Hội nghị đã quán triệt đến các đại biểu một số vấn đề có liên quan, như: sự cần thiết và mục đích, yêu cầu sửa đổi Hiến pháp, nhằm tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản có tính bản chất của chế độ ta đã được qui định trong Hiến pháp 1992; thể chế hóa kịp thời những quan điểm, chủ trương lớn được nêu trong cương lĩnh và các văn kiện khác của Đảng; hoàn thiện kỹ thuật lập hiến, đảm bảo để Hiến pháp thực sự là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâu dài. Về quan điểm và những nguyên tắc cơ bản về sửa đổi hiến pháp năm 1992, là dựa trên sự tổng kết Hiến pháp năm 1992 và các Đạo luật có liên quan; tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước đã được xác định trong cương lĩnh và Hiến pháp năm 1992; khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; phát triển kinh tế thị tường định hướng xã hội chủ nghĩa; tôn trọng và đảm bảo quyền con người, quyền công dân .v.v…
Trên cơ sở Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Hội nghị đã tham gia một số vấn đề như: lời nói đầu của dự thảo còn quá dài (449 từ), cần cô đọng lại cho gọn và xúc tích hơn. Tại khoản 1 Điều 13 của Dự thảo qui định về Quốc kỳ, nhưng chưa qui định kích thước và tỷ lệ của ngôi sao vàng trên nền đỏ, đồng thời chưa qui định vị trí đặt các cánh của ngôi sao, đề nghị nên bổ sung vào Dự thảo để thực hiện đúng trên thực tế. Điều 20 và Điều 21 của Dự thảo nên gộp thành 1 điều và sau cụm từ của Điều 21 (mọi người có quyền sống) cần thêm cụm từ “phù hợp với qui định của pháp luật”, nhằm đảm bảo nguyên tắc quyền không tách rời với nghĩa vụ, đồng thời qui định như trên nhằm đảm bảo việc áp dụng các hình phạt khi có tội phạm xảy ra, nhất là các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được qui định trong Bộ luật hình sự. Tại Điều 35 cần qui định thêm nghĩa vụ của công dân; Khoản 1 Điều 36 cần thêm theo qui định của pháp luật; Khoản 1 và Khoản 2 của Điều 46 nên gộp thành một khoản, bỏ từ “mọi người” của Khoản 2, thêm từ “và” thành câu “mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Tại Điều 71, 72, đề nghị đưa từ “cách mạng” ra sau từ “tinh nhuệ” để rõ nghĩa hơn. Điều 83, cần thiết kế lại câu từ để khi đọc thể hiện sự mạnh mẽ hơn, cụ thể là đưa cụm từ “khi cần thiết” ra cuối câu thành “Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra một vấn đề nhất định khi cần thiết”. Khoản 2 Điều 115, đề nghị nên qui định “việc thành lập Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính lãnh thổ do luật định”, bỏ đoạn cuối, bắt đầu từ từ “phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị hành chính lãnh thổ và phân cấp quản lý”, vì đoạn cuối không mang tính qui định mà chỉ giải thích thêm. Về nội dung Chương X của Dự thảo là một nội dung hoàn toàn mới, qui định về Hội đồng Hiến pháp, có chức năng kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản qui phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ban hành, tuy nhiên thẩm quyền của Hội đồng này chỉ giới hạn ở phạm vi kiểm tra, kiến nghị, yêu cầu và đề nghị, chưa qui định quyền cao hơn, như đình chỉ, bãi bỏ một số văn bản nhất định. Vì vậy, đề nghị trong Dự thảo cần qui định tăng thẩm quyền của Hội đồng Hiếp pháp để đảm bảo thực hiện trên thực tế.
Võ Công Hoàng