Ngay sau khi triển khai Chỉ thị 20, Thi hành án Gia Viễn đã bố trí đủ lực lượng, đủ người, phân công địa bàn hoạt động cho từng chấp hành viên, chuyên viên đảm bảo cho việc kiểm tra, giám sát theo dõi, kịp thời chấn chỉnh những sai sót về nghiệp vụ cho đội ngũ trực tiếp làm công tác thi hành án tại cơ sở. Tính đến thời điểm này, Phòng Tư pháp huyện đã tổ chức tập huấn được 02 đợt, Thi hành án tỉnh đã tổ chức được 01 đợt học tập, bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về công tác thi hành án cho lãnh đạo UBND, đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác thi hành án tại các xã thị trấn trong huyện. Với phương châm ‘hướng Tư pháp về cơ sở”, Thi hành án huyện đã phối hợp nhịp nhàng với chính quyền cơ sở, tranh thủ sự quan tâm cuả Hội đồng nhân dân, UBND các xã, thị trấn, đồng thời duy trì thường xuyên chế độ báo cáo định kỳ giữa huyện với xã, thị trấn về kết quả thực hiện các vụ việc thi hành án được chuyển giao, cùng tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện, đảm bảo cho công tác thi hành án ở cơ sở từng bước đi vào nề nếp.
Tính từ năm 2002 đến hết tháng 6/2006, tổng số án chuyển giao cho cấp xã thi hành trên địa bàn huyện huyện là 175 việc, với số tiền 37.550.000đồng, đã thi hành xong 140 việc, rút lên huyện giải quyết 05 việc, 07 việc thi hành đều, còn lại 23 việc chưa thi hành. Số tiền thu nộp ngân sách xã là 19.000.000đồng, thu cho công dân 15.100.000đồng, còn lại 2.424.000 đồng chưa thi hành. 6 tháng đầu năm 2007 trong tổng số 61 vụ thi hành xong ở cả 2 cấp với số tiền đã thu 165.023.000đồng thì cấp xã thi hành xong được 16 vụ (cấp huyện 45 vụ) thu được 1.356.000đồng.
Mặc dù kết qủa thực hiện việc chuyển giao án dưới 500.000đ ở mỗi xã có khác nhau, song vai trò, vị trí của chính quyền cơ sở trong việc góp phần làm giảm lượng án tồn đọng đã được khẳng định. Nhận thức cuả các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đối với công tác thi hành án đã có chuyển biến tích cực, mối quan hệ giũa chính quyền cơ sở với cơ quan thi hành án ngày càng được củng cố chặt chẽ hơn. Tại 21 xã, thị trấn đều đã thành lập Ban chỉ đạo thi hành án do đồng chí Chủ tịch UBND làm trưởng ban, phó trưởng ban là cán bộ phụ trách tư pháp cùng với 8-10 thành viên đại diện cho các tổ chức đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân.
Hầu hết các xã đã xác định được trách nhiệm của mình trong việc phân công cán bộ tham gia trực tiếp đôn đốc thi hành án, nảy sinh nhiều cách làm hay, sáng tạo, kết hợp giữa lý và tình, lấy phương châm giáo dục thuyết phục là chính, Công tác thi hành án ở cơ sở đã từng bước thoát ra được những ràng buộc về tình cảm làng xóm, thoát ra được quan hệ sau “luỹ tre làng”. Người phải thi hành án cũng như người trực tiếp đôn đốc thi hành đã nhận thức rõ ranh giới giữa việc công và tư giữa tình và lý, không để lợi ích cá nhân, quan hệ xóm làng, gia đình ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung mà Nhà nước đã giao phó. Thông qua các kênh như: tổ chức các cuộc họp ở thôn xóm, qua hệ thống loa truyền thanh 3 cấp, hội nghị cán bộ, chi bộ ở xã, thị trấn đã tuyên truyền được những nội dung cơ bản của Chỉ thị 20, Pháp lệnh Thi hành án dân sự, nâng cao được nhận thức của cán bộ Đảng viên về vị trí vai trò của UBND cấp xã trong hoạt động phối hợp với cơ quan thi hành án và tự tổ chức triển khai thực hiện các vụ việc được chuyển giao không quá 500.00đ. Thực tế cho thấy 2/3 số xã trong huyện đã tự tổ chức, đôn đốc thi hành và thi hành có kết quả các vụ việc được chuyển giao.
Được tiếp nhận 12 vụ việc với số tiền 1.244.000đồng, nằm trên địa bàn phức tạp có tới 56% dân số theo đạo Thiên chúa, dân cư sống bằng nghề sông nước là chủ yếu, phức tạp trong công tác quản lý nhân khẩu là không tránh khỏi. Để đảm bảo yêu cầu thi hành có kết quả các vụ việc được chuyển giao là vấn đề hết sức khó khăn. Song được sự quan tâm của Đảng uỷ, HĐND, UBND, xã Gia Thịnh đã có Nghị quyết chuyên đề về công tác lãnh đạo, chỉ đạo đôn đốc thi hành án, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo thi hành án, xác định đây là nhiệm vụ mà Đảng uỷ, Uỷ ban, các ngành các cấp phải thực hiện. Đối với các thôn, xóm có án phải thi hành một mặt tranh thủ sự phốí kết hợp của thôn trưởng, xóm trưởng, mặt khác đưa ra tiêu chí bình xét thi đua hàng năm đối với những thôn xóm có án được thi hành. Do làm tốt công tác chỉ đạo, đến nay Gia Thịnh đã giải quyết xong 12 bản án, quyết định chuyển giao, không còn án tồn đọng trên địa bàn xã. Cùng với xã Gia Thịnh nhiều xã đã tổ chức thực hiện tốt công tác này như Gia Lạc, Gia Tân, Gia Hưng, Gia Xuân, Gia Thanh, Gia Hoà.
Thiều Thị Tú