1. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự
Khi nhận được văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ có hành vi quy định tại Điều 38 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 (sau đây gọi tắt là Luật TNBTCNN), người bị thiệt hại gửi đơn yêu cầu bồi thường đến Cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật TNBTCNN.
Trường hợp Cơ quan thi hành án dân sự quản lý trực tiếp người thi hành công vụ đã được chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc người thi hành công vụ gây ra thiệt hại không còn làm việc tại cơ quan đó tại thời điểm thụ lý đơn yêu cầu bồi thường hoặc có sự ủy quyền, ủy thác thực hiện công vụ thì việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường được thực hiện theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Ðiều 14 của Luật TNBTCNN.
Điều 4 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP quy định về Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự như sau:
- Trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là công chức của Tổng cục Thi hành án dân sự thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Tổng cục Thi hành án dân sự.
- Trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là công chức của Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh.
- Trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là công chức của Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện.
Trong trường hợp người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm bồi thường thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường có thẩm quyền theo quy định tại Chương IV của Nghị định số 16/2010/NĐ-CP theo thủ tục sau đây:
- Trường hợp người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản của người bị thiệt hại, cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường phải có văn bản xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường;
- Trường hợp không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm bồi thường thì thời hạn ban hành văn bản xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể được kéo dài nhưng không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản của người bị thiệt hại. Việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm bồi thường được tiến hành như sau:
+ Theo yêu cầu của người bị thiệt hại, cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc gây ra thiệt hại để xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường;
+ Trong trường hợp không có sự thống nhất về việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường thì cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường quyết định một cơ quan trong số các cơ quan có liên quan là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
- Văn bản xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải được gửi ngay cho người bị thiệt hại và cơ quan có trách nhiệm bồi thường để thực hiện.
Khoản 2, Khoản 3 Điều 10 Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP tiếp tục hướng dẫn về cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự, cụ thể:
- Trường hợp Cơ quan thi hành án dân sự giao cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện nhiệm vụ liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự mà gây ra thiệt hại trong phạm vi trách nhiệm bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN thì Cơ quan thi hành án dân sự đó có trách nhiệm bồi thường.
- Trong trường hợp người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm bồi thường thì việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23 của Nghị định số 16/2010/NĐ-CP.
2. Hồ sơ yêu cầu bồi thường
Điều 11 Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP quy định về hồ sơ yêu cầu bồi thường như sau:
Người bị thiệt hại gửi 01 bộ hồ sơ yêu cầu bồi thường đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường, bao gồm: đơn yêu cầu bồi thường theo Mẫu số 01a; 01b ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP; bản sao văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường.
Theo quy định tại Điều 41 Luật TNBTCNN thì đơn yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự có các nội dung chính sau đây:
- Tên, địa chỉ của người yêu cầu bồi thường thiệt hại;
- Lý do yêu cầu bồi thường;
- Thiệt hại và mức yêu cầu bồi thường.
Kèm theo đơn yêu cầu bồi thường phải có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường.
3. Thụ lý đơn yêu cầu giải quyết bồi thường
Điều 17 Luật TNBBCNN quy định về thủ tục thụ lý đơn yêu cầu giải quyết bồi thường như sau:
Khi nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải kiểm tra và xác định tính hợp lệ của đơn và các giấy tờ kèm theo; trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn người bị thiệt hại bổ sung.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn và các giấy tờ hợp lệ, nếu xác định yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì cơ quan đã nhận hồ sơ phải thụ lý và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý đơn cho người bị thiệt hại; trường hợp yêu cầu bồi thường không thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì cơ quan đã tiếp nhận hồ sơ phải trả lại hồ sơ và hướng dẫn người bị thiệt hại gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết bồi thường.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 43 Luật TNBTCNN thì việc thụ lý hồ sơ giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án được áp dụng theo quy định tại các điều 17, 18, 19, 20 và 21 của Luật TNBTCNN.
Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP đã hướng dẫn về thủ tục thụ lý đơn yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự như sau:
- Trong thời hạn hai năm kể từ ngày có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, người yêu cầu bồi thường gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường quy định tại Điều 4 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP bằng một trong các hình thức sau đây: trực tiếp gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường; gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường thông qua hệ thống bưu chính viễn thông.
- Khi nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải kiểm tra và xác định tính hợp lệ của đơn và các giấy tờ, tài liệu kèm theo; trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn người yêu cầu bồi thường bổ sung.
Đối với những văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ mà người yêu cầu bồi thường không có khả năng cung cấp thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường có trách nhiệm thu thập những văn bản đó.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn và các giấy tờ hợp lệ, nếu xác định yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì cơ quan đã nhận hồ sơ phải thụ lý và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý đơn cho người yêu cầu bồi thường; trường hợp cơ quan nhận đơn cho rằng vụ việc không thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì phải trả lại hồ sơ và hướng dẫn người yêu cầu bồi thường gửi đơn đến cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường để được xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Chương IV của Nghị định số 16/2010/NĐ-CP.
4. Xác minh thiệt hại
Việc xác minh thiệt hại làm cơ sở cho việc xem xét trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Điều 18 Luật TNBBCNN, đó là:
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải hoàn thành việc xác minh thiệt hại để làm căn cứ xác định mức bồi thường; trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn xác minh thiệt hại có thể kéo dài nhưng không quá 40 ngày.
Căn cứ vào tính chất, nội dung của vụ việc, cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể tổ chức việc định giá tài sản, giám định thiệt hại về tài sản, giám định thiệt hại về sức khỏe hoặc lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan về việc giải quyết bồi thường. Chi phí định giá, giám định được bảo đảm từ ngân sách nhà nước.
Trường hợp người bị thiệt hại không đồng ý với kết quả định giá, giám định mà yêu cầu định giá, giám định lại và được cơ quan có trách nhiệm bồi thường đồng ý thì chi phí định giá, giám định lại do người bị thiệt hại chi trả, trừ trường hợp kết quả định giá, giám định chứng minh yêu cầu định giá, giám định lại là có căn cứ.
Điều 9 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP quy định về thủ tục giải quyết bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường như sau:
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tiến hành việc xác minh thiệt hại để làm căn cứ xác định mức bồi thường theo quy định tại Điều 18 Luật TNBTCNN.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tiến hành thương lượng với người bị thiệt hại theo quy định tại Điều 19 Luật TNBTCNN.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc thương lượng, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải hoàn thành dự thảo quyết định giải quyết bồi thường. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể gửi dự thảo quyết định giải quyết bồi thường để lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan.
- Căn cứ vào kết quả xác minh thiệt hại, thương lượng với người bị thiệt hại và ý kiến của các cơ quan có liên quan (nếu có), cơ quan có trách nhiệm bồi thường ban hành quyết định giải quyết bồi thường theo quy định tại Điều 20 Luật TNBTCNN và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
- Khi quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện thủ tục cấp và chi trả tiền bồi thường theo quy định tại Điều 54 Luật TNBTCNN.
Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP đã hướng dẫn cụ thể việc xác minh thiệt hại như sau: xác minh thiệt hại được thực hiện theo quy định tại Điều 18 Luật TNBBCNN. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, người đại diện phải tổ chức việc xác minh thiệt hại. Việc xác minh thiệt hại được thực hiện trên cơ sở tài liệu, chứng cứ do người yêu cầu bồi thường cung cấp.
5. Thương lượng việc bồi thường
Điều 19 Luật TNBTCNN về thủ tục thương lượng bồi thường quy định:
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tổ chức và chủ trì thương lượng với người bị thiệt hại về việc giải quyết bồi thường; trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn thương lượng có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày.
Thành phần thương lượng gồm đại diện cơ quan có trách nhiệm bồi thường và người bị thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của họ. Trong trường hợp cần thiết, người thi hành công vụ gây ra thiệt hại được mời tham gia vào việc thương lượng.
Ðại diện của cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải là người có thẩm quyền để thỏa thuận việc bồi thường với người bị thiệt hại và chịu trách nhiệm trước cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
Ðịa điểm thương lượng là trụ sở của cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc trụ sở của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người bị thiệt hại cư trú, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Việc thương lượng phải lập thành biên bản. Biên bản thương lượng phải ghi rõ những nội dung chính sau đây:
- Ngày, tháng, năm tiến hành thương lượng;
- Ðịa điểm thương lượng, thành phần tham gia thương lượng;
- Ý kiến của các bên tham gia thương lượng;
- Những nội dung thương lượng thành hoặc không thành.
Biên bản thương lượng phải có chữ ký của các bên và được gửi cho người bị thiệt hại một bản ngay sau khi kết thúc thương lượng. Kết quả thương lượng là cơ sở để quyết định việc bồi thường.
Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP quy định về việc thương lượng việc bồi thường như sau: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại, người đại diện phải tiến hành thương lượng với người bị thiệt hại. Thời hạn thực hiện việc thương lượng là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại; trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn thương lượng có thể kéo dài thêm nhưng không quá 45 ngày. Thành phần thương lượng, địa điểm thương lượng, nội dung biên bản thương lượng được thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 19 của Luật TNBBCNN. Biên bản thương lượng thực hiện theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP.
6. Quyết định giải quyết bồi thường
Điều 20 Luật TNBTCNN về quyết định giải quyết bồi thường quy định:
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc việc thương lượng, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra quyết định giải quyết bồi thường. Quyết định giải quyết bồi thường phải có các nội dung chính sau đây:
- Tên, địa chỉ của người yêu cầu bồi thường;
- Tóm tắt lý do yêu cầu bồi thường;
- Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường;
- Mức bồi thường;
- Quyền khởi kiện tại Tòa án trong trường hợp không tán thành với quyết định giải quyết bồi thường;
- Hiệu lực của quyết định giải quyết bồi thường.
Quyết định giải quyết bồi thường phải được gửi cho người bị thiệt hại, cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan có trách nhiệm bồi thường và người thi hành công vụ gây ra thiệt hại.
Hiệu lực của quyết định giải quyết bồi thường được quy định tại Điều 21 Luật TNBTCNN, cụ thể: Quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định, trừ trường hợp người bị thiệt hại không đồng ý và khởi kiện ra Tòa án.
Điều 10 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP về việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại quy định:
- Việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại do một trong những người sau đây thực hiện:
+ Đại diện của cơ quan có trách nhiệm bồi thường;
+ Đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân bị thiệt hại cư trú, tổ chức bị thiệt hại đặt trụ sở, trong trường hợp chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường thông qua Ủy ban nhân dân cấp xã;
+ Những người khác do pháp luật quy định.
- Thủ tục chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường
+ Người thực hiện việc chuyển giao phải trực tiếp chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại. Người bị thiệt hại phải ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận quyết định giải quyết bồi thường. Ngày ký nhận của người bị thiệt hại được tính là ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường.
+ Trong trường hợp người bị thiệt hại vắng mặt thì quyết định giải quyết bồi thường có thể được giao cho người thân có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với họ. Người thân của người bị thiệt hại phải ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận quyết định giải quyết bồi thường. Ngày ký nhận của người thân cùng cư trú được tính là ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định giải quyết bồi thường.
Trong trường hợp người bị thiệt hại không có người thân có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú hoặc có nhưng họ từ chối nhận hộ quyết định giải quyết bồi thường thì có thể chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường thông qua Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị thiệt hại cư trú.
Trong trường hợp việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường qua người khác thì người thực hiện việc chuyển giao phải lập biên bản ghi rõ việc người bị thiệt hại vắng mặt, quyết định giải quyết bồi thường đã được giao cho ai; lý do; ngày, giờ giao; quan hệ giữa người nhận hộ với người bị thiệt hại; cam kết giao ngay tận tay quyết định giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại. Biên bản có chữ ký của người nhận chuyển quyết định giải quyết bồi thường và người thực hiện việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường, người chứng kiến.
- Trong trường hợp người bị thiệt hại vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ thì người thực hiện việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc chuyển giao. Biên bản phải có chữ ký của người cung cấp thông tin về người bị thiệt hại.
- Trong trường hợp người bị thiệt hại từ chối nhận quyết định giải quyết bồi thường thì người thực hiện việc chuyển giao phải lập biên bản trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố hoặc Ủy ban nhân dân, công an xã, phường, thị trấn về việc người đó từ chối nhận quyết định giải quyết bồi thường.
Điều 16 Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP về việc ban hành quyết định giải quyết bồi thường quy định:
Ngay sau khi kết thúc việc thương lượng, người đại diện phải hoàn thành dự thảo quyết định giải quyết bồi thường để báo cáo thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
Căn cứ vào kết quả xác minh thiệt hại, thương lượng với người bị thiệt hại và ý kiến của các cơ quan có liên quan (nếu có), Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường ban hành quyết định giải quyết bồi thường.
Trường hợp Cơ quan thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp của cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm bồi thường cử người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP thì người đại diện trong việc giải quyết bồi thường ban hành Quyết định giải quyết bồi thường. Quyết định giải quyết bồi thường thực hiện theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP. Người đại diện tổ chức việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường theo thủ tục quy định tại Điều 10 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP.
7. Giải quyết yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự tại Toà án:
a) Khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường được quy định tại Điều 22 Luật TNBBCNN, cụ thể như sau:
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường quy định tại Ðiều 20 của Luật TNBTCNN mà cơ quan có trách nhiệm bồi thường không ra quyết định hoặc kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định nhưng không đồng ý thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền theo quy định tại Ðiều 23 của Luật TNBBCNN để yêu cầu giải quyết bồi thường.
Trường hợp người bị thiệt hại chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể khởi kiện đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không được tính vào thời hạn khởi kiện quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật TNBTCNN.
Người bị thiệt hại không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường trong trường hợp quyết định giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật.
Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 2 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP, được hiểu như sau:
Trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến việc không thể gửi đơn yêu cầu thi hành án đúng hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP thì đương sự có quyền gửi đơn đề nghị Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành án xem xét. Thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc xảy ra trở ngại khách quan nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa;
- Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể gửi đơn yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức, phải điều trị nội trú hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, Cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật.
Cũng theo hướng dẫn tại đoạn 2 khoản 4 Điều 2 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP thì đối với trường hợp xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc do đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế hay do trở ngại khách quan khác xảy ra tại địa phương nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú. Đối với trường hợp do phải chữa bệnh nội trú nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận hoặc giấy nhập viện, xuất viện của tổ chức y tế cấp huyện trở lên. Đối với trường hợp do yêu cầu công tác nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc giấy cử đi công tác của cơ quan, đơn vị đó. Đối với những trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan khác nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tài liệu hợp pháp khác để chứng minh.
Xác nhận của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải thể hiện rõ địa điểm, nội dung và thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn.
Điều 18 Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP quy định người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết bồi thường trong các trường hợp sau đây:
- Người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật TNBTCNN.
- Hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường mà cơ quan giải quyết bồi thường không ra quyết định giải quyết bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật TNBTCNN.
Ngày hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường theo quy định tại Điều 22 của Luật TNBTCNN được xác định là ngày thứ 11, kể từ ngày người đại diện cơ quan giải quyết bồi thường và người bị thiệt hại ký biên bản kết thúc việc thương lượng.
b) Thẩm quyền và thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại Tòa án được quy định tại Điều 23 Luật TNBTCNN, cụ thể:
Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cá nhân bị thiệt hại cư trú, làm việc, nơi tổ chức bị thiệt hại đặt trụ sở, nơi thiệt hại xảy ra theo sự lựa chọn của người bị thiệt hại hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Th.s Nguyễn Văn Nghĩa - Tổng cục THADS
(Còn nữa)
[1] Khoản 2 Ðiều 40 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định: “2. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự là cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại.”
Điểm a, b và c Khoản 2 Ðiều 14 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 quy định: “2. Ngoài trường hợp quy định tại Khoản 1 Ðiều này thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường được xác định như sau:
a) Trường hợp cơ quan quản lý người thi hành công vụ đã được chia tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc bị giải thể thì cơ quan kế thừa chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đó là cơ quan có trách nhiệm bồi thường; trường hợp không có cơ quan nào kế thừa chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đã bị giải thể thì cơ quan đã ra quyết định giải thể là cơ quan có trách nhiệm bồi thường;
b) Trường hợp tại thời điểm thụ lý đơn yêu cầu bồi thường mà người thi hành công vụ gây ra thiệt hại không còn làm việc tại cơ quan quản lý người đó thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan quản lý người thi hành công vụ tại thời điểm gây ra thiệt hại;
c) Trường hợp có sự ủy quyền hoặc ủy thác thực hiện công vụ thì cơ quan ủy quyền hoặc cơ quan ủy thác là cơ quan có trách nhiệm bồi thường; trường hợp cơ quan được ủy quyền, cơ quan nhận ủy thác thực hiện không đúng nội dung ủy quyền, ủy thác gây thiệt hại thì cơ quan này là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.”
Mẫu số 02
(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số: 24 /2011/TTLT-BTP-BQP
Ngày 15 tháng 12 năm 2011 của Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
————————————
BIÊN BẢN THƯƠNG LƯỢNG
VIỆC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI
Hôm nay, ngày .... tháng ..... năm ......, tại....................................,chúng tôi gồm:
Cơ quan có trách nhiệm bồi thường
Do ông (bà)…………………………Chức vụ:.........................................
Thuộc cơ quan:……………………………………………….làm đại diện.
Người yêu cầu bồi thường
(Trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân)
Ông (bà):...........................................................................................................................
Địa chỉ:..............................................................................................................................
Là đại diện của ông (bà):…………………(trong trường hợp người bị thiệt hại có người đại diện thực hiện quyền yêu cầu bồi thường).
(Trường hợp người bị thiệt hại là tổ chức)
Ông (bà):..................................................................................... ……………………………...
Địa chỉ:...................................................................................................................... ….....
Là đại diện của tổ chức:…………………...................................................
Đại diện chính quyền địa phương, cơ quan, đơnvị (nếu có)
Do ông (bà)…………………………Chức vụ:.....................Thuộc:…………….…………….làm đại diện.
Có sự tham gia của ông (bà).................................................... là người thi hành công vụ gây ra thiệt hại (nếu có)
Đã cùng nhau tiến hành thương lượng về việc bồi thường thiệt hại của Nhà nước theo đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông (bà): …………………
1. Ý kiến của người yêu cầu bồi thường .................................
2. Ý kiến của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại (nếu có)..................................
3. Ý kiến của đại diện cơ quan có trách nhiệm bồi thường........................
4. Những nội dung thương lượng thành .............................
5. Những nội dung thương lượng không thành...................................
Biên bản đã được đọc cho mọi người tham gia thương lượng cùng nghe và nhất trí cùng ký tên dưới đây./.
Người yêu cầu bồi thường
(Ký và ghi rõ họ tên) |
…….., ngày……. tháng…… năm…….
Đại diện Cơ quan có trách nhiệm bồi thường
(Ký và ghi rõ họ tên) |
|
Đại diện chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị
(nếu có)
(Ký và ghi rõ họ tên) |
Mẫu số 03
(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số: 24 /2011/TTLT-BTP-BQP
ngày 15 tháng 12 năm 2011 của Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng)
TÊN CƠ QUAN
Số: QĐ/-…… |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
……….., ngày….. tháng …… năm …… |
QUYẾT ĐỊNH
(V/v giải quyết bồi thường đối với…..)
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN
Căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
Căn cứ Thông tư liên tịch số... /TTLT-BTP-BQP ngày .... tháng ... năm... hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự của Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng;
Căn cứ Quyết định/Bản án số ......ngày.....tháng .....năm .......của...................;
Căn cứ kết quả xác minh thiệt hại và thương lượng việc giải quyết bồi thường ngày.......tháng.......năm ....... giữa cơ quan……………………………… với ông (bà)…………………………........,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Bồi thường thiệt hại cho ông (bà)…………………..............................
Địa chỉ:...............................................................................................................
Số tiền là: ………………..............(bằng chữ:…………………...........................)
Với lý do:............................................................................................................
Điều 2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường, người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định, trừ trường hợp người bị thiệt hại không đồng ý và khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường.
Điều 4. Ông (bà).........................................................và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Cơ quan cấp trên trực tiếp (để b/c);
- Cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường (để b/c);
- Ông (bà)..............(để thực hiện);
- Lưu: VT, ….b. |
Thủ trưởng Cơ quan
(Ký, đóng dấu và ghi rõ họ tên) | |