Ích nước, lợi dân
Quốc hội đã nhất trí với đánh giá của Chính phủ về kết quả thí điểm chế định thừa phát lại 2 năm qua tại thành phố Hồ Chí Minh Theo đó, những kết quả thí điểm chế định này đã cho thấy, hoạt động thừa phát lại đã tìm được “chỗ đứng” như một nghề cần thiết cho người dân, xã hội nói chung, cho hoạt động tư pháp nói riêng và khẳng định hiệu quả của chủ trương xã hội hóa hoạt động tư pháp, hoạt động lĩnh vực thi hành án dân sự.
Mặc dù do thời gian ngắn, việc thí điểm chỉ mới được triển khai ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng tính thuyết phục về hiệu quả xã hội của hoạt động Thừa phát lại đã lan tỏa ra ngoài phạm vi thành phố nên nhiều địa phương, trong đó có thành phố Đà Nẵng, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương đã có văn bản đề xuất và chủ động xây dựng Đề án thực hiện thí điểm mô hình này tại địa phương mình.
Tuy nhiên, cùng với những hạn chế, vướng mắc về nhận thức, thể chế, tổ chức, nguồn nhân lực và kết quả hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại vì đây mới là giai đoạn thí điểm, thì việc chế định thừa phát lại mới được triển khai thí điểm thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh, chưa được nhân rộng đến các địa phương khác như Nghị quyết của Quốc hội đã xác định được Chính phủ và Quốc hội nhận định là “đã làm hạn chế việc đánh giá một cách toàn diện mô hình này”.
Do vậy, tiếp tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại thêm 3 năm nữa sẽ có thêm nhiều cơ sở để đánh giá toàn diện hiệu quả và phương hướng thực hiện chế định thừa phát lại, để thừa phát lại thực sự là một nghề quan trọng giúp hoạt động của các cơ quan tư pháp, trực tiếp là tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự “rảnh tay” làm chuyên môn, đồng thời tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong thực hiện các giao dịch dân sự và trong các quá trình tố tụng tư pháp cũng như có thêm sự lựa chọn phù hợp với năng lực, điều kiện của cá nhân khi yêu cầu thi hành án dân sự.
Không phải là việc riêng của Tòa án hay cơ quan Thi hành án dân sự
Nhưng chế định này sẽ không thể đạt hiệu quả khi thí điểm nếu không khắc phục được một trong những tồn tại, hạn chế là chưa có sự phối hợp một cách chặt chẽ đồng bộ và quyết liệt và chỉ dừng lại ở vai trò chủ động của Bộ Tư pháp. Việc thí điểm chế định thừa phát lại không phải là “việc riêng của Tòa án hay cơ quan Thi hành án dân sự”, mà cần có sự phối hợp đồng bộ, có trách nhiệm giữa các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy chính quyền các địa phương vì “nếu không có sự phối kết hợp đồng bộ này và nếu cấp ủy chính quyền các địa phương thiếu sự quan tâm chỉ đạo thì chế định thừa phát lại không thể thí điểm thành công” như nhận định của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính – người rất nhiều tâm huyết với chế định tiến bộ này.
Thực tế, một vướng mắc nữa khi thí điểm chế định thừa phát lại là hạn chế về nhận thức của xã hội đối với vai trò, hoạt động của thừa phát lại khiến người dân chưa quen nhìn nhận và sử dụng thừa phát lại như một dịch vụ trong lĩnh vực tư pháp để hỗ trợ cho việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức mình. Cũng từ hạn chế đó đã dẫn đến việc các cơ quan hữu quan triển khai một số công việc để thực hiện thí điểm chế định này chưa được thông suốt, đồng bộ, công tác phối hợp giữa các cơ quan Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự và các cơ quan khác có liên quan với các Văn phòng Thừa phát lại chưa thật chặt chẽ, có những lúc, những việc còn chậm chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ… Vì thế, công việc được coi là quan trọng khi tiếp tục thí điểm chế định này là cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, tạo sự đồng thuận, ủng hộ về chế định thừa phát lại trong cán bộ và nhân dân./.
Huy Anh