Chi cục Thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng vượt chỉ tiêu

09/11/2010
Huyện Giồng Riềng là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kiên Giang huyện có 19 xã, thị trấn, địa bàn rộng lớn dân cư đông, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn đặc biệt là vào mùa mưa và mùa nước lũ, huyện có 3 dân tộc anh em, Kinh, Hoa và Khơme, tỷ lệ người dân tộc Khơme chiếm tỷ lệ khá cao, đời sống  của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế nhất là bà con dân tộc Khơme, đặc biệt là nhận thức về pháp luật, do đó ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai trong công tác tuyên truyền pháp luật và các nhiệm vụ chính trị trong công tác Thi hành án.


Ngay từ đầu năm, Cơ quan tổ chức phát động phong trào thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với nội dung hoàn thành và vượt chỉ tiêu mà Bộ Tư pháp đã đề ra, và đăng ký thi đua theo hướng dẫn của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, tập thể và 100% cán bộ công chức đều đăng ký thi đua với các hình thức. Ngoài ra Cơ quan tổ chức phát động hai đợt cao điểm thi đua trong toàn thể cán bộ, chấp hành viên. Kết quả thi đua trong năm cơ quan được Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh khen thưởng đột xuất hai lần, cán bộ, chấp hành viên được khen thưởng đột xuất 24 lần.

 Lượng án thụ lý ngày càng tăng, số vụ án có tính chất phức tạp ngày càng nhiều nhưng với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, chấp hành viên trong năm 2010 cơ quan tổ chức thi hành và đạt được kết quả như sau:

Tổng số việc phải thi hành là 1.137 việc trong đó thụ lý mới 756 việc tăng 24 việc, số việc đã giải quyết là 848 việc đạt 90% với số việc có điều kiện thi hành.

Về giá trị tổng số tiền phải thu là 11.787.766.000đ thụ lý mới 6.110.399.000đ số tiền đã giải quyết là 5.866.792.000đ đạt 82% so với số tiền có điều kiện thi hành  án tồn giải quyết đạt 5%. Đạt được kết quả nêu trên là do:

- Được sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện và Ban chỉ đạo thi hành án huyện, sự phối kết hợp của các cơ quan, ban ngành hữu quan, UBND các xã thị trấn, sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Cục Thi hành án dân sự tỉnh và, cùng với sự nỗ lực của từng  cán bộ, công chức trong cơ quan, từng cá nhân xác định rõ chức năng nhiệm vụ được giao, để từ đó đề ra phương hướng và cách giải quyết cho từng nhiệm vụ một cách cụ thể, từng cán bộ, công chức không ngừng nghiên cứu, học hỏi trao đổi trong công việc phấn đấu vươn lên để hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được giao

- Duy trì tốt việc phân công chuyển đổi cán bộ, chấp hành viên theo địa bàn, tổ chức thẩm tra, xác minh, phân loại án, xác định án có điều kiện thi hành, án không có điều kiện thi hành để có hướng giải quyết đúng theo quy định pháp luật. Giải quyết có hiệu quả số án có điều kiện thi hành, kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với những vụ việc đương sự có điều kiện thi hành nhưng không tự nguyện thi hành mà cố tình dây dưa kéo dài. Hàng tháng ngoài nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên, từng cán bộ chấp hành viên phải xây dựng kế hoạch tổ chức thực thi cụ thể đối với từng vụ việc nhằm giảm dần lượng án thụ lý. Phấn đấu đến cuối năm tỷ lệ giải quyết án đạt và vượt chỉ tiêu mà Bộ Tư pháp đề ra.

- Áp dụng những quy định của pháp luật trong lĩnh vực Thi hành án dân sự, tiêu chí hàng đầu mà cơ quan đề ra đối với đương sự là giáo dục, thuyết phục, động viên để đương sự hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình khi Bản án, Quyết định của Toà án có hiệu lực thi hành, từ đó đương sự hiểu được và tự nguyện thi hành án.

Tuy nhiên đối với một số trường hợp đương sự có điều kiện thi hành án nhưng cố tình không thi hành, những trường hợp này cơ quan cương quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, nhằm bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của người được thi hành án và bảo vệ tính pháp chế của pháp luật.

Đối với cán bộ, công chức được phân công đi công tác phải lên kế hoạch cụ thể của từng vụ việc, khi đi công tác về phải báo cáo lại cho Thủ trưởng kết quả những vụ việc đã giải quyết, từ đó trong cơ quan có sự nhất trí cao lấy kết quả đạt được làm tiêu chuẩn để đánh giá cho từng cán bộ, công chức trong việc xét khen thưởng cuối năm.

Nguyễn Công Tín