Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch thực hiện Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật này

05/01/2009
Để thực hiện Nghị quyết số 24/2008/QH12 về việc thi hành Luật thi hành án dân sự được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14/11/2008, Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 2425/QĐ-BTP ngày 29/12/2008 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Luật thi hành án dân sự và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật này, với tám nội dung cơ bản sau đây:


Một là, rà soát các quy định của pháp luật luật hiện hành, xác định những văn bản, quy định còn hoặc không còn phù hợp với quy định của Luật thi hành án dân sự, trên cơ sở đó đề xuất việc huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung bảo đảm có hiệu lực cùng với Luật này từ ngày 01/7/2009. Xây dựng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự gồm 02 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 07 Thông tư liên tịch gồm:

- Nghị định quy định chi tiết về hệ thống tổ chức thi hành án và công chức làm công tác thi hành án

- Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn về thủ tục thi hành án dân sự.

- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục các cơ quan thi hành án dân sự tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa được tuyển chọn người có trình độ cử nhân luật làm Chấp hành viên không qua thi tuyển.

- Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn về trình tự, thủ tục thi tuyển, bổ nhiệm Chấp hành viên; bổ nhiệm Chấp hành viên không thông qua thi tuyển.

- Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn một số vấn đề về hoạt động thi hành án.

- Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định của Luật thi hành án dân sự.

- Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc miễn thi hành án đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước có giá trị không quá 500.000đồng theo Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật thi hành án dân sự.

- Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an hướng dẫn trại giam, trại tạm giam thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền thi hành án.

- Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an hướng dẫn bảo vệ cưỡng chế thi hành án.

- Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn về bảo đảm tài chính để thi hành án.

Ngoài ra, sẽ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới một số văn bản quy phạm pháp luật khác về thi hành án phù hợp với Luật thi hành án dân sự.

Hai là, chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay một số công việc để thi hành có kết quả ngay sau khi Luật thi hành án dân sự có hiệu lực.

Ba là, tuyên truyền, phổ biến Luật thi hành án dân sự.

Bốn là, bồi dưỡng nghiệp vụ về Luật thi hành án dân sự.

Năm là, thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên).

Sáu là, kiện toàn một bước tổ chức, cán bộ Cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự.

Bảy là, tổng kết việc thực hiện uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho Giám đốc Sở Tư pháp trong việc quản lý một số mặt công tác tổ chức cán bộ thi hành án dân sự.

Tám là, tăng cường cơ sở vật chất, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

Hy vọng rằng với sự tập trung, nỗ lực cao của các cấp Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, tinh thần đổi mới công tác thi hành án dân sự trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng đã được thể chế hoá vào Luật thi hành án dân sự năm 2008 và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự sẽ sớm được triển khai thực hiện theo đúng tiến độ,góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy tác dụng của Luật thi hành án dân sự trong việcbảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chứctrong thời gian tới./. 

Nguyễn Văn Nghĩa - Cục THADS - BTP