Quảng Ngãi: Tổng kết thực tiễn 05 năm thi hành Bộ luật tố tụng hình sự trong ngành Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh

15/12/2008

Thực hiện Công văn số 1415/THA-HCTHTV ngày 04 tháng 11 năm 2008 của Cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp về việc yêu cầu Trưởng Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo về thực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự ở địa bàn mình, nhất là các quy định của Bộ luật liên quan đến thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản và các quyết định về dân sự trong vụ án hình sự; nêu bật những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành các quy định này và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung; Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi có báo cáo cụ thể như sau:



          I. Kết quả 05 năm thi hành Bộ luật tố tụng hình sự.

          1. Công tác quán triệt, triển khai thi hành Bộ luật tố tụng hình sự.

                Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã được Quốc Hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khoá XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày  01/7/2004. Sau khi Bộ luật có hiệu lực pháp luật, Hội đồng tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật tỉnh Quảng Ngãi tổ chức nhiều Hội nghị để triển khai và quán triệt cho các cơ quan, ban ngành và cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, bằng các hình thức và biện pháp khác nhau như thông qua Báo Quảng Ngãi, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, tờ rơi… Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 cũng đã được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến quần chúng nhân dân trong toàn tỉnh. Như vậy, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã được triển khai, quán triệt thi hành trong địa bàn toàn tỉnh.

                Riêng đối với ngành tư pháp nói chung và Thi hành án dân sự nói riêng do nhận thức được tầm quan trọng của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 nên ngoài việc quán triệt những nội dung của Bộ luật tại các Hội nghị tuyên truyền, phổ biến; Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh còn tổ chức Hội nghị triển khai riêng cho toàn thể cán bộ, Chấp hành viên và công chức khác trong toàn ngành những nội dung cơ bản của Bộ luật có liên quan đến công tác thi hành án dân sự  để kịp thời quán triệt và áp dụng trong quá trình thực thi công vụ.

          2. Kết quả thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự.

          a) Kết quả thi án đối với hình phạt tiền, tịch thu tài sản và quyết khác về dân sự trong bản án, quyết định của Toà án về vụ án hình sự:

          - Hình phạt tiền:

+ Hình phạt chính:               34 việc; tương ứng với số tiền phải thi hành án là: 116.550.330 đồng; đã thi hành xong 75.773.330 đồng.

 + Hình Bổ sung: 233 việc; tương ứng với số tiền phải thi hành án là: 1.341.803.729 đồng; đã thi hành xong 807.262.851 đồng.

- Tịch thu tài sản: 296 việc; tương ứng với số tiền phải thi hành án là: 1.853.486.681 đồng; đã thi hành xong 1.664.230.396 đồng.

- Tiêu huỷ tang vật, tài sản (quy đổi thành tiền) là: 114.559.079 đồng; đã thi hành xong 159.059 đồng.

          - Án phí:  (bao gồm cả án phí hình sự, án phí dân sự trong hình sự): 1.571.872.046 đồng; đã thi hành xong 796.358.526 đồng.

          - Miễn khoản án phí tiền phạt: 73 việc; tương ứng với số tiền phải miễn là: 84.181.390 đồng; đã thi hành xong 42 việc, tương ứng với số tiền là 37.696.140 đồng.

- Giảm khoản án phí tiền phạt: 04 việc; tương ứng với số tiền phải miễn là: 54.575.000 đồng; đã thi hành xong 04 việc, tương ứng với số tiền là 54.575.000 đồng.

- Các quyết định về dân sự trong hình sự:

+ Bồi thường thiệt hại: Số tiền phải thi hành án là: 18.335.174.358 đồng; đã thi hành xong 8.924.839.317 đồng.

+ Các quyết định khác về dân sự trong hình sự: 1.245.857.525 đồng; đã thi hành xong 269.690.973 đồng.

          b) Các kết quả khác:

* Về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, mối quan hệ phối hợp, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành:

- Về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật:

Việc nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đương sự chưa được tốt, nhất là người phải thi hành án và gia đình của người phải thi hành án trong việc thi hành phần tiền tài sản trong các bản án hình sự.

- Về mối quan hệ phối hợp, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành:

+ Về mối quan hệ phối hợp: Hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ phối hợp của các cơ quan và chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, một số cơ quan, tổ chức còn có sự can thiệp không đúng thẩm quyền vào quá trình thi hành án; không thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ, phối hợp, tham gia công tác thi hành án như: không thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp trong việc tống đạt các loại giấy tờ, quyết định về thi hành án cho các đương sự, không tạo điều kiện cho cơ quan Thi hành án xác minh điều kiện thi hành án, kê biên, cưỡng chế;… Trong khi pháp luật chưa có những quy định cụ thể, ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan trong trường hợp không thực hiện đúng và kịp thời những yêu cầu của chấp hành viên và cơ quan Thi hành án.

+ Về sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành:

Sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự, Uỷ ban nhân dân các cấp (nhất là Chủ tịch UBND các cấp – là Trưởng Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự) về thi hành án phần tài sản trong các bản án hình sự luôn kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

* Về kho vật chứng:

- Trong quá trình bảo quản, xử lý tang, tài vật do Toà án chuyển giao cho các cơ quan Thi hành án dân sự trong địa bàn toàn tỉnh chưa có hiện tượng chiếm dụng hay sử dụng trái phép tang, tài vật.

- Hiện nay, kho vật chứng của các cơ quan Thi hành án dân sự chưa được xây dựng, do đó việc bảo quản vật chứng chưa được đảm bảo tốt, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động chung của các cơ quan Thi hành án dân sự.

II. Những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự liên quan đến việc tổ chức thi hành phần tài sản trong bản án hình sự:

1. Số lượng việc và tiền thi hành án trong vụ án hình sự tồn đọng).

- Có điều kiện thi hành nhưng chưa thi hành xong: 158 việc, với số tiền  2.204.432.721 đồng.

- Chưa có điều kiện thi hành:  332 việc, với số tiền  6.069.394.926 đồng, thể hiện ở các dạng sau đây:

+ Hoãn: 99 việc, với số tiền  248.374.644 đồng.

+ Tạm đình chỉ: không.

+ Lý do khác: 233 việc, với số tiền  5.821.020.282 đồng.

2. Những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự liên quan đến việc tổ chức thi hành phần tài sản trong bản án hình sự.

2.1. Những khó khăn trong thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự liên quan đến việc tổ chức thi hành phần tài sản trong bản án hình sự:

- Số án (việc và tiền) chưa thi hành xong hoàn toàn vẫn còn nhiều, chủ yếu là án chưa có điều kiện thi hành do:

 + Người phải thi hành án đang thụ hình hoặc thụ hình xong về đi khỏi địa phương không rõ địa chỉ, không có tài sản để thi hành án;

                + Người phải thi hành án đang ở địa phương, nghĩa vụ (tiền) phải thi hành quá lớn, không có tài sản để thi hành hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc diện đang tranh chấp và có giá trị thấp so với nghĩa vụ phải thi hành; Vì vậy, khi cơ quan Thi hành án lên phương án áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án thì xét thấy giá trị tài sản chỉ đủ cho chi phí tiến hành cưỡng chế, không giải quyết được số tiền phải thi hành án nên không tiến hành xử lý được.

+ Người phải thi hành án đã đủ tuổi thành nên và bị phạt tù. Do vậy, khi cơ quan Thi hành án tổ chức thi hành đã xác minh điều kiện thi hành án thì họ không có điều kiện thi hành; nhưng cha mẹ họ có tài sản (đôi khi giàu có) nhưng không thi hành thay trong khi pháp luật chưa quy định và ràng buộc trách nhiệm của người thân về việc thi hành thay phần nghĩa vụ dân sự cho con.

- Nhiều việc thi hành án, những người phải thi hành án có nghĩa vụ liên đới chịu trách nhiệm (có chia phần cụ thể) nhưng khi một người trong số đó có điều kiện thi hành xong phần của mình, trong khi đó phần của người khác (người chưa có điều kiện) chưa thi hành xong nhưng người có điều kiện không thi hành phần còn lại, mặc dù Chấp hành viên đã giải thích rõ về quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án có điều kiện thi hành; đồng thời khi áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản của người có điều kiện thì không nhận được sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành có liên quan vì họ cho rằng Luật quy định chưa rõ về vấn đề này.

2.2. Những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự liên quan đến việc tổ chức thi hành phần tài sản trong bản án hình sự:

- Việc thi hành các Quyết định thi hành án về dân sự (bồi thường thiệt hại), phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí trong các bản án, quyết định của Toà án về hình sự, nhưng chưa có quy định về thủ tục phối hợp giữa cơ quan Thi hành án dân sự và cơ quan Thi hành án hình sự, nên hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự chưa cao.

Ví dụ: Người phải thi hành án trong một vụ án về hình sự (giết người) phải bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị hại 50.000.000 đồng và phải nộp 50.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 5.000.000 đồng án phí dân sự; ngoài ra người phải thi hành án bị phạt tù 20 năm tù giam.

Khi bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan Thi hành án hình sự thi hành phần phạt giam 20 năm tù đối với người phải thi hành án; cơ quan Thi hành án dân sự thi hành các phần về tài sản; nhưng khi tổ chức thi hành án phần tài sản, do người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù (thực chất người phải thi hành án chấp hành hình phạt tù ở Trại giam thuộc tỉnh khác) nên công tác tổ chức thi hành án dân sự luôn gặp khó khăn, vì không thể lúc nào cơ quan Thi hành án dân sự (Chấp hành viên) cũng đến Trại giam để đôn đốc thi hành án; đồng thời, khi người thi hành án có điều kiện thi hành án (có nhà, tài sản tại địa phương) khi xử lý tài sản của người phải thi hành án cũng gặp nhiều vướng mắc vì người thi hành án đang chấp hình phạt tù và không có mặt ở địa phương…

- Nhiều trường hợp khi xét xử, Toà vẫn biết đương sự không còn tài sản để thực hiện bản án nhưng vẫn tuyên phạt số tiền phải thi hành án quá lớn, dẫn đến nhiều vụ án không thi hành được, như vụ: Huỳnh Viện số tiền 13 tỷ đồng, Bùi Đức Tín số tiền 01 tỷ đồng, Võ Văn Tiến – Lê Thị Cẩm Ba hơn 02 tỷ đồng… và có trường hợp trong quá trình xét xử không kê biên tài sản nên đương sự đã tẩu tán hoặc chuyển dịch quyền sở hữu, do đó cơ quan Thi hành án dân sự gặp khó khăn trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản.

- Pháp luật hiện hành chưa có những quy định thống nhất, đồng bộ như quy định về cơ chế kiểm tra, giám sát, quản lý nguồn thu nhập, tài sản của người phải thi hành án thông qua việc đăng ký, kê khai tài sản nên đã gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan Thi hành án trong việc phát hiện và kê biên tài sản của người phải thi hành án. Có trường hợp xác định tài sản trên thực tế đúng là của người phải thi hành án, nhưng trong các giao dịch trước đó các bên không làm thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định nên giấy tờ về quyền sở hữu, sử dụng tài sản vẫn mang tên người khác, vì vậy chấp hành viên không thể tiến hành kê biên, xử lý tài sản được nên không đảm bảo quyền lợi cho người được thi hành án.

- Công tác quản lý thi hành án hiện nay thiếu tập trung thống nhất do có nhiều cơ quan khác nhau quản lý, tổ chức thực hiện (Bộ Công an quản lý việc thi hành án phạt tù, tử hình và trục xuất; Bộ Quốc phòng quản lý và tổ chức thi hành các bản án, quyết định của toà án quân sự, kể cả hình sự và dân sự; Bộ Tư pháp quản lý và tổ chức thi hành án dân sự) nên dẫn đến nhiều khó khăn trong việc tổng kết, đánh giá, nắm tình hình, chỉ đạo, hướng dẫn thi hành án. Giữa thi hành án dân sự và thi hành án hình sự thiếu sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ nên công tác thi hành án dân sự gặp nhiều vướng mắc trong những trường hợp cùng một bản án hình sự có hai cơ quan chịu trách nhiệm ra quyết định và tổ chức thi hành (cơ quan Thi hành án hình sự chịu trách nhiệm thi hành hình phạt, cơ quan thi hành án dân sự chịu trách nhiệm thi hành phần án phí, tiền phạt và phần dân sự). chính vì vậy đã cản trở cho cơ quan Thi hành án dân sự trong việc xác minh điều kiện thi hành án của người bị kết án, thực hiện các thủ tục thông báo về thi hành án liên quan đến phần nghĩa vụ dân sự. Các cơ quan Thi hành án dân sự trong hầu hết các trường hợp không được thông tin đầy đủ về thời gian ra tù, địa chỉ của đương sự sau khi chấp hành xong hình phạt tù, nhiều đương sự sau khi chấp hành xong hình phạt tù đã bỏ đi nơi khác nhằm trốn tránh nghĩa vụ dân sự hoặc có đương sự thực hiện xong nghĩa vụ dân sự chưa được coi là một trong những điều kiện bắt buộc để xem xét việc miễn, giảm thi hành hình phạt tù, ngoại trừ việc xét đặc xá trong những năm gần đây, nên đã không có tác dụng khuyến khích các đương sự nghiêm chỉnh thi hành phần nghĩa vụ dân sự trong các bản án hình sự. Mặt khác do sự đan xen, chồng chéo giữa thi hành án dân sự và thi hành án hình sự như hiện nay, nên trách nhiệm của từng cơ quan chưa được phân định rõ ràng, tạo sự lệ thuộc của cơ quan Thi hành án dân sự khi phải báo cáo, đề nghị các cơ quan liên quan cho ý kiến chỉ đạo, hỗ trợ trong khi pháp luật chưa có những quy định tạo sự độc lập cũng như giành những quyền hạn cần thiết cho việc đảm bảo thi hành án của Chấp hành viên như chưa có quy định về quyền của chấp hành viên được khám xét người đương sự, nơi ở của đương sự và những người liên quan khi biết rõ họ đang có tài sản hoặc cất giấu, tẩu tán tài sản.

                - Theo quy định tại pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA-BTC ngày 17/6/2005 của liên ngành Toà án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp - Bộ Công an- Bộ Tài chính hướng dẫn về việc miễn, giảm thi hành án đối với khoản tiền phạt, án phí quy định về miễn, giảm khoản tiền án phí và tiền phạt, mà không quy định miễn giảm khoản tiền phải nộp ngân sách khác, trong khi đó nhiều trường hợp người phải thi hành án không thể có điều kiện nộp được khoản tiền đó. Thủ tục miễn, giảm khoản tiền án phí, tiền phạt do toà án xét trên cơ sở đề nghị của cơ quan Thi hành án dân sự và viện kiểm sát nhân dân, mà không giao cho UBND là cơ quan có chức năng chỉ đạo công tác thi hành án dân sự ở địa phương, là chủ tài khoản đối với các khoản tiền thu, nộp ngân sách ở địa phương, có thể dẫn đến việc kéo dài xét miễn, giảm án phí, tiền phạt.

III. Đề xuất, kiến nghị:

Để khắc phục những khó khăn, bất cập và vướng mắc trong thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự liên quan đến việc tổ chức thi hành phần tài sản trong bản án hình sự nhằm nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành phần tài sản trong bản án hình sự chúng tôi có những giải pháp và kiến nghị cụ thể sau:

- Phải hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành án.

- Ngoài những quy định của pháp luật về trả lại đơn yêu cầu thi hành án; đình chỉ thi hành án; tạm đình chỉ thi hành án, hoãn thi hành án; miễn giảm án phí, tiền phạt…Phải quy định chế tài cụ thể ràng buộc trách nhiệm thi hành phần tài sản trong các bản án hình sự đối với người thân thích (cha, mẹ) của người thành niên phạm tội chưa có điều kiện thi hành án còn sống phụ thuộc vào gia đình (trước khi phạm tội và đi thụ hình);

- Cần nghiên cứu việc quản lý thu nhập của phạm nhân trong quá trình lao động, sản xuất ở các Trại cải tạo theo hướng có thể trích một phần thu nhập để đảm bảo thi hành án dân sự; đồng thời nghiên cứu xây dựng quy định về chế độ lao động bắt buộc (lao động công ích) đối với trường hợp người phải thi hành án không có tài sản (kể cả phạm nhân khi ra tù chưa có công ăn việc làm) để tạo điều kiện cho họ có thu nhập và có thể khấu trừ thi hành án.

- Khi xét xử, Toà án cần nghiên cứu đến tính khả thi của bản án để quyết định các hình phạt phù hợp với tình hình thực tế cuộc sống vì rất nhiều trường hợp khi xét xử, Toà vẫn biết đương sự không còn tài sản để thực hiện bản án nhưng vẫn tuyên phạt số tiền phải thi hành án quá lớn, dẫn đến nhiều vụ án không thi hành được, như vụ: Huỳnh Viện số tiền 13 tỷ đồng, Bùi Đức Tín số tiền 01 tỷ đồng, Võ Văn Tiến – Lê Thị Cẩm Ba hơn 02 tỷ đồng… và có trường hợp trong quá trình xét xử không kê biên tài sản nên đương sự đã tẩu tán hoặc chuyển dịch quyền sở hữu, do đó cơ quan Thi hành án dân sự gặp khó khăn trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản.

- Để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong thi hành án, cần phải sửa đổi và quy định mô hình tổ chức, cơ chế thi hành án; công tác quản lý thi hành án giữa thi hành án dân sự và thi hành án hình sự theo hướng gộp cả thi hành án dân sự và Thi hành án hình sự cho Bộ Tư pháp thống nhất quản lý và tổ chức thi hành.

- Cần quy định về miễn, giảm án phí, tiền phạt theo hướng để Thủ Trưởng cơ quan Thi hành án đề nghị (thay cho việc Viện Trưởng Viện kiểm sát như hiện nay); nghiên cứu mở rộng phạm vi miễn, giảm thi hành án đối với khoản thu cho Ngân sách Nhà nước (kể cả khoản bồi thường cho cơ quan Nhà nước mà người phải thi hành án không có điều kiện thi hành); sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật hình sự theo hướng bỏ quy định chế độ án phí hình sự vì trên thực tế việc thu án phí hình sự đối với người phải thi hành án chấp hành hình phạt tù là hết sức khó khăn và không đủ trang trải chi phí hoạt động thi hành án; bổ sung quy định về điều kiện xét miễn, giảm thời gian chấp hành hình phạt tù theo hướng coi thái độ và kết quả thi hành nghĩa vụ dân sự là một trong những điều kiện bắt buộc để xem xét miễn, giảm thời gian chấp hành hình phạt; bổ sung quy định Thủ Trưởng cơ quan Thi hành án dân sự tham gia Hội đồng xét đặc xá, Hội đồng xét miễn, giảm thời gian chấp hành hình phạt;

 - Tránh tình trạng đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm trong việc phối hợp, nhằm giúp cho hoạt động thi hành án dân sự đạt được hiệu quả, cần phải ban hành quy chế phối hợp thi hành án dân sự, trong đó quy định rõ về chức năng, nhiệm  vụ, quyền hạn và trách nhiệm cho các cơ quan hữu quan khi tổ chức thực hiện; đồng thời phải quy định chế tài hành chính và chế tài về hình sự đối với các cơ quan, ban ngành hữu quan khi không phối hợp, thực hiện những yêu cầu của cơ quan Thi hành án, Chấp hành viên trong việc tổ chức thi hành án như: xác minh điều kiện thi hành án, cưỡng chế thi hành án…

Trên đây là báo cáo về thực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự trong ngành tư pháp nói chung và trong ngành thi hành án dân sự tại tỉnh Quảng Ngãi nói riêng kính trình Cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp./.

     

Phạm Huy Ân