Hội nghị có chung một đánh giá là: Nâng cao hiệu quả chỉ đạo tổ chức phối hợp các cơ quan liên quan trong thi hành án dân sự và chỉ đạo thi hành các vụ án lớn phức tạp có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương là cần thiết; Bảo đảm cho bản án quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực được chấp hành trên thực tế là góp phần phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, các tổ chức và công dân…góp phần xây dựng môi trường lành mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội...
Theo đề nghị của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Uỷ bân nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định mở rộng thành viên Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh so với Nghị Định số 74/2009/NĐ-CP của Chính Phủ; Ngoài các cơ quan như Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Mặt trận tổ quốc tỉnh, các Sở Tư pháp, Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Ban chỉ đạo còn có các cơ quan: Viện kiểm sát nhân dân, Bộ chỉ huy quân sự, Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc nhà nước và Bảo hiểm xã hội tỉnh, là những cơ quan có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ trực tiếp công tác thi hành án dân sự. Đến hết năm 2010 các Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện ở Hà Tĩnh cơ bản được kiện toàn theo thành phần tương tự như Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh. Cùng với sự nổ lực của các cơ quan Thi hành án dân sự Hà Tĩnh, hoạt động có hiệu quả của các Ban chỉ đạo đã góp phần đưa công tác thi hành án dân sự ở Hà Tĩnh nhiều năm liền đạt và vượt các chỉ tiêu được giao; Điển hình nhất là việc phân loại án chính xác và hạn chế thấp nhất việc thi hành án dân sự tồn đọng do lỗi chủ quan; Từ năm 2010 đến nay tỷ lệ việc có điều kiện thi hành trên 80%, về tiền trên 75%; Số việc thi hành án dân sự tồn đọng từ năm này chuyển sang năm khác dưới 30% trên tổng số việc phải tổ chức thi hành.
Tích cực chỉ đạo phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự.
Hằng năm Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch công tác thi hành án dân sự trình Uỷ bân nhân dân tỉnh phê duyệt; Năm 2011 chỉ đạo sơ kết 2 năm triển khai Luật Thi hành án dân sự 2008 qua đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn Thi hành án dân sự ở địa phương; Năm 2012 chỉ đạo khảo sát và xây dựng báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động của các Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự từ năm 2010 đến tháng 6/2012 và chương trình hoạt động trong thời gian tới; Chỉ đạo xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Tăng cường giải quyết việc thi hành án dân sự tồn đọng”. Đề án này đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm tăng cường công tác Thi hành án dân sự tại địa phương, không để việc Thi hành án dân sự tồn đọng do lỗi chủ quan; đang được các Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự và các cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện có hiệu quả.
Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện đã chỉ đạo tổ chức tập huấn các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự đến cán bộ chủ chốt các ngành ở cấp huyện, cấp xã; Hằng năm ban hành chương trình công tác tổ chức phối hợp và chỉ đạo thi hành các vụ việc thi hành án dân sự phức tạp. Điển hình như Ban chỉ đạo thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cùng cấp ban hành Chỉ thị về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn; Ban chỉ đạo huyện Can Lộc có văn bản yêu cầu Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn tăng cường phối hợp trong công tác thi hành án dân sự. Ban chỉ đạo huyện Nghi Xuân ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, phân công từng thành viên của Ban chỉ đạo phụ trách địa bàn các xã để chỉ đạo phối hợp thi hành án dân sự ...
Quan tâm chỉ đạo thi hành đối với các vụ án lớn, phức tạp có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Từ năm 2010 đến nay Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh đã chỉ đạo giải quyết xong 46 việc với số tiền 1.250.000.000 đồng, tiêu biểu là việc tranh chấp hợp đồng mua mật rỉ đường giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Châu Tuấn Hà Tĩnh và Công ty Tiên Sơn Thanh Hoá kéo dài từ năm 2006, các bên đương sự liên tục khiếu nại đến nhiều cơ quan từ địa phương đến Trung ương; Sau nhiều lần kiến nghị và chỉ đạo giải quyết đến ngày 06/6/2011 Công ty Châu Tuấn thi hành xong khoản tiền này. Việc theo đơn yêu cầu của ông Trương Khôi, Trương Mười ở tỉnh Quảng Ngãi đối với Công ty cổ phần xe khách Hà Tĩnh kéo dài 16 năm từ năm 1995 liên tục đi khiếu nại, được thi hành án xong gia đình ông Khôi, ông Mười đã gửi thư cảm ơn đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh…
Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện đã chỉ đạo giải quyết 37 việc với số tiền 10.020.776.000 đồng, tiêu biểu là các việc: Ban chỉ đạo thành phố Hà Tĩnh chỉ đạo cưỡng chế thi hành xong việc tranh chấp quyền sử dụng đất ở phường Bắc Hà, giá trị 3 tỷ đồng, tồn đọng 16 năm; Việc trả nợ ở phường Bắc Hà tồn đọng 7 năm số tiền 1,6 tỷ đồng. Việc chia tài sản ly hôn giá trị 430 triệu đồng ở phường Nam Hà tồn đọng từ năm 2007…; Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện Thạch Hà chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ tranh chấp thừa kế 1.760m2 đất ở xã Thạch Tân tồn đọng 5 năm; Ban chỉ đạo huyện Hương Khê chỉ đạo giao đất ở mới tạo điều kiện để giải quyết xong vụ án đòi lại đất vườn ở xã Phúc Trạch tồn đọng từ năm 2004; Ban chỉ đạo huyện Nghi Xuân chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc tranh chấp tài sản thừa kế tồn đọng 5 năm, giá trị hơn 1 tỷ đồng …
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban chỉ đạo với nhiều giải pháp tích cực.
Trong thời gian tới các Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự Hà Tĩnh đề ra các giải pháp trọng tâm, như: Sửa đổi bổ sung quy chế làm việc, phân công thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của Ban chỉ đạo theo hướng “cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành”; Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cùng cấp ban hành chỉ thị về tăng cường công tác thi hành án dân sự phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác đôn đốc thi hành án hành chính; Phổ biến giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự, Luật Tố tụng hành chính trong cán bộ và nhân dân; Chỉ đạo thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường giải quyết việc thi hành án dân sự tồn đọng”, không để việc thi hành án dân sự tồn đọng do lỗi chủ quan; Chỉ đạo Thủ trưởng các cơ quan thi hành án dân sự phối hợp các cơ quan tổ chức có nhiệm vụ quyền hạn trong thi hành án dân sự kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đề ra các giải pháp thiết thực, đồng bộ để giải quyết căn bản các vụ việc Tti hành án dân sự mới thụ lý, hạn chế phát sinh các vụ việc tồn đọng mới. Chỉ đạo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã tăng cường phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự để thi hành có hiệu quả các vụ việc thi hành án dân sự trên địa bàn. Giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại tố cáo về thi hành án dân sự ngay tại cơ sở, không để xảy ra "điểm nóng" về thi hành án dân sự; Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân và của Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự trong công tác thi hành án dân sự.
Với sự quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự và sự nổ lực tích cực của các cơ quan Thi hành án dân sự, hứa hẹn công tác thi hành án dân sự ở Hà Tĩnh sẽ phát triển bền vững./.
Thuần Nho