Gỡ vướng trong đấu giá tài sản thi hành án

10/10/2014
Báo cáo của các địa phương gần đây cho thấy số vụ việc yêu cầu Tòa án hủy kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án có xu hướng gia tăng. Trước cách xử lý có phần lúng túng của cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, tại cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền đã yêu cầu phải căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành, đẩy nhanh tốc độ giải quyết, tránh gây bức xúc cho các bên liên quan trong vấn đề này.


Lúng túng khi Tòa án thụ lý vụ kiện

Tổng cục Thi hành án dân sự phản ánh, số vụ việc kiểu này trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án do chậm nhận được tiền thi hành án, người mua được tài sản bán đấu giá do chậm nhận được tài sản theo hợp đồng và hoạt động bình thường của cơ quan Thi hành án dân sự. Cụ thể, trong quá trình kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự đã ủy quyền cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp tiến hành bán đấu giá tài sản. Tài sản đã được bán đấu giá thành, người mua được tài sản đã nộp đủ số tiền mua tài sản, cơ quan Thi hành án dân sự thông báo việc cưỡng chế giao tài sản cho người mua trúng đấu giá thì người phải thi hành án khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy kết quả bán đấu giá hoặc biên bản đấu giá. Tòa án căn cứ vào Điều 102 Luật Thi hành án dân sự để thụ lý yêu cầu của người phải thi hành án, có trường hợp Tòa án đưa cơ quan Thi hành án dân sự là bị đơn dân sự và yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự phải tiến hành thỏa thuận với đương sự (người phải thi hành án), có trường hợp Tòa án chỉ đưa cơ quan Thi hành án dân sự tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Khi Tòa án thông báo thụ lý vụ kiện, cơ quan Thi hành án dân sự gặp lúng túng trong việc có giao tài sản cho người mua trúng đấu giá hay không. Một số cơ quan Thi hành án dân sự cho rằng việc người phải thi hành án khởi kiện ra Tòa án yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá hoặc biên bản đấu giá và Tòa án thụ lý thì coi đây là tài sản có tranh chấp nên cơ quan Thi hành án dân sự áp dụng điểm d khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự để ra quyết định hoãn thi hành án và chờ kết quả giải quyết của Tòa án. Trong trường hợp này, nếu tiếp tục giao tài sản cho người mua trúng đấu giá mà kết quả xét xử của Tòa án là “Hủy kết quả bán đấu giá”, lúc ấy hậu quả rất khó khắc phục vì tài sản đã chuyển giao cho người thứ ba.

Một số địa phương lại cho rằng việc Tòa án thụ lý yêu cầu của người phải thi hành án về hủy kết quả bán đấu giá là không đúng quyền của người khởi kiện, bởi trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá chỉ có người mua tài sản, bên bán tài sản (Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản) và người có tài sản (là cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền bán tài sản của người khác). Mặt khác, nếu Tòa án không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản đã bán đấu giá thì không phải là trường hợp tài sản kê biên có tranh chấp nên không có cơ sở hoãn thi hành án. Đây không phải trường hợp tranh chấp quyền sở hữu tài sản, tài sản này là của người phải thi hành án (hoặc tài sản của người bảo lãnh thế chấp và bản án đã tuyên cơ quan Thi hành án dân sự được quyền xử lý nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án) và quyền lợi của người mua được tài sản bán đấu giá được đảm bảo theo quy định tại Điều 138, Điều 258 Bộ luật Dân sự; Điều 4 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản, do đó cơ quan Thi hành án dân sự vẫn tiến hành giao tài sản cho người mua được tài sản.

Phải căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành

Tại cuộc họp liên ngành bàn cách tháo gỡ vướng mắc trên diễn ra cuối tuần qua dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chia sẻ, vấn đề này chưa có hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao nên chưa có sự nhất quán trong cách giải quyết của các Tòa án địa phương. Hiện nay, pháp luật còn chưa thống nhất nên khó khăn cho cơ quan Thi hành án dân sự trong thực hiện.

Một đại diện của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao nêu quan điểm: Việc đương sự khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá hoặc biên bản bán đấu giá thì theo quy định tại khoản 11 Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án phải thụ lý và giải quyết. Khi Tòa án thụ lý, về nguyên tắc tài sản đang tranh chấp không được chuyển dịch, nhưng cũng phải đảm bảo quyền lợi của người thứ ba trong trường hợp này là người mua trúng đấu giá theo quy định của Bộ luật Dân sự và Nghị định số 17. Đối với hợp đồng mua bán tài sản hợp pháp, người mua được tài sản được bồi thường nếu chậm nhận tài sản theo hợp đồng mà không do lỗi của họ.

Còn theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn, việc hoãn thi hành án và dừng giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án mà còn đụng chạm đến quyền lợi của người mua trúng đấu giá. Người mua trúng đấu giá có thể yêu cầu hủy hợp đồng mua bán tài sản và đòi cơ quan Thi hành án dân sự bồi thường thiệt hại, từ đó ảnh hưởng tới ngân sách Nhà nước. “Ví dụ như vụ 36 Nguyễn Thị Diệu ở thành phố Hồ Chí Minh, người mua trúng đấu giá đang khởi kiện hủy hợp đồng mua bán nhà và buộc cơ quan Thi hành án trả lại số vàng hơn 3.500 lượng đã nộp để mua tài sản và đòi bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán tài sản đấu giá” – ông Sơn dẫn chứng. Ông Sơn cho rằng, trong trường hợp này, cơ quan Thi hành án dân sự không thể vận dụng điểm d, khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự để hoãn việc thi hành án và dừng giao tài sản cho người mua trúng đấu giá bởi quy định này chỉ áp dụng khi cơ quan Thi hành án cưỡng chế tài sản có tranh chấp trong các trường hợp được quy định tại Điều 75 Luật Thi hành án dân sự.  

Kết luận về vấn đề trên, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền khẳng định, quyền lợi của người được thi hành án, của người mua trúng đấu giá và của người phải thi hành án (người có tài sản) đều phải được bảo vệ song ở các mức độ khác nhau. Căn cứ vào các quy định hiện hành, trong giai đoạn Tòa án thụ lý đơn khởi kiện kết quả bán đấu giá, theo Thứ trưởng, nếu Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì dứt khoát phải hoãn thi hành án, thậm chí trường hợp Tòa án tuyên kết quả đấu giá sai có thể phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Còn nếu Tòa án không ra quyết định gì thì cơ quan Thi hành án dân sự chuyển giao tài sản cho người trúng đấu giá. “Trong bối cảnh hiện nay, phải căn cứ vào quy định pháp luật để đẩy nhanh tốc độ giải quyết, tránh gây bức xúc cho các bên liên quan, đồng thời rà soát từng vụ việc cụ thể xem vụ nào thực sự cấp bách phải tập trung xử lý ngay” – Thứ trưởng Hiền nhấn mạnh.

Cẩm Vân


Các tin khác