Tham dự Đoàn khảo sát có đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện cơ quan Thi hành án dân sự địa phương và các Chuyên gia đến từ Nhật Bản của Dự án JICA.
Từ nhiều năm nay, tình trạng bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, có sai sót, khó thi hành đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác thi hành án dân sự. Để khắc phục tình trạng trên, từ cuối năm 2012, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao triển khai rà soát, tổng hợp các bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, có sai sót, khó thi hành trong toàn quốc để kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo giải quyết. Tuy nhiên, do chưa có sự vào cuộc của Tòa án nhân dân các cấp nên vẫn chưa có sự thống nhất về số liệu, cách xác định bản án, quyết định tuyên không rõ, có sai sót, khó thi hành. Đến tháng 10/2013, sau khi Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ký Quy chế phối hợp liên Ngành trong công tác thi hành án dân sự, trong đó giao Viện Kiểm sát nhân dân các cấp chủ trì, thống nhất với cơ quan Thi hành án dân sự và Tòa án nhân dân cùng cấp thì ba Ngành mới cơ bản tìm được sự thống nhất. Tại cấp huyện, trên cơ sở danh sách của các Chi cục Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp chủ trì, họp ba Ngành để thống nhất danh sách bản án, quyết định tuyên không rõ, có sai sót, khó thi hành và cùng ký xác nhận danh sách gửi về Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh tổng hợp, thống nhất 03 Ngành cấp tỉnh, báo cáo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổng hợp chung. Trên cơ sở đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sẽ chủ trì, cùng Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp thống nhất phương án chỉ đạo, tháo gỡ.
|
|
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến thời điểm khảo sát, về cơ bản, các địa phương đã thống nhất số liệu, danh sách bản án, quyết định tuyên không rõ, có sai sót, khó thi hành tính đến 31/3/2014 và gửi về Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tiễn tại các địa phương, vẫn còn một số vụ việc chưa có sự thống nhất quan điểm giữa các cơ quan, đặc biệt là cách xác định bản án, quyết định tuyên không rõ, có sai sót, khó thi hành. Có những bản án, quyết định cơ quan Thi hành án dân sự xếp vào dạng bản án, quyết định tuyên không rõ, có sai sót, khó thi hành song Tòa án nhân dân hoặc Viện Kiểm sát nhân dân lại cho rằng không có cơ sở để xác định bản án, quyết định đó tuyên không rõ, có sai sót, khó thi hành. Bên cạnh đó, việc phân loại bản án, quyết định là án tuyên không rõ, có sai sót hay khó thi hành tại một số địa phương cũng chưa được chính xác. Một số bản án, quyết định có sai sót về mặt nội dung, lẽ ra, cơ quan Thi hành án dân sự phải đề nghị Tòa án kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm, tái thẩm song lại có văn bản đề nghị giải thích, đính chính và Tòa án không thể giải thích, đính chính được, dẫn đến số lượng văn bản đề nghị của cơ quan Thi hành án dân sự chưa được Tòa án giải thích còn rất lớn.
|
|
Tại các buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn đã trao đổi những kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự nói chung và kinh nghiệm xử lý bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, khó thi hành nói riêng. Đặc biệt, các Chuyên gia của Nhật Bản cũng đã trao đổi và cung cấp cho các cơ quan Tư pháp của Việt Nam rất nhiều thông tin về pháp luật của Nhật Bản và kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc xét xử và thi hành án.
Thay mặt Đoàn khảo sát, đồng chí Hoàng Thế Anh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dữ liệu, Thông tin và Thống kê thi hành án dân sự đã tiếp thu các ý kiến kiến nghị, đề xuất của các cơ quan Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các địa phương, báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Tổng cục để phối hợp với Liên ngành Tư pháp Trung ương tìm biện pháp tháo gỡ.
Phương Hoa