Để tăng cường chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, đảm bảo chấp hành nghiêm, đúng quy định của pháp luật về thi hành án, ngày 28/6/2007, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định đã ban hành Chỉ thị số 14/2007/CT-UBND "về việc tăng cường chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự của tỉnh". Theo đó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan cần tập trung chỉ đạo, tăng cường các hoạt động tuyên truyền và tổ chức thực hiện pháp luật về thi hành án dân sự, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và nhân dân đối với công tác thi hành án dân sự. Xác định việc thi hành án dân sự là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân; có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, sự công bằng xã hội; là nhiệm vụ quan trọng của Uỷ ban nhân dân các cấp, các ngành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo quy định của pháp luật.
Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc chỉ đạo, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, cơ quan thi hành án và các cơ quan chuyên môn, phối hợp với các đoàn thể nhân dân tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác thi hành án dân sự tại địa phương. Ban chỉ đạo thi hành án của tỉnh đôn đốc, hướng dẫn Ban chỉ đạo thi hành án các huyện, thành phố hoạt động đúng quy chế đã ban hành.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm chỉ đoạ, tổ chức phối hợp các cơ quan hữu quan trong việc thi hành án dân sự ở địa phương với nhiều nhiệm vụ cụ thể. Cơ quan Công an có nhiệm vụ xây dựng phương án bảo đảm giữ gìn trật tự, kịp thời ngăn chặn những hành vi cản trở, chống việc thi hành án. Trong trường hợp cần phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, cơ quan Công an và các cơ quan có liên quan có nhiệm vụ phối hợp thực hiện yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hoặc Chấp hành viên.
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm ra quyết định thi hành án, chỉ đạo thi hành án đảm bảo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Đối với vụ án lớn, phức tạp ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị của địa phương mà phải cưỡng chế thi hành; những vụ án mà người phải thi hành án có điều kiện thi hành nhưng không tự nguyện hoặc hết thời gian tự nguyện thi hành án mà phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án thì cơ quan thi hành áan phải chủ động xây dựng phương án cưỡng chế, báo cáo Ban chỉ đạo thi hành án cấp mình phê duyệt để thực hiện, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp để thống nhất phương án bảo vệ trật tự an toàn cho việc cưỡng chế thi hành án.
Đề nghị Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong tỉnh tăng cường phối hợp với cơ quan Công an, Tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự, chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền quản lý của ngành, đoàn thể mình thực hiện nghiêm quy định tại Thông tư liên tịch số 02/TTLT ngày 17/9/1993 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về hướng dẫn việc bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự.
Anh Tuấn