Qua quá trình kiểm tra nhận thấy nét chung ở cả 4 đơn vị là công tác thi hành án luôn được nhận sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Ban chỉ đạo thi hành án được kiện toàn, phát huy tốt vai trò, tạo sự phối hợp thường xuyên chặt chẽ giữa các ngành thuộc khối nội chính, các tổ chức đoàn thể quần chúng với cơ quan thi hành án dân sự trong việc tổ chức thi hành án. Cơ quan THADS có bước chuyển biến tích cực trong quản lý, điều hành, thực hiện đúng quy chế dân chủ, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, có sự phân công phân nhiệm rõ ràng, hợp lý đối với từng cán bộ công chức, công khai quy trình thủ tục thi hành án và giải quyết khiếu nại tố cáo về thi hành án, nội quy tiếp công dân, triển khai kế hoạch công tác năm, thi đua khen thưởng v.v… Áp dụng đúng các quy định của pháp luật về thi hành án trong việc giải quyết hồ sơ, lập và sử dụng đúng và đầy đủ theo quy định các loại sổ sách nghiệp vụ, chứng từ.
Tuy nhiên qua kiểm tra còn một số sai sót, hạn chế trong nghiệp vụ như : Sổ thụ lý chưa ghi rõ chấp hành viên giải quyết hồ sơ; có trường hợp nhầm lẫn đơn yêu cầu thi hành án nhưng lại thụ lý vào sổ giải quyết khiếu nại tố cáo; nội dung quyết định thi hành án còn dài dòng, hầu như chép lại phần quyết định của bản án; biên bản xác minh và giải quyết thi hành án ghi chép thiếu mạch lạc, mang tính kể lể, đơn yêu cầu thi hành án của đương sự không đóng dấu công văn đến nên không thể hiện được ngày tháng năm nhận đơn của đương sự.
Về tài chính kế toán không phát hiện vi phạm chế độ quản lý, nhưng còn tồn tại một số thiếu sót như có một số trường hợp chi trả tiền thi hành án nhưng không ghi rõ họ tên người nhận tiền; biên lai thu tiền thi hành án chưa kèm vào phiếu thu nên khó khăn cho việc kiểm tra đối chiếu chứng từ; biên lai thu tiền chưa đóng dấu treo của cơ quan thi hành án…
Kết quả thi hành án trong 6 tháng đầu năm nay ở các đơn vị này còn đạt tỷ lệ thấp (cao nhất như Mường Khương cũng mới đạt 51% về việc, 49% về tiền trên tổng số việc và tiền có điều kiện thi hành) phần còn lại sẽ là áp lực lớn trong 6 tháng cuối năm, đòi hỏi phải có sự tập trung lớn mới có thể đạt chỉ tiêu kế hoạch năm đã đề ra.
Sau kiểm tra, THADS tỉnh đã chỉ đạo yêu cầu các đơn vị trong thời hạn 1 tháng phải báo cáo kết quả khắc phục những thiếu sót tồn tại và có giải pháp tích cực phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu năm 2007.
Không rơi vào tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”, “dĩ hoà vi quý”, đoàn kiểm tra đã tiến hành từng bước thận trọng, tỉ mỉ, sâu sát từng mặt công tác, lật từng trang hồ sơ, sổ sách và kiểm chứng thực tế. Mặt khác kết hợp giữa kiểm tra với hướng dẫn nghiệp vụ từ những sai sót cụ thể vừa trực quan vừa đúng trọng tâm. Kết thúc đợt kiểm tra có kết luận đánh giá ưu, khuyết điểm, đồng thời hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ ra biện pháp khắc phục hạn chế, thiếu sót. Cách làm này là một bước đổi mới về phương pháp kiểm tra có tác dụng thiết thực trong hoạt động quản lý, điều hành nhất là đối với đơn vị được kiểm tra và cần được tiến hành định kỳ hàng năm nhằm đánh giá thực trạng hoạt động của từng đơn vị, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh thiếu sót, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự tại địa phương.
Tạ Thị Lan Anh