Về thực hiện Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự.
Nhìn chung phần lớn các đơn vị thực hiện nghiêm túc Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, lập và gửi đầy đủ, đúng hạn báo cáo thống kê thi hành án dân sự. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều đơn vị chưa lập hoặc lập không đầy đủ biểu mẫu thống kê theo mẫu quy định, gửi chậm hoặc gửi thiếu báo cáo. Để Chế độ báo cáo thống kê kết quả thi hành án dân sự từng bước đi vào nền nếp, ổn định, Cục Thi hành án dân sự đã yêu cầu Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Chấp hành viên và các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nghiêm túc Chế độ thống kê thi hành án dân sự, nộp đủ, đúng hạn báo cáo thống kê kết quả thi hành án theo quy định.
Về nâng cao kết quả thi hành án.
Trên cơ sở phân tích báo cáo thống kê kết quả thi hành án dân sự 3 tháng/năm 2008 cho thấy kết quả thi hành án dân sự chung trong toàn quốc đạt thấp (giải quyết xong 22% tổng số việc thụ lý, thi hành xong hoàn toàn 29% số việc có điều kiện thi hành; giải quyết xong 9% số tiền và giá trị tài sản phải thi hành, thực thu đạt 17% số tiền và giá trị tài sản có điều kiện thi hành). Như vậy, số lượng vụ việc hiện tại các cơ quan thi hành án dân sự địa phương còn tồn chuyển sang kỳ sau rất lớn. Do đó, để nâng cao kết quả thi hành án dân sự trong kỳ tới, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đã đặt ra theo Chương trình công tác trọng tâm của ngành tư pháp năm 2008, Cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát, phân loại đối với toàn bộ số việc thụ lý hiện còn phải thi hành, từ đó đề ra các biện pháp giải quyết thích hợp đối với từng loại việc. Cụ thể:
- Đối với những việc chưa thi hành, cần phân công và chỉ đạo Chấp hành viên lập kế hoạch cụ thể cho từng tháng, quí tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của đương sự, qua xác minh thấy có điều kiện thi hành án, thì tổ chức giáo dục, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành. Trường hợp đương sự cố tình chống đối, chây ỳ, thì cương quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành án dứt điểm. Nếu đương sự không có tài sản, hoặc có tài sản nhưng thuộc diện không được kê biên hoặc chưa thể xử lý được, thì áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giải quyết (hoãn, tạm đình chỉ, đỉnh chỉ, trả đơn....) nhằm làm giảm số lượng án tồn trong kỳ.
- Đối với những việc đang thi hành dở dang, cần phân loại rõ tính chất của từng việc cụ thể, xác định trách nhiệm của từng Chấp hành viên, cán bộ được phân công theo dõi, đôn đốc và ấn định thời hạn để tổ chức thi hành dứt điểm.
- Đối với những vụ việc chưa thể thi hành được vì lý do khác, Trưởng thi hành án cần phải kiểm tra, xem xét, đánh giá kỹ lưỡng để có biện pháp chỉ đạo tổ chức thi hành ngay hoặc phối hợp với các cơ quan hữu quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho Chấp hành viên tổ chức thi hành án dứt điểm. Đối với những loại việc này, Thủ trưởng cơ quan thi hành án cần đặc biệt chú ý tới những việc tạm ngưng để giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời, Thủ trưởng cơ quan thi hành án các cấp tăng cường kiểm tra đối với hoạt động của Chấp hành viên; giải quyết dứt điểm các khiếu nại trong thời hạn Luật định để làm cơ sở cho việc thi hành án.
Bảo Bảo