1. Các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ THADS ban hành theo Quyết định số 29/2007/QĐ-UBND ngày 03/10/2007 của UBND tỉnh Cà Mau. UBND các huyện, thành phố khẩn trương xây dựng Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ THADS trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý và chỉ đạo các cơ quan hữu quan tổ chức thực hiện.
2. Giám đốc Sở Tư pháp:
- Chủ động phối hợp với Trưởng THADS tỉnh, Sở Nội vụ và UBND huyện, thành phố tìm nguồn cán bộ, đặc biệt là những người đã trải qua các chức danh chủ chốt ở cấp xã có trình độ trung cấp luật, có kiến thức xã hội, hiểu biết địa bàn, dân cư và có khả năng làm tốt công tác dân vận để bổ sung biên chế còn thiếu của cơ quan Thi hành án.
- Chủ trì, phối hợp với UBND huyện, thành phố trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ lãnh đạo cấp trưởng, cấp phó của Cơ quan THADS.
- Tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về THADS; đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền đối với cán bộ, công chức và nhân dân để mọi người hiểu, tự giác chấp hành.
- Chủ trì, phối hợp với Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh xây dựng quy chế phối hợp trong THADS, kịp thời giải quyết vướng mắc, khó khăn về THADS. Phối hợp thực hiện việc xét xử lưu động đối với những vụ án điển hình, đương sự cố tình không chấp hành án nhằm tuyên truyền rộng rãi và răn đe các trường hợp khác.
3. Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về THADS nói riêng để cán bộ, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân biết, hiểu, tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan THADS trong quá trình thực thi các bản án, quyết định của Toà án.
4. Các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh có kế hoạch tuyên truyền pháp luật về THADS bằng các hình thức cụ thể, thiết thực, sinh động, dễ hiểu để nhân dân dễ tiếp thu, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ và nhân dân đối với công tác THADS.
5. Chủ tịch UBND huyện, thành phố có trách nhiệm:
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện tốt công tác THADS; chỉ đạo Phòng Tư pháp huyện, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về THADS trong cán bộ và nhân dân.
- Chỉ đạo UBND cấp xã đôn đốc, thi hành dứt điểm các vụ việc thi hành án đã được chuyển giao và tuyên truyền vận động nhân dân tự giác chấp hành án.
- Đối với những huyện chưa bố trí quỹ đất để xây dựng trụ sở cơ quan THADS thì khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hoàn tất thủ tục quy hoạch, xác định vị trí, bố trí đất đai, hỗ trợ đền bù, giải phóng nhanh mặt bằng để các cơ quan THADS xây dựng trụ sở và kho vật chứng theo quy định.
6. Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thành phố tăng cường các biện pháp bảo vệ cưỡng chế thi hành án; chỉ đạo các trại giam, trại tạm giam thuộc thẩm quyền quản lý, chú trọng việc đôn đốc người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tại các trại giam, trại tạm giam thi hành các khoản thi hành án về dân sự theo uỷ quyền của cơ quan THADS. Chỉ đạo cơ quan điều tra chú trọng áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; kịp thời chuyển giao vật chứng, tài liệu có liên quan cho cơ quan thi hành án theo đúng quy định của pháp luật.
7. Sở Tài chính phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn việc hỗ trợ tài chính để thi hành án cho các đối tượng là cơ quan, tổ chức do Nhà nước thành lập, hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí do ngân sách nhà nước, để góp phần giải quyết án tồn đọng.
8. Các cơ quan, tổ chức phải gương mẫu trong việc thi hành bản án, quyết định của Toà án, nếu cố tình dây dưa, không tự nguyện thi hành án thì cơ quan thi hành án áp dụng các biện pháp tổ chức thi hành theo quy định của pháp luật và người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó phải chịu trách nhiệm. Mọi hành vi vi phạm pháp luật trong THADS phải được khẩn trương xử lý nghiêm minh; nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm phải kiên quyết truy cứu trách nhiệm hình sự.
9. Trưởng THADS tỉnh:
- Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức các cơ quan THADS trong toàn tỉnh, đảm bảo đủ về số lượng, đặc biệt là Chấp hành viên và đạt về chất lượng.
- Thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, ý thức trách nhiệm công vụ cho cán bộ công chức cơ quan THADS; phân công lãnh đạo cơ quan THADS tiếp công dân; xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động THADS.
- Tập trung rà soát, xác minh, phân loại án và tổ chức thực hiện các đợt cao điểm thi hành án trên địa bàn toàn tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ nhằm giảm lượng án tồn đọng, phấn đấu đạt các chỉ tiêu do Bộ Tư pháp giao.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của Cơ quan THADS và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong quan hệ công việc. Thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng giải quyết đúng thời hạn, đúng pháp luật, thấu tình đạt lý ngay từ cơ sở; chú trọng hoạt động đối thoại nhằm tìm ra nguyên nhân, bản chất sự việc; hạn chế đến mức thấp nhất những khiếu nại, tố cáo phức tạp mới phát sinh, khiếu nại vượt cấp; xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm.
- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo THADS huyện, thành phố; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành án thì kịp thời báo cáo, đề xuất để Ban Chỉ đạo THADS xem xét cho ý kiến chỉ đạo tổ chức thực hiện.
10. Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố, Cơ quan THADS tỉnh trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Giao Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu, giúp Chủ tịch UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị này, thường xuyên báo cáo kết quả đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Thuỳ Trang