Công tác Thi hành án dân sự 6 tháng cuối năm: Cần quyết liệt hơn nữa

09/05/2012
Phát biểu kết luận tại Hội nghị trực tuyến công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2012, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính đánh giá: cơ quan Thi hành án dân sự đã có nhiều nỗ lực, triển khai đồng bộ công việc, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, đạt những kết quả nhất định, tuy nhiên Thứ trưởng lưu ý, phải làm rõ nguyên nhân vì sao kết quả thi hành án thấp hơn cùng kỳ năm 2011 để có giải pháp khắc phục.


Kinh tế khó khăn tác động đến thi hành án.

Báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2012, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012 chỉ rõ: mặc dù trong bối cảnh kinh tế thế giới, kinh tế trong nước tiếp tục khó khăn, sản xuất kinh doanh nhiều áp lực, các vụ án liên quan đến vỡ hụi, họ, phá sản doanh nghiệp với số tiền rất lớn nhưng công tác thi hành án dân sự vẫn đạt kết quả khả quan.

Cụ thể, toàn ngành đã thi hành xong trên 148 ngàn vụ, đạt tỷ lệ hơn 54%, đã thi hành xong 3.323 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 30%. Tuy nhiên, cả hai tỷ lệ này đều thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. 6 tháng, toàn ngành đã lập hồ sơ đề nghị miễn giảm thi hành án đối với hơn 1.500 trường hợp, với số tiền gần 5 tỷ đồng.

6 tháng, các cơ quan Thi hành án dân sự đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với gần 4 ngàn trường hợp, trong đó có trên 700 trường hợp sau khi ra quyết định cưỡng chế đương sự đã tự nguyện thi hành. Do có sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Thi hành án dân sự với các ngành trong khối nội chính và chính quyền cơ sở nên các vụ cưỡng chế đều được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Đặc biệt, tổ chức bộ máy cơ quan Thi hành án thời gian qua tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Phó Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành cho biết: hiện cả nước có hơn 3 ngàn chấp hành viên; 466 thẩm tra viên, 28 thẩm tra viên chính và gần 1600 thư ký thi hành án. Đến nay, 61/63 đơn vị đã bổ nhiệm Cục trưởng; 62/62 đơn vị đã bổ nhiệm Phó cục trưởng; 645/695 đơn vị đã bổ nhiệm chi cục trưởng, còn lại giao quyền Chi cục trưởng và phụ trách chi cục.

Các công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, kế hoạch tài chính và các mặt công tác khác cũng đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Kết quả trong công tác Thi hành án dân sự có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đeo bám, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, mà nổi lên là các chuyến đi kiểm tra địa phương để kịp thời phát hiện, uốn nắn, hướng dẫn nghiệp vụ.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành cũng thừa nhận nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác Thi hành án dân sự trong đó công tác phân loại án mặc dù có tiến bộ hơn cùng kỳ 2011 nhưng tỷ lệ án có điều kiện thi hành/tổng số phải thi hành vẫn còn thấp; còn tồn tại nhất định trong công tác cán bộ, trong đó một số địa phương vẫn khó khăn trong tìm nguồn cán bộ; công tác quản lý điều hành, nhất là hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ có lúc có nơi còn chưa sâu sát, kịp thời, kỷ luật kỷ cương trong toàn ngành còn nhiều hạn chế.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính ghi nhận, trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn nhưng thi hành án đã có nhiều cố gắng, đạt kết quả nhất định.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Chính thì việc xây dựng các đề án, văn bản vừa qua được triển khai rất chậm; trong đó có đề án giảm án tồn đọng đến nay đã không kịp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba (khai mạc 21/5 tới đây) theo dự kiến. Một số Thông tư phục vụ trực tiếp công tác Thi hanh án dân sự lẽ ra phải ban hành rồi cũng vẫn đang soạn thảo. “Phải tiếp tục tập trung sức lực để hoàn thiện thể chế về thi hành án”. Thứ trưởng nhấn mạnh.

Riêng kết quả thi hành án, Thứ trưởng Chính tỏ ra lo ngại. “”Áp lực về công việc, biên chế đã giảm hơn năm 2011 khoảng 15%, phân loại án có chuyển biến nhưng tỷ lệ có và không có điều kiện thi hành vẫn ở mức cao. Kết quả công tác Thi hành án dân sự 3 năm rồi đều vượt so với chỉ tiêu, tại sao 6 tháng đầu năm đã xin điều chỉnh?”. Thứ trưởng đặt câu hỏi và yêu cầu “phải làm rõ nguyên nhân vì sao đạt tỷ lệ thấp, có hay không việc thi hành án đang “trùng” xuống?”.

Đề cập tình trạng một bộ phận cán bộ thi hành án vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự nhiều. Thứ trưởng đặc biệt lưu ý “phải nhìn nhận lại vấn đề này, để tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong toàn ngành”.

Bước vào 6 tháng cuối năm, thời gian không còn nhiều, Thứ trưởng nhiều lần nhấn mạnh “thi hành án phải quyết liệt hơn, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao kết quả thi hành án bằng nhiều giải pháp, trong đó có tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, tuyển dụng cán bộ”

                                                                        Thu Hằng

Về  hoạt động thí điểm thừa phát lại tại TP. Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm, tổng số tiền thu được của các Văn phòng Thừa phát lại là gần 13 tỷ đồng; trong đó đã lập và đăng ký 4565 vi bằng, tống đạt trên 67 ngàn văn bản; xác minh điều kiện thi hành án 120 vụ việc, trực tiếp tổ chức thi hành xong 21 vụ việc. Toàn thành phố hiện có 50 thừa phát lại làm việc trong 5 Văn phòng.

Thi hành án dân sự địa phương: Đề xuất nhiều giải pháp hoàn thành chỉ tiêu

6 tháng đầu năm, kết quả thi hành án dân sự cả nước đạt thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, vì vậy, trong 6 tháng cuối năm toàn ngành quyết tâm bứt phá để đạt các chỉ tiêu đề ra. Tại hội nghị sơ kết, các địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này.

Ông Lê Quang Tiến, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội: Hà Nội có 182 chấp hành viên, 30 thẩm tra viên trên tổng số 467 biên chế hiện có. Với địa bàn rộng, số lượng vụ việc phải thi hành lớn, nhiều vụ khó khăn phức tạp do vậy vẫn còn tình trạng quá tải đối với chấp hành viên. Để khắc phục tình trạng này, Hà Nội đề nghị Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sư quan tâm, tiếp tục triển khai việc sát hạch bổ nhiệm Chấp hành viên để khắc phục tình trạng quá tải hồ sơ thi hành án; giảm áp lực trong công việc.

Ông Nguyễn Văn Lực, Cục trưởng Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh: Luật tố tụng dân sự (sửa đổi) có hiệu lực từ năm 2012 vì chưa có hướng dẫn cụ thể nên hiện nhiều Tòa án thụ lý không đúng, đưa cả cơ quan Thi hành án dân sự vào làm bị đơn dân sự; gây tâm lý bất an cho anh em thi hành án. Vì vậy đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với ngành Tòa án xây dựng cơ chế đảm bảo an toàn về pháp lý cho chấp hành viên.

Riêng mô hình tổ chức của các Chi cục Thi hành án dân sư, hiện TP. Hồ Chí Minh nhiều chi cục lên tới trên 30 người nhưng với cách tổ chức hiện nay là chưa hợp lý. Tôi đề nghị các chi cục từ 20 người trở lên được thành lập các bộ phận như văn phòng, nghiệp vụ….

Ông Đặng Đình Quyền – Cục trưởng Thi hành án dân sự Hưng Yên: Theo quy định, Đảng lãnh đạo toàn diện về công tác tổ chức cán bộ. Tuy nhiên, cấp uỷ đảng tại các Cục Thi hành án dân sự chỉ thực hiện lãnh đạo nhiệm vụ chính trị tại cơ quan Cục mà không có nhiệm vụ lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ và các công tác khác trong phạm vi toàn ngành mà Cục được phân cấp quản lý. Do đó, căn cứ vào Điều lệ Đảng, đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập Ban Cán sự Đảng tại các Cục Thi hành án dân sự. Đồng thời, để cơ quan Thi hành án dân sự xứng tầm với vị thế của một cơ quan tư pháp tại địa phương, đề nghị Bộ và Tổng cục kiến nghị với các cơ quan hữu quan quy định Lãnh đạo cơ quan Thi hành án dân sự là cơ cấu cứng của Ban chấp hành đảng bộ cùng cấp, tương tự như Lãnh đạo của cơ quan Toà án, Viện Kiểm sát.

Đề nghị Bộ và Tổng cục cho phép mỗi Cục Thi hành án sự có ít nhất 3 Phó Cục trưởng, mỗi Chi cục Thi hành án dân sự có ít nhất 2 Phó Chi cục trưởng để tạo điều kiện cho các cơ quan thi hành án thuận lợi trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành.

Ông Phạm Quốc Việt, Cục trưởng Cục THADS Cần Thơ:

Mặc dù tỷ lệ thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm của Khánh Hòa vẫn đạt trên 60% cả việc và tiền tuy nhiên với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay thì việc hoàn thành các chỉ tiêu mà Bộ giao là rất khó khăn. Bộ, Tổng cục Thi hành án dân sự theo dõi, bám sát tình hình, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu, đặc biệt là cho các đơn vị còn nhiều khó khăn.

Bình An