Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương, Lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Lãnh đạo Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự 13 địa phương (thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long) và đông đảo phóng viên báo đài ở Trung ương và địa phương.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính cho biết: Thể chế hóa chủ trương của Đảng, ngày 14/11/2008 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2008/QH12 về thi hành Luật Thi hành án dân sự, trong đó quy định việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2009-CP ngày 24/7/2009 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Thừa phát lại là người có đủ các tiêu chuẩn do pháp luật quy định, được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự và làm các công việc khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Từ kết quả thực hiện thí điểm chế định này tại thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25/3/2013 phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”.
Thứ trưởng cũng nêu rõ Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội đã xác định 03 nội dung chính:
Thứ nhất, giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 đến hết ngày 31/12/2015 và tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2015.
Thứ hai, giao Chính phủ quy định cụ thể và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Các tổ chức Thừa phát lại đã được thành lập và hoạt động theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 được tiếp tục hoạt động từ ngày 01/7/2012 cho đến khi Quốc hội có quyết định mới.
Thứ ba, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện và hướng dẫn thi hành Nghị quyết này. Xác định trách nhiệm chính trong tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại là của Chính phủ, vì vậy Bộ Tư pháp tiếp tục tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại” với những nội dung trọng tâm như tiếp tục thực hiện hiệu quả việc thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh; Mở rộng việc thí điểm chế định Thừa phát lại từ 12 đến 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thống nhất chủ trương, kế hoạch thí điểm...
Thứ trưởng cũng lưu ý các địa phương cần ban hành văn bản, chỉ đạo, quán triệt triển khai thực hiện hiệu quả thí điểm; Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Thừa phát lại nhằm tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau.
Nhìn vào những kết quả của quá trình thí điểm, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Tống Anh Hào nhận xét, chế định Thừa phát lại được triển khai hiện nay là thực sự cần thiết, nhất là khi số lượng án tại nhiều địa phương đang tăng cao, trong khi biên chế ngành Tòa án có hạn. Tuy nhiên, ông Hào cũng lưu ý, cần chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho Thừa phát lại hoạt động, nhất là về năng lực nghiệp vụ, “nếu tống đạt không hợp lệ, hay lập vi bằng không chính xác …sẽ phải làm đi làm lại, ảnh hưởng đến tiến độ xét xử của Tòa án”.
Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Đình Bích đề cập đến một khó khăn khác đó chính là vấn đề về nhận thức. “Nhận thức về Thừa phát lại của xã hội, cơ quan tổ chức, người dân, thậm chí một bộ phận cán bộ, công chức các cơ quan tư pháp còn chưa đầy đủ”. Vì thế, ông Bích đề nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về Thừa phát lại và đây cũng là đề nghị chung của nhiều địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, những thành công thí điểm chế định Thừa phát lại ở thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ là bước đầu. “Tuy những thành công này là tiền đề quan trọng để chúng ta đi tiếp con đường cải cách tư pháp. Những cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, một số làm chậm, có việc rất chậm so với tiến độ yêu cầu của Đề án Thủ tướng Chính phủ. “
Một phần nguyên nhân của thực trạng này là do lúng túng về quy trình thủ tục, một phần do sự phối kết hợp giữa các ngành ở Trung ương với các ngành ở địa phương. Điều đó cho thấy sự phức tạp đa ngành, đa cấp khi thực hiện một chủ trương mới. Do đó, từ nay đến cuối năm, nhanh chóng phê duyệt Đề án thí điểm chế định Thừa phát lại; Ban hành các văn bản tạo hành lang pháp lý để thực hiện thí điểm, nhất là dự thảo sửa đổi Nghị định 61.
“Phải hiểu rằng, người Thừa phát lại là công lại, là người Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện dịch vụ công có miễn nhiệm, cách chức, kỷ luật, không phải doanh nhân. Tới đây, còn sẽ quy định tuổi về hưu của người Thừa phát lại. Văn phòng Thừa phát lại không phải là doanh nghiệp dù mô hình là doanh nghiệp. Cho nên việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại, bổ nhiệm người Thừa phát lại phải rất chặt chẽ, kiểm soát theo quy định pháp luật.”
Trung tâm Dữ liệu, Thông tin và Thống kê