biện pháp giải quyết dứt điểm.

Trưởng Thi hành án dân sự các cấp phải bố trí thời gian tiếp dân hàng tuần để trực tiếp nghe và đối thoại với  dân về các vấn đề khúc mắc, bức xúc đối với công tác thi hành án dân sự; cần phải xác định giải quyết khiếu nại, tố cáo là trách nhiệm của Thủ trưởng có quan thi hành án.

Nghiên cứu việc xây dựng thông tư hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự.

Cần xây dựng cơ chế để buộc những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành của Thủ trưởng cơ quan thi hành án.

Xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho số cán bộ, công chức hiện đang công tác trong ngành thi hành án, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Chấp hành viên của các cơ quan thi hành án trong cả nước.

Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân trước khi ra quyết định kháng nghị cần trao đổi với cơ quan thi hành án đang tổ chức thi hành vụ việc để có biện pháp xử lý hậu quả trong những vụ việc bản án đã được thi hành xong.

Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan tư pháp ở Trung ương và địa phương về giải quyết khiếu nại của đương sự và giải quyết một số công việc có liên quan đến hoạt động thi hành án, hoạt động tố tụng của Toà án, của Viện kiểm sát trong quá trình giải quyết vụ án, trong đó xác định rõ:

Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cần kịp thời có văn bản trả lời đối với những trường hợp chính quyền địa phương có ý kiến đối với việc xét xử của Toà án và những trường hợp Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có quyết định hoãn, tạm đình chỉ hay kháng nghị.

Toà án, Viện kiểm sát nhân dân các cấp cần xem xét, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đối với các kiến nghị của cơ quan thi hành án (về giải thích bản án, xem xét trường hợp bản án tuyên không phù hợp với thực tế, bỏ sót người có quyền, nghĩa vụ liên quan…) tạo điều kiện cho cơ quan thi hành án hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, xử lý nghiêm minh đối với những cá nhân, tổ chức cản trở hoặc cố tình không thi hành án.

Đối với những vụ án kinh tế, tham nhũng, thất thoát lớn tài sản của Nhà nước cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nhằm phát hiện, xử lý nhanh chóng vụ việc; có biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản ngay từ khi phát hiện vụ án, bảo đảm việc thi hành án có hiệu quả.  

Hoàng Thế Anh