Căn cứ Quyết định số 2616/QĐ-BTP ngày 05/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và Quyết định số 2617/QĐ-BTP ngày 05/11/2013 của Ban soạn thảo về việc thành lập Tổ Biên tập Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, chiều ngày 13/11/2013, Tổ Biên tập Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự 2008 đã họp phiên đầu tiên và báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng về tình hình xây dựng, những quan điểm, định hướng lớn, mục tiêu, dự thảo kế hoạch triển khai xây dựng Luật và một số nội dung chính để sửa đổi, bổ sung Luật.
Tại cuộc họp, các thành viên Tổ Biên tập đã có ý kiến góp ý đối với các tài liệu do Thường trực Tổ Biên tập dự thảo, trong đó đặc biệt chú ý đến Kế hoạch xây dựng dự án Luật và những quan điểm, định hướng lớn trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Nhiều thành viên góp ý, do thời gian xây dựng Luật không còn nhiều, số lượng công việc phải thực hiện là rất nhiều: Tổng kết việc thi hành Luật thi hành án dân sự năm 2008; xây dựng, chỉnh lý Dự thảo Luật; thẩm định dự án Luật; hoàn thiện Dự thảo trình Chính phủ, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội…. Trong khi đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự được đưa vào chính thức năm 2014 với tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2014) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2014). Ngày 16/8/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1441/QĐ-TTg phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các Dự án Luật, pháp lệnh thuộc chương trình năm 2014 và các dự án luật, pháp lệnh đã có hoặc mới được bổ sung vào Chương trình khoá XIII của Quốc hội. Vì vậy, việc triển khai xây dựng Dự án Luật phải được tiến hành rất khẩn trương và có sự tập trung cao độ.
Tại cuộc họp Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã khẳng định: phải coi thi hành án là một giai đoạn của tố tụng, tòa án ra Bản án, Quyết định thì phải chịu trách nhiệm đến cùng đối với Bản án, quyết định đó. Bên cạnh đó, cần đưa vào một số quy định khuyến khích xã hội hóa công tác thi hành án dân sự. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Thi hành án dân sự cũng cần phải bám sát quan điểm này.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng khẳng định thời điểm này, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự gặp khá nhiều thuận lợi, bên cạnh đó, Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự đã và đang được sửa đổi, bổ sung cơ bản. Do đó, Tổ Biên tập cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Thi hành án dân sự hiện hành, trong trường hợp cần thiết, nếu số lượng Điều cần phải sửa đổi, bổ sung là quá lớn (trên 50% tổng số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008) thì cần báo cáo sớm để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Thường trực Tổ Biên tập tiếp tục chỉnh lý và hoàn thiện đối với các tài liệu có liên quan để báo cáo Ban Soạn thảo trong tháng 11/2013.
Vụ Nghiệp vụ 1- Tổng cục Thi hành án dân sự