Đồng chí Nguyễn Văn Trung - Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên đã trình bày bản báo cáo công tác Thi hành án dân sự năm 2007, nêu bật những kết quả và những tồn tại trong công tác thi hành án của tỉnh Thái Nguyên.
Tính từ năm 1993 đến nay, đã bước sang năm thứ 15 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khoá IX về việc chuyển giao công tác thi hành án dân sự từ Toà án nhân dân các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ quản lý. Các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên từng bước được kiện toàn, bổ sung biên chế, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ. Các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực, giải quyết được nhiều vụ việc phức tạp, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Trong năm 2007, đã thụ lý giải quyết 12.461 việc với số tiền 88.957.796.000 đ. Qua phân loại, có 4.448. việc có điều kiện với số tiền là 19.879.834.000 đ. Đã thi hành xong hoàn toàn 3.299 việc với số tiền 12.963.772.000 đ (đạt 74,2% về việc và 65% về tiền trong số có điều kiện thi hành ). Một trong những tồn tại lớn nhất của Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên là án tồn đọng rất nhiều. Số việc chuyển sang năm sau là 8.265 việc với số tiền 65.009.336.000 đ ( chi ếm 68,24% số việc và 77,56% số tiền trên tổng số việc và số tiền phải thi hành ). Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tồn đọng án chính là nguyên nhân về điều kiện thi hành án: người phải thi hành án không có tài sản, không có thu nhập để thi hành. Thậm chí có cả tình trạng người phải thi hành án là cơ quan Nhà nước nhưng trong nhiều năm qua không thực hiện được nghĩa vụ thi hành án. Điển hình là : Uỷ ban nhân dân xã La Bằng ( huyện Đại Từ ) còn phải thanh toán cho bà Vũ Thị Mai ( thị trấn Đại Từ, Đại Từ ) số tiền 131.292.000 đ và lãi suất chậm trả theo bản án số 28/DSST ngày 15.8.2001 của TAND huyện Đại Từ; Uỷ ban nhân dân xã Phú Thịnh ( huyện Đại Từ ) còn phải thanh toán cho Công ty TNHH Vĩnh Thái ( Thái Nguyên ) số tiền 67.859.690 đ và lãi suất chậm trả theo bản án số 04/DSST ngày 23.6.1999 của TAND tỉnh Thái Nguyên... Đồng thời, cũng đề xuất, kiến nghị một số vấn đề liên quan đến công tác thi hành án dân sự như: sửa đổi bổ sung các quy định về thủ tục, thẩm quyền và thời hạn chuyển giao bản án hình sự sơ thẩm từ Toà án sang cơ quan Thi hành án dân sự, đặc biệt là phần thi hành các quyết định dân sự trong các vụ án hình sự quy định tại các điều 256, 257 và 267 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 nhằm làm rõ thẩm quyền ra quyết định thi hành án phạt tiền, tịch thu tài sản giữa Chánh án Toà án với Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự hoặc quy định về quyền khởi kiện vụ án dân sự của Chấp hành viên trong quá trình kê biên tài sản nhưng Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 không quy định dẫn đến tình trạng Chấp hành viên Thi hành án dân sự khởi kiện nhưng Toà án không thụ lý giải quyết khiến quá trình thi hành án bị kéo dài, thậm chí bế tắc...
Đoàn giám sát đã đánh giá những kết quả đã đạt được, chỉ ra những yếu kém, vướng mắc, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan Thi hành án, đặc biệt là Thủ trưởng cơ quan Thi hành án và Chấp hành viên. Để tiếp tục nâng cao vai trò của công tác Thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự phải là lực lượng chủ yếu, chủ động trong công tác, đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ cương, kỷ luật lao động. Nâng cao khả năng quản lý của THADS cấp tỉnh, phát huy vai trò chủ động của THADS cấp huyện. Đồng thời ghi nhận những kiến nghị của Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên để xem xét, nghiên cứu và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Thi hành án trong thời gian tới.
Hà Tuấn Phương