Chỉ đạo sâu sát, quyết liệt hơn
-Thứ trưởng đánh giá như thế nào về công tác thi hành án dân sự 06 tháng đầu năm?
Những tháng đầu năm 2014, kinh tế đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, sản xuất, kinh doanh chưa có dấu hiệu khởi sắc, hàng hóa tiêu thụ chậm, thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng. Trong bối cảnh đó, lượng án thụ lý mới 06 tháng đầu năm 2014 tăng cao (7,25% về việc và 50,73% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013), trong đó có rất nhiều vụ án liên quan đến tín dụng ngân hàng với số tiền phải thi hành rất lớn đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho công tác thi hành án dân sự, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi hành án dân sự. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, trên cơ sở Quyết định của Bộ trưởng, Tổng cục Thi hành án dân sự đã giao chỉ tiêu thi hành án dân sự cho các địa phương, đồng thời chỉ đạo quyết liệt việc giao chỉ tiêu, xây dựng Kế hoạch công tác năm 2014 và khẩn trương triển khai thực hiện Kế hoạch trong cơ quan Thi hành án dân sự, do đó, công tác thi hành án dân sự đã đạt được một số kết quả nhất định. Số vụ việc đã thi hành xong trong 06 tháng đầu năm tăng trên 40 nghìn việc và gần 6 nghìn tỷ so với cùng kỳ năm 2013; tỷ lệ thi hành xong trên có điều kiện cũng tăng cả về việc và giá trị so với năm 2013; số việc, tiền có điều kiện thi hành tăng xấp xỉ 10% cả về việc và giá trị chứng tỏ công tác phân loại án đang ngày càng được chú trọng và tiệm cận tới mục tiêu thực chất và chính xác hơn, tạo đà cho kết quả thi hành án dân sự ổn định và bền vững trong năm 2014 và những năm tiếp theo.
Công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục cũng đã có sự đổi mới, sâu sát hơn, quyết liệt và kiên quyết hơn. Tổ chức, bộ máy tiếp tục được kiện toàn một bước, nhiều tồn tại thiếu sót đã từng bước được khắc phục. Công tác hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo kịp thời, chất lượng hơn, việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại ở một số địa phương theo Nghị quyết 36 của Quốc hội bước đầu đạt một số kết quả nhất định.
Nhiều tài sản giảm giá nhưng không bán được
-Tổng cục Thi hành án dân sự cũng thừa nhận dù kết quả thi hành án cao hơn so với cùng kỳ nhưng số án phải thi hành chuyển kỳ sau vẫn rất lớn. Vì sao vậy, thưa Thứ trưởng?
Đúng là kết quả thi hành án cao hơn cùng kỳ nhưng chưa có sự đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều địa phương đạt kết quả thấp, nhất là về tiền. Hiện nay số việc, tiền cần phải thi hành chuyển kỳ sau chiếm đến hơn 60% về việc và gần 82% về tiền so với tổng số thụ lý. Đây là con số rất lớn.
Về nguyên nhân chủ quan, tôi cho rằng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa xứng tầm, thậm chí một số cơ quan Thi hành án dân sự địa phương còn tình trạng buông lỏng; lãnh đạo một số đơn vị, địa phương chưa có biện pháp, giải pháp quyết liệt, đột phá, thiếu sâu sát, trong việc thực hiện nhiệm vụ; công tác kiểm tra, đôn đốc thiếu tính quyết liệt và chưa thực sự đeo bám để chỉ đạo thi hành dứt điểm đối với những hồ sơ có điều kiện thi hành...; năng lực, trình độ chuyên môn, đặc biệt là ý thức trách nhiệm, tính gương mẫu đi đầu của của đội ngũ lãnh đạo quản lý kể cả ở Tổng cục, Cục và Chi cục còn chưa cao; có trường hợp chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ, còn yếu kém, sa sút về phẩm chất đạo đức, bị xử lý kỷ luật, thậm chí phải thay thế lãnh đạo Cục.
Về nguyên nhân khách quan, bên cạnh tình trạng thiếu nguồn cán bộ đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh Tư pháp ở một số địa phương vẫn chưa được khắc phục thì tôi cho rằng do tác động của nền kinh tế, thị trường bất động sản trầm lắng, dẫn đến nhiều tài sản kê biên để thi hành án “Đã giảm giá nhiều lần” nhưng không bán được, nhất là các tài sản có giá trị lớn, tài sản là bất động sản.
Không bao che sai phạm
-Thưa Thứ trưởng, như Thứ trưởng đã đánh giá, một thực trạng đáng báo động trong 06 tháng qua là số lượng cán bộ, công chức vi phạm, bị xử lý kỷ luật tăng cao. Quan điểm xử lý của lãnh đạo Bộ về vấn đề này như thế nào?
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong toàn Ngành còn chưa nghiêm, số lượng cán bộ, công chức vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng, trong đó có những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của Ngành. Theo tôi ngoài yếu tố về năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm thì công tác kiểm tra ở nhiều nơi vẫn còn hình thức, nhiều sai phạm của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương song Tổng cục, Cục chưa phát hiện kịp thời để có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Công tác kiểm tra vẫn chưa phát huy tốt vai trò là công cụ phục vụ cho quản lý, điều hành; nhiều kết luận kiểm tra còn chung chung, chưa chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân dẫn đến khó khăn trong việc xử lý; có vi phạm được phát hiện qua kiểm tra nhưng xử lý chưa nghiêm dẫn đến làm giảm giá trị răn đe và tiếp tục để xảy ra những sai phạm tương tự; chưa hình thành cơ chế “Hậu kiểm tra” để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm thực hiện các kết luận kiểm tra.
Quan điểm của lãnh đạo Bộ là sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không bao che, dung túng. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị Thi hành án dân sự tiếp tục kiện toàn tổ chức, làm tốt công tác tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, khen thưởng, kỷ luật cán bộ. Thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức và nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ công chức, người lao động trong các cơ quan Thi hành án dân sự. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong toàn ngành; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện những vi phạm của cán bộ, công chức, có biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật, thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu, gây phiền hà trong thi hành án dân sự để từng bước đưa công tác tổ chức, cán bộ vào nề nếp, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của Ngành.
- Từ nay đến cuối năm cơ quan Thi hành án dân sự cần tập trung vào những vấn đề gì để hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao thưa Thứ trưởng?
Trước hết, cần tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, quyết liệt, cụ thể hơn, phân công, phân nhiệm rõ ràng, rõ thời gian hoàn thành; đề ra các biện pháp đồng bộ, tạo sự đột phá trong 06 tháng cuối năm, hoàn thành và phấn đấu vượt chỉ tiêu được giao.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, bổ nhiệm cán bộ quản lý, chức danh tư pháp bảo đảm chất lượng và cơ bản đủ số lượng theo quy định. Làm tốt công tác tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, khen thưởng và kỷ luật cán bộ, công chức. Thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức và nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ công chức, người lao động trong các cơ quan Thi hành án dân sự. Siết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ trong toàn Ngành. Tăng cường và nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện những vi phạm của cán bộ, công chức, có biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật, thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu, gây phiền hà trong thi hành án dân sự để từng bước đưa công tác tổ chức, cán bộ vào nề nếp, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của Ngành.
Thực hiện tốt hơn nữa công tác phối hợp liên Ngành, nhất là trong việc tổ chức thi hành các vụ án khó, phức tạp và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự. Tranh thủ tốt hơn nữa sự quan tâm chỉ đạo của cấp Ủy, chính quyền địa phương trong công tác tổ chức cán bộ; trong quá trình giải quyết các vụ việc khó khăn, phức tạp, trong tổ chức thi hành bản án hành chính và tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự; trong việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại...
Trong thời gian tới, cần tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành, các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, bảo đảm tiến độ, chất lượng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho hoạt động thi hành án dân sự.
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Thu Hằng (thực hiện)
06 tháng đầu năm, toàn Ngành đã giải quyết xong 204.640 việc (tăng 40.533 việc, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2013)/số việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 53,19%, cao hơn 2,34% so với cùng kỳ năm 2013. Số việc chuyển kỳ sau là 309.118 việc. Trong số tiền có điều kiện giải quyết, đã giải quyết xong 13.479 tỷ 263 triệu 421 nghìn đồng (tăng 5.935 tỷ 171 triệu 906 nghìn đồng, 78,67% so với cùng kỳ năm 2013). |