Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đánh giá chỉ tiêu về việc và tiền 4 tháng năm 2014 đối với một số địa phương có lượng việc tiền phải thi hành lớn

04/03/2014
Ngày 03/3/2014 Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị đánh giá chỉ tiêu về việc và tiền 4 tháng năm 2014 và bàn giải pháp nâng cao kết quả thi hành án dân sự trong thời gian tới đối với một số địa phương có lượng việc tiền phải thi hành lớn. Tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Đinh Trung Tụng – Thứ trưởng Bộ Tư pháp; lãnh đạo Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự; Cục trưởng, Trường phòng Nghiệp vụ của 13 tỉnh, thành phố có số lượng việc, tiền lớn: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Khánh Hòa, Long An, Nghệ An, Tây Ninh, Tiền Giang, Thanh Hóa.

Theo báo cáo thống kê, mặc dù 4 tháng đầu năm 2014 số lượng việc và tiền của 13 địa phương nói riêng và toàn quốc nói chung đều tăng mạnh, nhưng với quyết tâm cao nên số lượng việc, tiền thi hành được đều cao hơn so với cùng kỳ năm 2013.

 

 

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác thi hành án dân sự 4 tháng năm 2014 của 13 địa phương có số lượng việc, tiền lớn vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục như:

- Tỷ lệ việc có điều kiện tuy cao, nhưng vẫn thấp hơn tỷ lệ việc có điều kiện chung của toàn quốc (về việc thấp hơn 1,7%, về tiền thấp hơn 2,73%); Tỷ lệ giải quyết xong chưa có sự chuyển biến tích cực, vẫn còn thấp hơn nhiều so với thỉ tiêu được giao và thấp hơn so với tỷ lệ chung của toàn quốc (kết quả về việc thấp hơn 5,35%, về tiền thấp hơn 0,11%).

- Số chưa thi hành xong chuyển kỳ sau quá lớn, chiếm 74,29% về việc, 89,44% về tiền so với tổng số phải thi hành. Trong đó: số đã xác minh được đương sự có tài sản, nhưng chưa được tổ chức thi hành dứt điểm chiếm 50,14% về việc, 58,01% về tiền so với số chuyển kỳ sau; Số việc cơ quan Thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án, nhưng chưa được tổ chức xác minh điều kiện thi hành án cũng khá nhiều (11.992 việc với số tiền phải thi hành là 3.059.370.070.000 đồng). Đặc biệt, số việc ra quyết định hoãn thi hành án trong 4 tháng đầu năm chiếm số lượng lớn 48.559 việc, tương ứng với số tiền là 3.585.209.512.000 đồng.

Những hạn chế nếu trên xuất phát từ những nguyên nhân chủ  quan, khách quan sau đây:

Nguyên nhân chủ quan: Thủ trưởng một số cơ quan Thi hành án dân sự chưa tích cực, chủ động trong việc kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo chấp hành viên quyết liệt giải quyết án; Một số chấp hành viên chưa chủ động với trại giam để thi hành các khoản thu nọp ngân sách nhà nước ddooid với người đang chấp hành án; Sự phối hợp giữa cán bộ thống kê, kế toán nghiệp vụ thi hành án, chấp hành viên và các đơn vị thuộc Cục trong việc tham mưu cho lãnh đạo Cục, Chi cục Thi hành án dân sự áp dụng các biện pháp quản lý, điều hành hoạt động tổ chức thi hành án còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả; Một số cơ quan Thi hành án dân sự chưa tích cực, chủ động trong việc phối hợp với Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân trong việc rà soát, lập hồ sơ miễn giảm...

Nguyên nhân khách quan: Số lượng việc, tiền thụ lý của 13 địa phương nói riêng, toàn quốc nói chung tăng mạnh, trong khi biên chế không tăng, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn; Tình hình kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thi hành án, nhiều việc thi hành án tài sản kê biên đã được hạ giá, bán đấu giá nhiều lần nhưng không thành; Một số quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều bất cập; Một số trường hợp các cơ quan hữu quan không phối hợp , hoặc chưa tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành án; Ý thức chấp hành bản án, quyết định của người phải thi hành án chưa cao, phần lớn thường tìm cách trì hoãn, kéo dài, thạm trí có những trường hợp chống đối quyết liệt...

Tại Hội nghị, các đại biểu của 13 tỉnh, thành phố đã sôi nổi thảo luận, trao đổi về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp nâng cao kết quả thi hành án thời gian tới nhằm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu giao. Kết quả, Hội nghị đã thống nhất một số vấn đề sau đây:

Về thể chế: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự; thường xuyên tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các địa phương.

Công tác tổ chức: Tháo gỡ những khó khăn trong xử lý các tiêu chuẩn để bổ nhiệm lãnh đạo các Chi cục, Phòng chuyên môn thuộc Cục; thực hiện việc điều động, luân chuyển, thực hiện chuyển đổi vị trí công tác; Đẩy nhanh việc chuyển ngạch cho Chấp hành viên; tổ chức thi tuyển CHV theo quy định.

Công tác chuyên môn, nghiệp vụ: Bám sát chỉ tiêu giao; có kế hoạch tổ chức thi hành án cho cả năm và từng giai đoạn phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương. Quyết liệt trong chỉ đạo đối với việc tổ chức thi hành án, trong đó tập trung cao độ trong rà soát và tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, quyết định có điều kiện thi hành, trong đó chú trọng những việc thi hành án có giá trị lớn, có liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng có tài sản bảo đảm;

Tăng cường chỉ đạo rà soát, phân loại và phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân lập hồ sơ đề nghị Tòa án xét miễn, giảm đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước đủ điều kiện;

Rà soát, phân loại, phối hợp với Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan Tài chính và các cơ quan hữu quan xử lý dứt điểm đối với việc thi hành án dân sự liên quan đến việc xử lý tài sản theo quyết định của bản án, quyết định của Tòa án; chủ động trong việc đánh giá và báo cáo đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo giải quyết những việc thi hành án dân sự có sự không thống nhất ý kiến giữa các cơ quan hữu quan; phối hợp chặt chẽ với Tòa án trong việc xử lý những bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành và có sai sót.

Công tác quản lý, điều hành và phối hợp: Tích cực, chủ động trong việc phối hợp với các cơ quan hữu quan giải quyết các vướng mắc trong thi hành án dân sự để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thi hành án và thực hiện các chỉ tiêu giao.

Tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác cán bộ; công tác chỉ đạo phối hợp thi hành các vụ án lớn, khó khăn, phức tạp ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh, chính trị tại địa phương.

Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình trì hoãn, kéo dài, không tích cực và những hành vi tiêu cực trong thi hành án dân sự.

Tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Đinh Trung Tụng – Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã hoan nghênh sự quyết tâm, cố gắng của các cơ quan Thi hành án dân sự, trong đó có 13 địa phương có mặt tại Hội nghị. Đồng thời chỉ rõ việc thực hiện chỉ tiêu của Quốc Hội giao, Bộ trưởng giao là việc làm thể hiện sự quyết tâm, cố gắng của toàn ngành. Do vậy, các địa phương phải đề ra các giải pháp thực hiện hoàn thành chỉ tiêu. Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ của Bộ, của Tổng cục; sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan có liên quan để tổ chức thực hiện tốt chỉ tiêu được giao.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Hoàng Sỹ Thành – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự nhận định sau 01 ngày làm việc cơ bản mục đích của Hội nghị đã đạt được. Các đại biểu đã tập trung phát biểu những nội dung liên quan đến công tác thi hành án dân sự trong địa phương mình. Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục kỳ vọng lớn vào 13 tỉnh thành có số lượng việc tiền phải thi hành lớn, có ảnh hưởng đến việc hoàn thành chỉ tiêu của toàn ngành. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng còn một số bộ phận cán bộ quản lý trách nhiệm chưa cao, chưa hết mình với công việc.

Tổng cục trưởng cũng chỉ đạo sau Hội nghị các đồng chí Cục trưởng 13 tỉnh thành quán triệt trong toàn cơ quan nhiệm vụ năm 2014, đề ra những giải pháp, biện pháp đồng bộ trong đó chú ý công tác quản lý chỉ đạo, điều hành, công tác thi hành án dân sự, cần quán triệt hơn, kiên quyết hơn nữa.