Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng (trước đây là Phòng Quản lý thi hành án Bộ Quốc phòng) được thành lập ngày 15/6/1993 là cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về công tác thi hành án trong Quân đội; có nhiệm vụ, quyền hạn trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án trong Quân đội, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, cách chức Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan Thi hành án cấp quân khu; tham mưu để Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo hoặc chỉ đạo theo thẩm quyền việc áp dụng thống nhất các quy định pháp luật về thi hành án trong Quân đội. Hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ công tác thi hành án dân sự; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho chấp hành viên, thẩm tra viên và cán bộ, nhân viên của Phòng Thi hành án cấp quân khu. Thực hiện kế hoạch, chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế về thi hành án trong quân đội theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đánh giá kết quả về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thi hành án trong Quân đội. Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện việc quản lý, gửi đi đào tạo, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, thực hiện chế độ chính sách, khen thưởng, kỷ luật đối với chấp hành viên, thẩm tra viên và cán bộ làm công tác thi hành án trong Quân đội. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Đồng thời Cục Thi hành án còn thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được quy định tại Quyết định số 93/2005/QĐ ngày 07/7/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thành lập Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng.
Trong 21 năm qua, với chức năng, nhiệm vụ được giao, bằng những nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi của tập thể cán bộ, nhân viên và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy BTTM - Cơ quan Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng BTTM; Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Với thành tích đạt được, năm 2013 nhân kỷ niệm 20 năm ngày truyền thống của đơn vị, Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng nhì.
Làm tốt công tác tham mưu đề xuất trong quản lý nhà nước về thi hành án: Với chức năng là cơ quan quản lý nghiệp vụ đầu Ngành, trong những năm qua mặc dù nhiệm vụ còn mới mẻ; cấp Ủy, chỉ huy đã thường xuyên nghiên cứu, quán triệt nghiêm túc đường lối, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Tham mưu đề xuất với Bộ Quốc phòng nội dung tham gia soạn thảo các Pháp lệnh Thi hành án dân sự, dự thảo Luật Thi hành án dân sự, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và các nghị định của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Thi hành án dân sự. Giúp Bộ Quốc phòng xây dựng và ban hành được nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý, chỉ đạo như: Các Thông tư, Thông tư liên bộ, quyết định về tổ chức biên chế của Cục Thi hành án và Phòng Thi hành án cấp quân khu; Quy chế quản lý ngành; hệ thống tiêu chuẩn chức vụ cán bộ; chế độ chi tiêu … nhằm thực hiện những chính sách, chế độ đãi ngộ của Nhà nước, Quân đội đối với chấp hành viên và cán bộ thi hành án trong Quân đội, thông qua đó cơ bản đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài phục vụ cho công tác thi hành án đi đúng hướng, phát triển đồng bộ có hiệu quả.. Ngoài ra còn tham gia soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật và tham gia ý kiến đóng góp vào nhiều dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp. Hoàn chỉnh Đề án “Mô hình tổ chức biên chế Ngành Thi hành án đến năm 2020” theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Bộ Quốc phòng.
Từ ngày đầu thành lập cho đến nay, đã chủ động ban hành hàng nghìn văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về thi hành án, văn bản cá biệt, văn bản quy phạm nội bộ nhằm quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo công tác thi hành án; nhiều văn bản có tính định hướng lớn, lâu dài như: Hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ trong việc thực hiện trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác kiểm tra chuyên môn nghiệp vụ; triển khai thực hiện các chế độ báo cáo; quy trình hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành án dân sự trong Quân đội; quy trình giải quyết việc thi hành án; giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong công tác thi hành án dân sự và nhiều văn bản hướng dẫn chỉ đạo giải quyết các vụ việc thi hành án cụ thể. Hướng dẫn phòng Thi hành án cấp quân khu tham mưu, đề xuất để Bộ Tư lệnh tiến hành tổng kết 01 năm, 03 năm, 5 năm, 10 năm, 15 năm và 20 công tác thi hành án dân sự trên địa bàn.
Tích cực kiểm tra và phối hợp với các cơ quan tư pháp đầu ngành để kiểm tra chuyên môn nghiệp vụ, kiểm tra liên ngành và kiểm tra toàn diện tại các cơ quan Thi hành án; thông qua đó khắc phục những điểm còn tồn tại hạn chế, bảo đảm cho công tác thi hành án tuân thủ chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Kết quả công tác tổ chức thi hành án dân sự 21 năm qua so với chỉ tiêu đề ra, hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu; việc áp dụng pháp luật trong quá trình thi hành án đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, nội dung thi hành án; không có đơn tố cáo đối với Thủ trưởng và chấp hành viên của các cơ quan Thi hành án.
Đặc biệt, với thành tích đạt được, Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng đã vinh dự là một trong số 04 tập thể Ngành Thi hành án dân sự của cả nước được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen vì có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 20 năm chuyển giao công tác thi hành án dân sự.
Phát huy kết quả đạt được trong 08 tháng nghiệp vụ (01/10/2013 – 31/5/2014) năm 2014, Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng đã chú trọng đổi mới phương pháp, tác phong công tác sâu sát cơ sở nắm chắc tình hình, quản lý sát sao, hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt việc tổ chức thi hành án nhằm đạt kết quả cao nhất. Thường xuyên giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao năng lực công tác cho đội ngũ chấp hành viên, thẩm tra viên và cán bộ thi hành án. Công tác tham mưu đề xuất, soạn thảo văn bản chất lượng được nâng lên; công tác quản lý hoạt động thi hành án đã đi vào nề nếp, sâu sát cơ sở, kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan Thi hành án giải quyết dứt điểm các vụ việc khó khăn, phức tạp, có số tiền phải thi hành án lớn; đảm bảo 100% bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực được ra quyết định và tổ chức thi hành đúng pháp luật. Không có kháng nghị của Viện Kiểm sát, khiếu nại, tố cáo của công dân về thi hành án, cán bộ thi hành án, chấp hành viên không vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.
Phương pháp, tác phong công tác, năng lực tổ chức, giải quyết việc thi hành án của chấp hành viên ngày càng được nâng lên; cán bộ, nhân viên Ngành yên tâm công tác, tích cực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chức trách được giao; đối với những vụ việc mới thụ lý, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự đã kịp thời ra quyết định, phân công chấp hành viên tổ chức thi hành đạt kết quả tốt; chấp hành viên đã vận dụng linh hoạt nhiều biện pháp như kiên trì giải thích, thuyết phục người phải thi hành án và gia đình, người thân của họ để hỗ trợ thi hành. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị nơi đương sự cư trú, làm việc để xác minh tài sản, thu nhập làm cơ sở cho việc đôn đốc thi hành án đạt hiệu quả. Vì vậy, trong 08 tháng nghiệp vụ năm 2014, Ngành Thi hành án dân sự trong Quân đội đã thi hành giải quyết xong nhiều vụ việc tồn đọng lâu năm, khó thi hành; kết quả thi hành đạt tỷ lệ 48,67% số việc, 88,40% số tiền/ trên số việc, số tiền, tài sản có điều kiện giải quyết (vượt chỉ tiêu 11,40% số tiền giải quyết thi hành xong trong cả năm 2014), nổi lên có các Phòng thi hành án Quân khu 1, 2, 5 và Phòng thi hành án BTTM giải quyết thi hành xong đạt kết quả cao nhất.
Thời gian tới, Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị trong Ngành: Việc tổ chức thi hành án dân sự, yêu cầu các đơn vị tiến hành nhiều đợt đôn đốc thi hành án trên địa bàn trọng điểm, thi hành dứt điểm số vụ việc có điều kiện thi hành, hạn chế đến mức thấp nhất lượng án tồn đọng; quyết tâm đạt và vượt chỉ tiêu thi hành án dân sự năm 2014. Đối với số án chưa có điều kiện thi hành tiến hành rà soát, phân loại, lập hồ sơ đề nghị Tòa án có thẩm quyền xét miễn, giảm thi hành án theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, bảo vệ sức mạnh sẵn sàng chiến đấu của Quân đội, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Tăng Đình Năm