Thừa phát lại có thẩm quyền xác minh điều kiện thi hành án tại các tổ chức tín dụng

05/03/2014
Triển khai Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2013 của Quốc hội, Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25/03/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính thống nhất lựa chọn 12 địa phương mở rộng thí điểm Thừa phát lại (gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang và Vĩnh Long). Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định phê duyệt Đề án của 12 địa phương mở rộng việc thực hiện thí điểm.


Ngày 18/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh (có hiệu lực từ ngày 5/12/2013). Để triển khai việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại được thuận lợi, đạt kết quả cao, để đảm bảo chức năng “Xác minh điều kiện thi hành án” và “Trực tiếp tổ chức thi hành án” của Thừa phát lại theo quy định tại Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, liên quan đến thẩm quyền xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại tại các tổ chức tín dụng, Nghị định số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 31 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, quy định: “Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại tại các tổ chức tín dụng”.

Ngày ngày 17/01/2014, Bộ Tư pháp và Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ký Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BTP-NHNNVN hướng dẫn việc xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại tại các tổ chức tín dụng. Trong đó, hướng dẫn việc xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại liên quan đến việc yêu cầu cung cấp thông tin về số dư tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi của người có nghĩa vụ thi hành án là khách hàng (sau đây gọi chung là thông tin của khách hàng) tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng) ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trong thời gian thực hiện thí điểm.

Các quy định của Thông tư này được áp dụng trong trường hợp xác minh điều kiện thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại; xác minh điều kiện thi hành án ngoài địa bàn quy định tại điểm a Khoản này trong trường hợp người có nghĩa vụ thi hành án có tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi tại các tổ chức tín dụng ở địa phương đó.

Để tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án tại các tổ chức tín dụng, Văn phòng Thừa phát lại phải có văn bản yêu cầu cung cấp thông tin, có đầy đủ các nội dung theo quy định. Văn bản yêu cầu cung cấp thông tin kèm theo các tài liệu liên quan được gửi tổ chức tín dụng, đồng thời gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Trường hợp thực hiện xác minh thì Thừa phát lại phải đồng thời gửi các tài liệu trên cho Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện xác minh.

Trong trường hợp trực tiếp xác minh, Thừa phát lại xuất trình Giấy giới thiệu của Văn phòng Thừa phát lại, Thẻ Thừa phát lại kèm theo các tài liệu liên quan và phải công bố quyết định xác minh hoặc quyết định thi hành án trong trường hợp Văn phòng Thừa phát lại trực tiếp tổ chức thi hành án; lập biên bản về việc xác minh. Biên bản phải có chữ ký của Thừa phát lại, người cung cấp thông tin, xác nhận của tổ chức tín dụng. Nếu chưa thực hiện được ngay việc cung cấp thông tin thì phải ghi rõ lý do trong biên bản. Biên bản được lập thành 02 (hai) bản, mỗi bên giữ 01 bản.

Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh hoặc từ ngày lập biên bản xác minh, Văn phòng Thừa phát lại có trách nhiệm gửi kết quả xác minh hoặc biên bản xác minh cho Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Trường hợp thực hiện xác minh theo quy định thì Thừa phát lại phải đồng thời gửi cho Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện xác minh.

Theo quy định, người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp thông tin thông qua biên bản xác minh hoặc bằng văn bản cung cấp thông tin trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu cung cấp thông tin.

Tổ chức tín dụng có quyền từ chối cung cấp thông tin trong các trường hợp: Vụ việc không thuộc thẩm quyền xác minh của Thừa phát lại; Trong cùng một vụ việc có cùng một nội dung yêu cầu tại cùng một thời điểm đã được chấp hành viên hoặc Thừa phát lại khác thực hiện việc xác minh; Khách hàng yêu cầu cung cấp thông tin không phải là người có nghĩa vụ thi hành án thuộc thẩm quyền xác minh của Thừa phát lại; Thông tin yêu cầu cung cấp ngoài phạm vi các thông tin quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này; Hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin không đủ các tài liệu quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 3 Thông tư này. Trường hợp từ chối thì tổ chức tín dụng phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Các thông tin Thừa phát lại được cung cấp là những thông tin của khách hàng của tổ chức tín dụng. Do đó, pháp luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm bảo mật thông tin, cụ thể: Thông tin cung cấp chỉ được sử dụng cho mục đích thi hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và được bảo quản theo chế độ mật. Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại, người yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án và các cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm bảo mật thông tin được cung cấp và sử dụng đúng mục đích kết quả xác minh theo quy định của pháp luật. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Hoàng Thu Thủy