THADS tỉnh Thái Nguyên: Công tác tổ chức cán bộ sau 2 năm thực hiện Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11.4.2005 của Chính phủ.

13/11/2007
Cuối năm 2004, các đơn vị Thi hành án của tỉnh Thái Nguyên được giao 79 biên chế, số cán bộ có mặt là 69 người (29 Chấp hành viên, 40 chuyên viên và các chức danh khác ). Hầu  hết các Đội thi hành án cấp huyện chỉ có từ 1- 2 chấp hành viên, chưa có chức danh Đội phó Đội thi hành án để giúp Thủ trưởng đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo quy định. Việc thiếu cán bộ, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đã phần nào ảnh hưởng tới chất lượng công tác.


Xuất phát từ yêu cầu phải khẩn trương đổi mới công tác Tư pháp nói chung và công tác Thi hành án dân sự nói riêng, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020 với nội dung đổi mới toàn diện công tác Thi hành án. Việc kiện toàn đội ngũ, xây dựng bộ máy  đủ sức đáp ứng yêu cầu mới của nhiệm vụ là một trong những giải pháp mà ngành Tư pháp tỉnh Thái Nguyên đặt ra đối với công tác Thi hành án.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác Thi hành án. Sau khi Pháp lệnh  thi hành án dân sự năm 2005 và Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11.4.2005 có hiệu lực đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các ngành, các cấp về vị trí, vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan Thi hành án dân sự. Các cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh Thái Nguyên được đổi tên từ Phòng Thi hành án (cấp tỉnh); Đội Thi hành án (cấp huyện) thành Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên, Thi hành án dân sự các huyện, thành phố Thị xã (theo Quyết định số 724/QĐ-THA ngày 04.5.2005 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ). Số biên chế  năm 2006 được Bộ Tư pháp giao 109 biên chế. Tính đến hết ngày 31.10.2007, số biên chế thực hiện được 103 người (đạt 94,49% ). Có thể thấy, sau 02 năm thực hiện Nghị định số 50/2005/NĐ - CP, lực lượng Thi hành án dân sự của tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng lớn mạnh. Những kết quả đó thể hiện sự quan tâm  của Lãnh đạo Bộ, Cấp uỷ, sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của đồng chí giám đốc Sở Tư pháp và sự tích cực, chủ động của các cơ quan Thi hành án.

1. Về việc tuyển dụng công chức, cơ chế đãi ngộ:

 Trong năm 2006, 2007, Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên đã đề xuất với Giám đốc Sở Tư pháp thành lập Hội đồng thi tuyển công chức các cơ quan Thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định 117/2003/NĐ-CP ngày 10.10.2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ công chức trong các cơ quan Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Đối tượng tuyển dụng chủ yếu là chức danh Chuyên viên pháp lý. So với những năm trước, chất lượng đầu vào được nâng cao một bước, chủ yếu là sinh viên tốt nghiệp cử nhân Luật hệ chính quy. Trong khi một số địa phương khác khó tuyển dụng (ít cử nhân Luật muốn vào ngành Thi hành án ) thì tại Thái Nguyên, nguồn tuyển dụng tương đối dồi dào. Sau khi tuyển dụng, hầu hết các tân công chức được điều động về các cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện. Thực tiễn cho thấy, những công chức được đào tạo chính quy đã phát huy tốt những kiến thức, có khả năng thích ứng  nhanh với công việc.

Về cơ chế đãi ngộ: cán bộ làm công tác Thi hành án được hưởng lương và các chế độ khác theo quy định của Nhà nước về thang, bậc lương. Tuy nhiên, có thể thấy, tiêu chí tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ Thi hành án được xếp tương đương với tiêu chí bổ nhiệm các chức danh như Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Thư ký Toà án nhưng một câu hỏi đặt ra: hầu như các cử nhân Luật muốn được làm việc tại các cơ quan tư pháp khác chứ không muốn vào làm việc tại cơ quan Thi hành án. Theo thống kê của Cục Thi hành án dân sự thì tình trạng cán bộ Thi hành án xin chuyển công tác, xin thôi việc ngày càng gia tăng, nguyên nhân chính là do chế độ chính sách còn nhiều bất cập. Năm 2005: 91 người xin chuyển công tác,79 người xin thôi việc. Từ 2005-2007, Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên đã phải giải quyết cho 07 trường hợp (Chuyển công tác: 06; Xin thôi việc: 01). Hầu hết các cán bộ xin chuyển, xin thôi việc đều là cán bộ được đào tạo cơ bản, giàu kinh nghiệm. Trước thực trạng trên, đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xây dựng cơ chế đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, công chức làm công tác Thi hành án dân sự.

2. Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Từ 2005 - 2007, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Thi hành án được thực hiện thường xuyên, liên tục ở nhiều cấp độ. Hàng chục cán bộ được cử đi học tập các lớp Cao,Trung cấp lý luận chính trị; Quản lý Nhà nước; Tin học. Để tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh Chấp hành viên, Thẩm tra viên; Thi hành án dân sự tỉnh đã  đề xuất, cử 06 chuyên viên tham dự khoá học do Bộ Tư pháp tổ chức tại Hà Nội. Mở nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ với nhiều chuyên đề mang tính thực tiễn cao: Đạo đức nghề nghiệp; Kỹ năng phân tích bản án; Xác minh trong thi hành án dân sự...

3. Công tác bổ nhiệm:

* Bổ nhiệm Chấp hành viên: Pháp lệnh Thi hành  án dân sự năm 2004 quy định việc bổ nhiệm Chấp hành viên có thời hạn. Qua rà soát, Thi hành án dân sự tỉnh đã đề nghị với Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên của tỉnh Thái Nguyên bổ nhiệm lại, bổ nhiệm mới và miễn nhiệm 43 trường hợp (Bổ nhiệm lại: 32; Bổ nhiệm mới: 09; Miễn nhiệm: 02). Việc bổ nhiệm được thực hiện nghiêm túc theo đúng  quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

* Bổ nhiệm chức vụ: Việc bổ nhiệm chức vụ Trưởng, Phó trưởng Thi hành án dân sự 2 cấp được tiến hành theo Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19/02/2003 của Thủ tướng Chính Phủ. Đã bổ nhiệm lại, bổ nhiệm mới 19 trường hợp Trưởng, Phó trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện.

 Theo Quyết định số 1167/QĐ-THA ngày 20/8/2007 của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp, Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên được thành lập 03 phòng chuyên môn: Phòng tổ chức, hành chính, tài vụ; Phòng nghiệp vụ và tổ chức Thi hành án; Phòng kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo. Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên đang khẩn trương triển khai quy trình để bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo cấp phòng và đưa 03 phòng đi vào hoạt động trước tháng 01.2008.

4. Công tác luân chuyển, điều động cán bộ: Những năm trước, công tác Luân chuyển cán bộ Thi hành án được thực hiện mang tính giải pháp tình thế: luân chuyển, điều động cho những đơn vị có số việc nhiều, thiếu cán bộ nhưng chưa kịp thời tuyển dụng được và mới chỉ dừng lại ở chức danh Chuyên  viên, Chấp hành viên, Phó trưởng Thi hành án dân sự cấp huyện.

Tính đến năm 2007, là năm thứ 15 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khoá IX về chuyển giao công tác Thi hành án dân sự từ Toà án nhân dân các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ quản lý. Các chức danh Đội trưởng Đội thi hành án được giữ nguyên từ năm 1993 (Như vậy, hầu hết đã gần trải qua 03 nhiệm kỳ liên tiếp đảm nhận chức vụ Đội trưởng, nay là Trưởng Thi hành án dân sự cấp huyện). Việc luân chuyển (từ cấp tỉnh xuống cấp huyện, cấp huyện về tỉnh) hoặc hoán đổi địa bàn quản lý (luân chuyển giữa các huyện) được thực hiện chưa nhiều một phần vướng mắc từ chính cơ chế quản lý và quy định ngạch, bậc của Chấp hành viên cấp tỉnh với Chấp hành viên cấp huyện.

Để thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 158/2007/NĐ-CP ngày 27.10.2007 quy định các vị trí công tác trong các lĩnh vực, ngành, nghề phải định kỳ chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước. Theo đó, Chức danh  Chấp hành viên Thi hành án dân sự cũng được liệt vào danh mục các vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi (khoản 10 điều 8 Nghị định 158/2007/NĐ- CP). Trong các năm tới, Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên sẽ tham mưu với Giám đốc Sở Tư pháp xây dựng Quy chế  quy định cụ thể về việc luân chuyển chức danh Tư pháp và chức vụ quản lý trong các cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh Thái Nguyên nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa  trong công tác thi hành án. Theo đó, những Chấp hành viên cấp tỉnh có triển vọng được đưa đến các huyện để rèn luyện, thử thách để tạo nguồn chức vụ lãnh đạo cấp tỉnh; Lãnh đạo Thi hành án cấp huyện có năng lực và kinh nghiệm được điều chuyển giữ các chức vụ Trưởng, Phó trưởng phòng chuyên môn của Thi hành án dân sự cấp tỉnh.

Có thể thấy, qua 02 năm thực hiện Nghị định số 50/2005/NĐ - CP, lực lượng Thi hành án dân sự của tỉnh Thái Nguyên từng bước lớn mạnh. Chất lượng  công tác chuyên môn được nâng cao. Tuy nhiên, số lượng việc và tiền tồn đọng tương đối lớn vẫn là nỗi  trăn trở của đồng chí  Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh. Hy vọng những đổi mới về công tác tổ chức cán bộ trong những năm tiếp theo sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả để nâng cao vai trò của công tác Thi hành án dân sự tại tỉnh Thái Nguyên.

 

Hà Tuấn  Phương