Chính xác từ khâu phân loại án.
Một vấn đề tưởng như là những thủ tục đầu tiên, đơn giản mà bất cứ cơ quan Thi hành án dân sự nào cũng phải làm đó là phân loại án. Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn hết sức quan trọng để quyết định một bản án, quyết định của Tòa án có được đưa ra thi hành trên thực tế không hay bị sếp vào diện “chưa có điều kiện thi hành”. Điều này đòi hỏi việc xác minh hết sức cẩn trọng, chính xác. Ngoài ra còn phải có sự công tâm, khách quan. Vì thế, trong nhiều chuyến công tác địa phương, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường luôn đề nghị Hội đồng nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tăng cường giám sát công tác thi hành án dân sự, trong đó có việc phân loại án, nhằm tránh đến mức tối đa việc biến án có thành không có điều kiện thi hành.
“Thấm nhuần” tinh thần ấy, bên cạnh việc kiểm tra của các cơ quan chức năng, ngành Thi hành án dân sự địa phương cũng đề cao và tăng cường công tác tự kiểm tra trong ngành, nhất là kiểm tra việc phân loại án đã trở thành công việc thường xuyên. Qua phân loại nêu rõ những ưu, nhược điểm và các vấn đề cần khắc phục. Cũng qua kiểm tra, phát hiện những sai sót trong công tác phân loại án sẽ có chế tài đến từng cán bộ, chấp hành viên. Chính vì quyết liệt trong công tác này mà án có điều kiện thi hành qua phân loại tăng đều qua các năm, riêng 2012 tỷ lệ số việc có điều kiện thi hành cao hơn so với năm 2011.
Tại diễn đàn kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII ,giải trình thêm về công tác thi hành án dân sự, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng nhấn mạnh ”chúng tôi đang cố gắng phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát các cấp, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện để làm sao phân loại án chính xác nhất”.
Đến quyết liệt trong thi hành.
Kinh tế khó khăn kéo theo hàng loạt những hệ lụy tiêu cực ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, số tiền phải thụ lý của năm 2012 lại tăng cao, trong khi án tồn vẫn phải giảm theo chỉ tiêu đã được ấn định…Những điều đó có thể coi là áp lực đối với các cơ quan Thi hành án dân sự.Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và đặc biệt là sự chủ động, sáng tạo của địa phương mà công tác này vẫn tiếp tục “vượt chỉ tiêu đề ra, duy trì bền vững sự chuyển biến cơ bản kể từ khi thi hành Luật thi hành án dân sự” như đánh giá của Chính phủ tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII.
Thi hành án dân sự là công việc rất đặc thù, liên quan đến quyền lợi của các bên nên phức tạp và nhạy cảm. Vì thế, ở mỗi địa phương, để làm tốt công tác này đòi hỏi những biện pháp khác nhau. Trong đó nổi lên là các chiến dịch cao điểm về Thi hành án dân sự. Các tỉnh miền Trung “tranh thủ” mùa khô, mùa thu hoạch của bà con để mở các đợt cao điểm về thi hành án. Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện biệt phái cả thư ký thi hành án và chấp hành viên về các đơn vị có án tồn cao, thực hiện giải pháp “Đối thoại với chấp hành viên” khi đương sự có đăng ký yêu cầu nhằm giảm bớt khiếu nại trong thi hành án. Hay như Hà Nội là siết chặt tính kỷ luật kỷ cương, giao việc đến từng chấp hành viên, cán bộ thi hành án, không nề hà trước sai phạm. Sơn La, Cao Bằng, Nghệ An, Hải Phòng…và nhiều địa phương khác cũng tổ chức những đợt cao điểm về thi hành án không chỉ làm giảm đáng kể án tồn đọng, thực hiện tốt nhiệm vụ công tác năm mà còn cổ vũ, động viên tinh thần cán bộ công chức trong toàn ngành với mục tiêu “thi đua về đích sớm”.
Đáng chú ý, nhiều địa phương đã biết tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, phát huy vai trò là cơ quan tham mưu trong giải quyết các vụ án phức tạp, kéo dài. Là “trung tâm kết nối”, cơ quan Thi hành án dân sự cũng xây dựng, tăng cường phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong miễn, giảm thi hành án dân sự; thi hành phần trách nhiệm dân sự của người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù tại Trại giam, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ...
Nhờ kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp mà năm 2012 trong hơn 446 ngàn việc có điều kiện thi hành đã thi hành xong hơn 395 ngàn việc, đạt tỷ lệ trên 88% so với số có điều kiện thi hành, tăng 15.384 việc (4,1%) so với năm 2011. Đến nay, toàn ngành đã thi hành được 10.344 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 77% so với số có điều kiện thi hành, tăng trên 176 tỷ đồng (1,7%) so với năm 2011.
Kết quả thi hành án của 02 địa phương có số lượng việc và giá trị phải thi hành chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số phải thi hành của toàn ngành là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (chiếm gần 17% về việc và trên 42% về giá trị) tiếp tục đạt kết quả cao (Hà Nội đạt 91,21% về việc và 77,59% về tiền; thành phố Hồ Chí Minh đạt 86,81% về việc và 76,04% về tiền). Ngoài ra, một số địa phương khác cũng có những chuyển biến và đạt kết quả cao, như: Hưng Yên (98,7% về việc, 95,26% về tiền); Nghệ An (94,78% về việc, 80,12% về tiền); Đăk Lăk (90,84% về việc, 80,31% về tiền); Tiền Giang (90,35% về việc, 84,08% về tiền...) góp phần duy trì bền vững kết quả chung của toàn ngành.
Động lực trước thềm năm mới
Một trong những tồn tại được chỉ ra trong công tác thi hành án dân sự 2012 theo Chính phủ đó là số việc và tiền chuyển kỳ sau vẫn còn nhiều, nhất là về tiền (229.714 việc và trên 28 nghìn tỷ đồng, tăng gần 7 nghìn tỷ so với số năm 2011 chuyển sang năm 2012). Đây là điều mà trên diễn đàn, Đại biểu Quốc hội cũng như dư luận vẫn đặt dấu hỏi, dù trong thời gian qua, nỗ lực giảm án tồn đọng đã đạt được nhiều kết quả rất khả quan. Nhiều nguyên nhân được Chính phủ chỉ ra, trong đó có người phải thi hành án không có điều kiện thi hành do kinh tế khó khăn, số việc và tiền phải thi hành tăng cao, tình trạng án tuyên không rõ, khó thi hành vẫn còn phổ biến, năng lực quản lý, điều hành của một bộ phận lãnh đạo cơ quan thi hành án chưa đáp ứng yêu cầu; một số chấp hành viên năng lực còn yếu...
Năm 2013 tới được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn tác động trực tiếp đến toàn ngành, tuy nhiên Chính phủ đặt ra nhiệm vụ tiếp tục thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008; tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại ; chỉ đạo thực hiện chính xác việc phân loại án và tổ chức thi hành án bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, duy trì bền vững kết quả đã đạt được của năm trước; giảm số việc thi hành án chuyển kỳ sau; thực hiện miễn, giảm thi hành án bảo đảm đúng quy định của pháp luật; tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Luật Thi hành án dân sự tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, tháo gỡ khó khăn cho công tác thi hành án hiện nay...
Một trong những điểm mới của công tác thi hành án dân sự không thể không nói đến đó là tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII vừa qua, lần đầu tiên Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về công tác tư pháp, trong đó xác định năm 2013, tỷ lệ thi hành án dân sự xong đạt trên 88% về việc, trên 77% về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành; giảm 5-10% số lượng án phải chuyển kỳ sau; ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết điịnh về dân sự đã có hiệu lực. Đây là chỉ tiêu nhưng cũng là động lực đối với toàn ngành để hoàn thành trách nhiệm trước Quốc hội, trước cử tri. Và để đạt được các chỉ tiêu đó, cùng với quyết tâm của Chính phủ, sự phối hợp của các cấp, ngành đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa của các cán bộ, chấp hành viên các cơ quan Thi hành án dân sự.
Bình An (Thu Hằng- nội chính)
Box 1:
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Theo đó, giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến hết ngày 31/ 12/ 2015 và tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2015.
Chính phủ quy định cụ thể và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Các tổ chức Thừa phát lại đã được thành lập và hoạt động theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 được tiếp tục hoạt động từ ngày 01/7/ 2012 cho đến khi Quốc hội có quyết định mới.
Box 2:
Năm 2011 Chính phủ đã báo cáo và Quốc hội đã đồng ý chủ trương cho Chính phủ được tiếp tục xây dựng Đề án miễn thi hành đối với một số khoản thu ngân sách cho nhà nước mà không có điều kiện thi hành án trước ngày luật có hiệu lực còn từ ngày luật có hiệu lực thì theo quy định của luật.
Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tới đây theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện đề án này để trình. Nếu được Quốc hội thông qua, theo tính toán dự kiến có thể giảm được 50.000 việc không có điều kiện thi hành tồn đọng từ năm 2009 trở về trước, có những việc đã 20 năm.
(Trích phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII)