Quảng Ngãi: Tổng kết một số nội dung liên quan đến công tác phối hợp trong bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự

23/03/2009
Thực hiện công văn số 335/THA-HC.TH.TV ngày 03 tháng 3 năm 2009 của Cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp, Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi tổng kết một số nội dung liên quan đến công tác phối hợp trong bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự trong 03 năm (năm 2006, 2007 và năm 2008), cụ thể như sau:


I. Về số liệu:

1. Tổng số vụ việc cưỡng chế: 90 việc;

2. Số vụ việc cưỡng chế có yêu cầu lực lượng bảo vệ cưỡng chế:74 việc;

3. Bình quân số người được cơ quan Thi hành án yêu cầu bảo vệ cưỡng chế/01 vụ cưỡng chế: 09 người;

4. Số lượng việc cưỡng chế cơ quan Công an đáp ứng đủ lực lượng bảo vệ cưỡng chế theo yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự: 63 việc;

5. Số lượng việc cưỡng chế cơ quan Công an không đáp ứng đủ lực lượng bảo vệ cưỡng chế theo yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự: 10 việc;

6. Số lượng việc cưỡng chế cơ quan Công an không bố trí lực lượng bảo vệ cưỡng chế: 01 việc;

7. Thành phần lực lượng tham gia bảo vệ cưỡng chế thuộc Công an nhân dân trong mỗi vụ cưỡng chế: Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp; Cảnh sát giao thông; Cảnh sát hình sự, An ninh điều tra, Công an xã, phường, thị trấn.

II. Đánh giá về công tác phối hợp bảo vệ cưỡng chế:

Nhìn chung, trong 03 năm qua (năm 2006, 2007 và năm 2008), công tác phối hợp bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự giữa lực lượng thuộc Công an nhân dân với cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được thực hiện tương đối tốt (nhất là ở cấp tỉnh). Chính vì vậy, hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh nói chung và hiệu quả trong cưỡng chế thi hành án dân sự nói riêng được đảm bảo. Tuy nhiên, trong công tác phối hợp bảo vệ cưỡng chế trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (chủ yếu là ở cấp huyện) vẫn còn nhiều tồn tại cần phải khắc phục như:

- Số lượng việc cưỡng chế cơ quan Công an không đáp ứng đủ lực lượng bảo vệ cưỡng chế theo yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự vẫn còn nhiều (10 việc trong 03 năm 2006, 2007 và năm 2008).

- Số lượng việc cưỡng chế cơ quan Công an không bố trí lực lượng bảo vệ cưỡng chế vẫn tồn tại (03 năm 2006, 2007 và năm 2008 có 01 việc).

- Trong công tác phối hợp bảo vệ cưỡng chế giữa lực lượng thuộc Công an nhân dân với cơ quan Thi hành án dân sự chưa được đồng bộ, chặt chẽ; đôi lúc còn chủ quan, xem nhẹ; có trường hợp Lực lượng bảo vệ cưỡng chế thuộc Công an nhân dân còn can thiệp sâu vào công tác nghiệp vụ cưỡng chế thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự, không chấp hành tốt sự chỉ đạo phối hợp của Ban chỉ đạo thi hành án, chưa thực hiện đầy đủ theo yêu cầu của chấp hành viên; bảo vệ cưỡng chế chưa có tính chuyên nghiệp, còn bị động, lúng túng khi đương sự có hành vi chống đối; giữa các lực lượng Cảnh sát thuộc Công an nhân dân (cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp và Cảnh sát hình sự, Công an xã, phường, thị trấn) chưa phối hợp tốt trong việc bắt giữ và xử lý đương sự có hành vi chống đối.

III. Đề xuất, kiến nghị:

Để công tác bảo vệ cưỡng chế đạt hiệu quả tốt, đảm bảo an toàn cho việc cưỡng chế thi hành án dân sự, Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi có những kiến nghị sạu:

- Cần sớm ban hành Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an trong công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự trong đó quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Thi hành án dân sự; trách nhiệm của lực lượng thuộc Công an nhân dân trong việc xây dựng kế hoạch và phương án bảo vệ cưỡng chế; việc lập hồ sơ xử lý hình sự khi có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình cưỡng chế; việc lực lượng bảo vệ cưỡng chế thi hành án thực hiện yêu cầu của chấp hành viên chủ trì cưỡng chế trong quá trình cưỡng chế …để làm cơ sở pháp lý ràng buộc trách nhiệm của từng cơ quan trong công tác phối hợp bảo vệ cưỡng chế.

- Bộ Công an thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc lực lượng thuộc Công an nhân dân ở địa phương (Công an tỉnh và Công an huyện) thực hiện tốt quy trình hỗ trợ và bảo vệ cưỡng chế thi hành án, đáp ứng và bố trí đầy đủ lực lượng bảo vệ cưỡng chế theo yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự trong quá trình tham gia bảo vệ cưỡng chế./.