Khẳng định vai trò trong đời sống xã hội
Trình bày báo cáo sơ kết, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành cho biết: Tính đến ngày 31/10/2014, thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội, chế định Thừa phát lại đã được thí điểm tại 13 địa phương trong cả nước với 51 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập; hoạt động các Văn phòng Thừa phát lại đã thu được kết quả khá tốt, với doanh thu đạt 63 tỷ 325 triệu 502 nghìn đồng.
”Hiệu quả hoạt động của Thừa phát lại đã góp phần bổ trợ cho hoạt động tư pháp và đáp ứng nhu cầu của người dân, xã hội về một loại hình dịch vụ pháp lý mới. Thừa phát lại đã bắt đầu trở thành một nghề, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội và trong hoạt động bổ trợ tư pháp. Có thể khẳng định, chủ trương của Đảng và Nhà nước đã từng bước đi vào cuộc sống, được người dân, xã hội đón nhận”, Tổng cục trưởng đánh giá.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trong thời gian qua đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế: Nhận thức của người dân và của một số cơ quan, cán bộ, công chức, vẫn còn hạn chế; việc triển khai một số công việc còn chậm so với kế hoạch; công tác tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác phối hợp của các cơ quan có trách nhiệm triển khai có lúc, có nơi còn chưa tốt; trong hoạt động của các Văn phòng đã phát hiện một số sai sót, vi phạm cần khắc phục; đội ngũ Thừa phát lại tại các địa phương mở rộng thí điểm còn mỏng, năng lực trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế...
Đề xuất giao thêm việc cho thừa phát lại
Một trong những khó khăn được đê cập nhiều nhất tại Hội nghị sơ kết hôm qua là vấn đề về nhận thức. Ngoài người dân, nhiều cán bộ trong cơ quan nhà nước đặc biệt là các cơ quan có chức năng phối hợp cũng chưa hiểu nhiều về Thừa phát lại. Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn thừa nhận ”Nhận thức của một số cán bộ, công chức Tòa án nhân dân về thí điểm chế định Thừa phát lại vẫn chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu. Một số Tòa án chưa thực sự tích cực phối hợp, hỗ trợ các văn phòng thừa phát lại”. Ngoài ra, Phó Chánh án cũng đánh gía: Chất lượng hoạt động tống đạt văn bản của một số Văn phòng Thừa phát lại chưa cao, có trường hợp chưa đảm bảo về mặt thời gian, thủ tục niêm yết chưa đúng”.
Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức thiết thực hơn với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là vấn đề được nhiều ý kiến đề xuất tại hội nghị. Bên cạnh đó, đại đa số các đại biểu cũng đề nghị xây dựng Luật về Thừa phát lại tạo cơ sở pháp lý cho thừa phát lại hoạt động hiệu quả. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh - Tất Thành Cang chỉ ra thực tế ”Chính quyền địa phương một số nơi coi Thừa phát lại là doanh nghiệp, không có tư cách nên việc Thừa phát lại đi xác minh hoặc tổ chức cưỡng chế thi hành án rất khó khăn”. Từ đó, Phó Chủ tịch đề nghị ”Mạnh dạn cho thí điểm Thừa phát lại cưỡng chế thi hành án một số vụ khó. Nếu không bức tranh thí điểm về Thừa phát lại báo cáo Quốc hội vào năm sau sẽ không đủ sức thuyết phục”.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp cũng mạnh dạn đề xuất, nên mở rộng phạm vi lập vi bằng và tống đạt giấy tờ cho Thừa phát lại, đồng thời giao Thừa phát lại thi hành cả những khoản nợ khó đòi mà không phải mua nợ xấu vì theo ông Đương ”Việc này vừa có lợi cho nhà nước vừa bảo đảm trật tự xã hội”.
Còn Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh (thành phố Hồ Chí Minh) Lê Mạnh Hùng mong muốn: Tăng cường công tác đào tạo và đư pháp luật về Thừa phát lại vào nội dung học tập trong các trường có đào tạo chuyên ngành luật để tạo nguồn nhân sự cho các Văn phòng trong tương lai.
Thu Hằng (nội chính)
Phát biểu Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại ở Trung ương đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả sau thời gian thí điểm ở 13 địa phương. Bộ trưởng cũng chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân chủ quan và khách quan của những hạn chế này. Thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu tập trung vào các công việc: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông, phổ biến về Thừa phát lại ;tăng cường quản lý nhà nước về Thừa phát lại; tập trung quyết liệt vào việc chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho Thừa phát lại, Thư ký; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm sát, giám sát hoạt động Thừa phát lại;tiếp tục thực hiện việc khảo sát, đánh giá kết quả hoạt động của Thừa phát lại và những tác động của thí điểm chế định này. Đặc biệt, Bộ trưởng cũng lưu ý các Văn phòng Thừa phát lại cần nhận thức đầy đủ vinh dự, trách nhiệm của mình, qua đó chủ động, nỗ lực khắc phục khó khăn để chế định Thừa phát lại tiếp tục thành công hơn nữa trong năm 2015. |