Cùng đi với Phó Tổng cục trưởng còn có đồng chí Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tại buổi làm việc đồng chí Nguyễn Thanh Thủy, Phó Tổng cục trưởng đã phát biểu: Để thúc đẩy phong trào thi đua, phấn đấu hết sức có thể để công tác thi hành án dân sự của toàn cơ quan đạt chỉ tiêu Quốc hội đã giao, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quyết định thành lập các Đoàn công tác làm việc với một số địa phương trong đó có tỉnh Khánh Hòa để nắm bắt tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn và có chỉ đạo kịp thời, tại chỗ, hỗ trợ các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương về nghiệp vụ thi hành án để hoàn thành chỉ tiêu thi hành án trong những tháng còn lại của năm công tác 2014. Đồng chí cũng hoan ngênh tập thể Lãnh đạo Cục, Trưởng các Phòng chuyên môn thuộc Cục và Chi cục trưởng các Chi cục Thi hành án dân sự của tỉnh Khánh Hòa đã chuẩn bị báo cáo, phát biểu đưa ra các đề xuất, giải pháp để các cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh Khánh Hòa hoàn thành nhiệm vụ, đạt chỉ tiêu về thi hành án.
Theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa, 09 tháng đầu năm 2014 toàn tỉnh Khánh Hoà đã đạt được kết quả cụ thể: Hiện nay Cục Thi hành án dân sự tỉnh và 08 Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc (trong đó có 02 Chi cục Thi hành án dân sự thành phố và 01 Chi cục Thi hành án dân sự thị xã) có tổng số biên chế 117/129 biên chế được giao, trong thời gian tới sẽ làm thủ tục tuyển dụng đối với 12 biên chế còn thiếu. Mặc dù còn thiếu về nhân lực nhưng với nỗ lực, quyết tâm của toàn thể cán bộ công chức các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa 09 tháng đầu năm 2014 công tác thi hành án dân sự đã đạt được kết quả đáng kể:
Kết quả thi hành án về việc: Tổng số việc phải thi hành: 11.549 việc, trong đó, số năm trước chuyển sang là: 5.826 việc, số thụ lý mới là 5.723 việc, giảm 446 việc (7%) so với cùng kỳ năm 2013. Kết quả phân loại án cho thấy có: 9.094 việc có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 78%); 2.455 việc chưa có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 22%). Kết quả thi hành án đã giải quyết xong 4.235 việc, số việc chuyển kỳ sau là 7.314 việc, giảm 339 việc so với cùng kỳ năm 2013.
Kết quả thi hành án về tiền: Tổng số thụ lý là 1.576.956.796 nghìn đồng (trong đó, số cũ chuyển sang là: 1.060.641.783 nghìn đồng, số thụ lý mới là 516.335.941 nghìn đồng) tăng 280.032.761 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2013. Kết quả phân loại có: 1.294.387.070 nghìn đồng có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 82,1%); 282.569.726 nghìn đồng chưa có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 17,9%). Trong đó, số tiền có điều kiện giải quyết, đã giải quyết xong 266.617.866 nghìn đồng. Số tiền chuyển kỳ sau là 1.310.338.929 nghìn đồng, tăng 285.932.012 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2013.
Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo: Trong 09 tháng năm 2014, đã tiếp 45 lượt công dân tại trụ sở tiếp công dân (Cục:08 lượt, Chi cục: 37lượt), tăng 20 % so với cùng kỳ năm 2013. Tính đến ngày 30/6/2014, tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết là 73 đơn, trong đó, số đơn khiếu nại: 52 đơn; số đơn tố cáo : 21 đơn. Kết quả, đã giải quyết xong: 64 đơn (46 đơn thư khiếu nại, 18 đơn tố cáo). Số đơn khiếu nại, tố cáo còn phải giải quyết là: 09 đơn (trong đó còn 06 đơn khiếu nại và 03 đơn tố cáo).
Công tác bồi thường Nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự: Tính đến ngày 31/3/2014, số việc liên quan đến bồi thường Nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự là 01 việc, với số tiền 44.883.750đồng, đang được xem xét, giải quyết theo quy định.
Kết quả thi hành án thời gian qua chưa cao là do có nhiều nguyên nhân, cụ thể:
Nguyên nhân chủ quan: Một số cán bộ chưa thật sự quyết liệt, tích cực trong công tác giải quyết án dẫn đến tiến độ công việc của cơ quan có phần chậm, trình độ, năng lực công chức chưa đồng đều, một số chấp hành viên, Thư ký thi hành án chưa mạnh dạn, chủ động đề xuất các biện pháp, trông chờ vào sự chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, dẫn đến chậm tiến độ thi hành án.
Nguyên nhân khách quan: Quá trình thực hiện Luật Thi hành án dân sự và một số văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản pháp luật có liên quan như Luật đất đai, Luật Doanh nghiệp còn trồng chéo và bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế như nội dung của Luật chưa cụ thể, chưa phù hợp với thực tế dẫn đến việc áp dụng các quy định này liên quan đến thi hành án gặp khó khăn; có nhiều vụ việc phức tạp, khó thi hành, phải phối hợp với các ngành hữu quan hay xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan cấp trên để giải quyết; cộng với ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án chưa cao, nhiều trường hợp cố tình chây ỳ, không tự nguyện thi hành, khiếu nại nhằm mục đích trì hoãn, kéo dài thời gian nên phải tổ chức cưỡng chế, trong đó có nhiều vụ việc cưỡng chế liên quan đến đất đai bắt buộc phải kéo dài thời gian thi hành án. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều tài sản kê biên chưa xử lý được do giá bán khởi điểm khá cao và đa số tài sản kê biên là đất và tài sản gắn liền trên đất có giá trị lớn nên rất khó bán, phải giảm giá nhiều lần hoặc không bán được do tâm lý ngại mua tài sản thi hành án của người dân, cá biệt có vụ giảm giá đến lần thứ 23 nhưng vẫn không có người đăng ký mua tài sản; công tác phối hợp với các Ngành, chính quyền địa phương ở một số đơn vị có lúc chưa tốt, công chức cấp xã phải đảm trách công việc khá nhiều nên công tác phối hợp tống đạt thông báo thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án có lúc có nơi chưa kịp thời.
Sau khi nghe đại diện Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự báo cáo tóm tắt kết quả công tác 09 tháng, đại diện các Phòng chuyên môn và Chi cục trưởng phát biểu về những hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Thủy kết luận, chỉ đạo, cụ thể:
- Tổng cục Thi hành án dân sự biểu dương tập thể Lãnh đạo, cán bộ công chức, chấp hành viên của Cục Thi hành án dân sự các tỉnh Khánh Hòa đã quyết tâm, nỗ lực trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của ngành, để hoàn thành chỉ tiêu trong thời gian qua. Thời gian còn lại của năm công tác 2014 không còn nhiều, để hoàn thành chỉ tiêu về thi hành án yêu cầu các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa phải rà soát, phân loại án lại, đối với loại không có điều kiện thi hành thì áp dụng theo điều luật; đối với số có điều kiện phân loại: có điều kiện thi hành không có vướng mắc thì đôn đốc thi hành, tập trung chỉ đạo vụ án lớn, phải cưỡng chế, cần phải họp liên ngành, có kế hoạch, báo cáo tiến độ hàng tuần, phân công Lãnh đạo Cục chỉ đạo trực tiếp đối với địa bàn tồn án lớn; vụ có điều kiện nhưng có vướng mắc thì tổ chức họp liên ngành, nếu liên ngành chưa thống nhất thì báo cáo lên cấp trên; nếu vụ việc vướng do quy định pháp luật cần báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo cấp trên;
- Thực hiện ngay việc tăng cường chấp hành viên cho địa bàn án lớn; tăng cường vai trò của người đứng đầu, phát huy hết khả năng, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu nhưng phải đảm bảo đúng quy định pháp luật;
- Tham mưu để Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp để có chỉ đạo các Ngành phối hợp, tăng cường đôn đốc, giải quyết vụ việc khó thi hành đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Trương Minh Hưng, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự, hứa sẽ chỉ đạo toàn thể cán bộ công chức các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục, nâng cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Buổi chiều cùng ngày, Phó Tổng cục trưởng đã đến thăm và làm việc với Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Đồng chí đã động viên cán bộ công chức của Chi cục vượt qua khó khăn, khắc phục những thiếu thốn về cơ sở vật chất để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cam Lâm là đơn vị được thành lập mới từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa có trụ sở mới, phải đi thuê nhà dân làm trụ sở làm việc, điều kiện làm việc còn khó khăn nhưng áp lực công việc là rất lớn. Hiện nay, Chi cục Cam Lâm là đơn vị có số lượng án lớn đứng thứ 04 trong toàn tỉnh, sau các đơn vị thành phố Nha Trang, huyện Ninh Hòa và huyện Diên Khánh. 09 tháng đầu năm 2014, Chi cục đã thụ lý 1.034 việc, tăng 283 việc so với cùng kỳ năm 2013, trong đó có 875 việc có điều kiện thi hành và 159 việc chưa có điều kiện thi hành. Tổng số tiền phải thi hành án là 109.067.193.000đồng, trong đó có điều kiện thi hành án là 104.601.692.000đồng (chiếm 96%), không có điều kiện thi hành là 4.465.501.000đồng (chiếm 4%). Kết quả thi hành án xong 412 việc trên số việc có điều kiện thi hành, tăng 39 việc, cao hơn 10% so với cùng kỳ năm 2013, số tiền thi hành án được là 8.319.132.000đồng, tăng 1.101.666.000đồng, cao hơn 15,26% so với cùng kỳ năm 2013.
Về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, 09 tháng đầu năm Chi cục chỉ có 01 công dân đến đề nghị giải quyết khiếu nại; tiếp nhận có 01 việc khiếu nại và đã được giải quyết xong.
Đồng chí Phó Tổng cục trưởng đã chia sẻ, nắm bắt tâm tư nguyện vọng với toàn thể anh chị em Thi hành án dân sự huyện Cam Lâm, đồng chí cũng đề nghị Lãnh đạo Chi cục, chấp hành viên và các cán bộ của Chi cục phải hạ quyết tâm, khắc phục khó khăn về điều kiện làm việc để kết quả thi hành án đạt cao hơn, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về thi hành án.
Thu Hằng