Cục Thi hành án dân sự Lào Cai: 20 năm xây dựng và trưởng thành

15/07/2013
Để đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, yêu cầu hội nhập quốc tế, khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác thi hành án dân sự, tại kỳ họp thứ nhất ngày 06/10/1992, Quốc hội khóa IX đã ban hành Nghị quyết về việc bàn giao công tác Thi hành án dân sự từ Tòa án nhân dân các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ đồng thời Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 được ban hành làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự và cơ chế quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự.


Việc chuyển giao công tác thi hành án dân sự từ Tòa án nhân dân sang các cơ quan thuộc Chính phủ là phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu thực tiễn của sự phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Ở Lào Cai, ngay sau khi Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 có hiệu lực thi hành việc chuyển giao công tác thi hành án dân sự từ Tòa án nhân dân sang Sở Tư pháp cấp tỉnh, Phòng Tư pháp cấp huyện được triển khai thực hiện đồng bộ, nhanh chóng, ổn định tổ chức, nơi làm việc và kịp thời triển khai nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn về mọi mặt do lực lượng cán bộ mỏng với 4 biên chế thuộc Phòng Thi hành án dân sự và 10 biên chế/10 Đội Thi hành án dân sự huyện, thị xã. Về chức danh Tư pháp có 2 chấp hành viên cấp tỉnh, 8 chấp hành viên cấp huyện, trong đó 3 người có trình độ Đại học còn lại là trung cấp và chưa qua đào tạo, 2 đơn vị cấp huyện chưa có chấp hành viên. Về cơ sở vật chất, do là tỉnh mới được chia tách (năm 1991 tỉnh Hoàng Liên Sơn tách thành 2 tỉnh Lào Cai, Yên Bái) điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn theo đó việc bố trí sắp xếp nơi làm việc cho cơ quan Thi hành án dân sự rất tạm bợ, trang thiết bị, phương tiện làm việc hầu như không có gì.

Trên cơ sở Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 và Nghị định số 30/CP ngày 12/6/1993 của Chính phủ, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và trực tiếp là Giám đốc Sở Tư pháp công tác thi hành án dân sự thi hành án dân sự từng bước ổn định và hoạt động hiệu quả. Mặc dù còn nhiều khó khăn, lượng án thụ lý mới ngày càng nhiều, phức tạp trong khi đội ngũ cán bộ, vừa thiếu, vừa yếu nhưng với sự cố gắng, nỗ lực, vượt qua khó khăn, thử thách, vượt qua thời gian công tác. Thi hành án dân sự Lào Cai đã có nhiều chuyển biến tích cực, kết quả thi hành án năm sau cao hơn năm trước. Sau 10 năm từ 1993 đến 2003 với tổng số việc phải thi hành trên 12 nghìn vụ việc, đã giải quyết xong trên 11 nghìn việc với tổng số tiền được giải quyết trên 24 tỷ đồng, đạt tỷ lệ giải quyết xong 98% về việc và 75% về tiền.

Được sự quan tâm của Bộ Tư pháp đến năm 2003 công tác tổ chức cán bộ được kiện toàn tương đối ổn định, các cơ quan Thi hành án dân sự toàn tỉnh có 63 biên chế gồm 22 chấp hành viên, lúc này 60% cán bộ, công chức đã có trình độ Đại học, về cơ sở vật chất đến năm 2005 tất cả trụ sở làm việc của các đơn vị thi hành án dân sự đều được đầu tư xây dựng và nâng cấp, sửa chữa, phương tiện làm việc được trang bị khá đầy đủ, Phòng Thi hành án dân sự được cấp xe ô tô, các Đội Thi hành án dân sự được cấp xe máy để hỗ trợ cho hoạt động thi hành án. Đặc biệt, nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác thi hành án dân sự được nâng cao, công tác thi hành án dân sự được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần phải được quan tâm chỉ đạo, việc Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Chỉ thị số 02/CT năm 2001 về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các ngành và nhân dân, tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự, là tiền đề cho sự phát triển lâu dài cho công tác thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai trong những năm tiếp theo.

Đến năm 2004 trong bối cảnh nền kinh tế xã hội có sự chuyển đổi mạnh mẽ, lúc này công tác thi hành án dân sự đòi hỏi phải thực sự đáp ứng yêu cầu trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ trật tự an ninh xã hội. Trên cơ sở thể chế hóa đường lối chính sách của Đảng và qua tổng kết thực tiễn 10 năm công tác thi hành án dân sự, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 được thông qua với nhiều đổi mới quan trọng về trình tự, thủ tục cũng như về tổ chức, cán bộ của các cơ quan Thi hành án dân sự, theo đó Chính phủ đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện như Nghị định số 164/2004/NĐ-CP ngày 14/09/2004 về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để bảo đảm thi hành án, Nghị định của chính phủ số 173/2004/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2004 quy định về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự, Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 về cơ quan quản lý Thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự. Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành với cơ chế pháp lý khá chặt chẽ và hiệu quả hơn nên công tác thi hành án dân sự lúc này tương đối thuận lợi, các quy định về thủ tục cưỡng chế, kê biên, đấu giá, xử phạt, hỗ trợ tài chính,… đã tạo hành lang pháp lý rất thuận lợi nâng cao hiệu quả công tác, nhiều vụ án phức tạp, tồn đọng được tổ chức thi hành dứt điểm, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho nhà nước và công dân.

Vai trò quản lý Nhà nước đối với công tác thi hành án dân sự ở địa phương tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, bước đầu hình thành cơ chế phối hợp giữa các ngành hữu quan. Đối với các vụ án lớn, phức tạp, nổi cộm, cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự đã kịp thời vào cuộc chỉ đạo các ngành phối hợp chặt chẽ để giải quyết dứt điểm và có biện pháp tháo gỡ khó khăn bằng những cơ chế thích hợp giúp cho công tác thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao nhất. Vấn đề lớn nhất là về cơ sở vật chất tiếp tục được Bộ Tư pháp quan tâm, Ủy ban nhân dân các cấp tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh có địa điểm xây dựng trụ sở làm việc, gần như 100% các trụ sở làm việc của các cơ quan Thi hành án dân sự được đầu tư và chuẩn bị đầu tư xây dựng mới trong thời gian gần đây, đó là những bước đệm để tạo đà cho sự phát triển. Cùng với đó công tác tổ chức cán bộ từng bước được kiện toàn, đội ngũ chấp hành viên, cán bộ làm công tác thi hành án được tăng cường, bộ máy cơ quan Thi hành án dân sự được củng cố từ cấp tỉnh đến cấp huyện, chế độ chính sách của cán bộ, công chức được đảm bảo từ đó đã thu hút được nguồn nhân lực vào công tác trong hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự.

Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 mặc dù đã thể chế hóa và triển khai thực hiện đường lối chính sách của Đảng về định hướng phát triển của hệ thống Thi hành án dân sự và đạt được những kết quả nhất định song trong thực tiễn thi hành nhiều quy định của Pháp lệnh đã bộc lộ hạn chế, bất cập chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ quản lý kinh tế - xã hội cũng như chưa tạo ra mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế thi hành án, ngăn ngừa tẩu tán tài sản,.. tạo điều kiện cho những hành vi vi phạm pháp luật, cố tình kéo dài thời gian, không tích cực đôn đốc, chưa kiên quyết hoặc sách nhiễu, phiền hà nhân dân dẫn đến án tồn đọng kéo dài, khiếu nại tố cáo trong thi hành án dân sự ngày càng gia tăng. Mặt khác cơ chế quản lý thi hành án về mô hình tổ chức các cơ quan Thi hành án chưa phù hợp, chưa xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan Thi hành án dẫn sự đến chồng chéo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực Tư pháp phù hợp mục tiêu của chiến lược hoàn thiện, xây dựng hệ thống pháp luật và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hoàn thiện tổ chức bộ máy cơ quan Tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 26/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020, ngày 14/11/2008 Quốc hội Khoá XII thông qua Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2009. Sự ra đời của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của công tác thi hành án dân sự, hệ thống tổ chức ngành Thi hành án dân sự có bước thay đổi quan trọng, vị trí của cơ quan Thi hành án được xác định theo mô hình quản lý tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương gồm Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố và Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện. Luật Thi hành án dân sự quy định tương đối toàn diện về các vấn đề liên quan đến hệ thống tổ chức Thi hành án dân sự và chấp hành viên; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thi hành án dân sự. Hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai được thành lập với Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh và 09 Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện, thành phố. Cơ cấu tổ chức của Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh gồm Phòng Tổ chức, cán bộ, Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án án, Phòng Kiểm tra giải quyết khiếu nại tố cáo và Văn phòng. Việc quản lý công tác tổ chức, cán bộ được bàn giao từ Giám đốc Sở Tư pháp sang cho Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh.

Sau gần 5 năm kể từ ngày Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành, khoảng thời gian tuy không dài nhưng cũng đủ để toàn thể cán bộ, công chức ngành Thi hành án dân Lào Cai phấn đấu và đạt được những kết quả đáng khích lệ, kết quả thi hành án các năm từ 2009 đến năm 2012 đều đạt và vượt các chỉ tiêu được Bộ Tư pháp giao. Đội ngũ cán bộ, công chức thi hành án phát triển cả về số lượng và chất lượng với 109 biên chế hiện có, về trình độ có 02 Thạc sĩ, 75 Đại học; 33 Cao đẳng và trung cấp. Các đơn vị đã kiện toàn đủ các chức danh lãnh đạo phục vụ yêu cầu công tác quản lý, điều hành (01 Cục trưởng, 02 Phó Cục trưởng; 9 Chi cục trưởng, 10 Phó Chi cục trưởng).

Hướng tới Ngày truyền thống Thi hành án dân sự (19/7/1946 - 19/7/2013) các thế hệ cán bộ, công chức cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai có quyền tự hào về những tháng năm vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ của thế hệ cha anh và viết tiếp những trang rạng ngời truyền thống thi hành án dân sự ./.

Văn phòng Cục THADS Lào Cai