Hưởng ứng sáng tác biểu trưng (Logo) ngành Thi hành án dân sự

11/10/2013
Biểu trưng phải có tính thẩm mỹ cao, dễ nhớ, dễ nhận biết, gây ấn tượng với công chúng để nhằm từng bước trở thành một công cụ quan trọng để xây dựng thương hiệu Ngành thi hành án dân sự trong tình hình mới.

Nhìn lại lịch sử hình thành 68 năm qua cho thấy, ngành Thi hành án dân sự đã từng bước phát triển và lớn mạnh không ngừng cả về quy mô, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức. Góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bảo đảm lợi ích Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước. Cách đây 20 năm, tại thời điểm tháng 7 năm 1993, Tòa án nhân dân các cấp đã bàn giao công tác thi hành án sang các cơ quan thuộc Chính phủ có 1.126 biên chế, trong đó có 700 chấp hành viên. Phần lớn số cán bộ ở thời điểm bàn giao chưa bảo đảm đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định, đặc biệt có nơi không có cán bộ thi hành án để bàn giao, nhất là các tỉnh miền núi, miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Số lượng án được bàn giao sang các cơ quan Thi hành án dân sự để tiếp tục tổ chức thi hành là 121.325 vụ, với tổng số tiền phải thi hành gần 120 tỷ đồng; 851.300 USD; hàng trăm lượng vàng; hàng nghìn tấn thóc và nhiều tài sản khác.

Về cơ sở vật chất, tại thời điểm bàn giao, trụ sở, phương tiện làm việc hầu như không có gì. Với trăm ngàn bộn bề, khó khăn, song, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tư pháp và trên hết là sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, công chức trong toàn ngành Thi hành án dân sự. Ngay sau khi nhận bàn giao, các cơ quan Thi hành án dân sự đã ổn định tổ chức, khẩn trương bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo công tác thi hành án dân sự được liên tục, không bị gián đoạn. Ngay trong năm 1993, các cơ quan Thi hành án dân sự đã thi hành xong 54.358 việc, thu được trên 103 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 45% về việc; 43% về tiền trên số có điều kiện thi hành. Các năm tiếp theo, công tác thi hành án dân sự ngày càng ổn định và đạt kết quả cao. Do số việc thi hành xong trong những năm gần đây tăng cao, nên số việc chuyển kỳ sau ngày càng giảm, nhất là sau khi Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành. Đặc biệt, năm 2010 hệ thống Thi hành án dân sự được giao thêm nhiệm vụ mới là theo dõi, hướng dẫn và đôn đốc thi hành án hành chính. Kết quả thi hành án hành chính cũng đạt những kết quả khả quan. Riêng việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh bước đầu được người dân và xã hội đón nhận. Trên cơ sở kết quả thí điểm, ngày 23/11/2012, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/NQ-QH13 về tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Hiện nay, Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và dự kiến lựa chọn thêm 12 địa phương để mở rộng thực hiện thí điểm.

Ngày 06/11/2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có Quyết định số 2999/QĐ-BTP công bố việc thành lập Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp với 07 Vụ và đơn vị tương đương; quyết định thành lập 63 Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh và 693 Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện (có thêm 2 Chi cục Thi hành án dân sự được thành lập mới trong năm 2012, nâng tổng số Chi cục Thi hành án dân sự trên phạm vi cả nước tính đến hết năm 2012 là 695). Các Cục Thi hành án dân sự đã được củng cố kiện toàn cơ cấu bên trong với số lượng từ 04 đến 05 Phòng (tuỳ theo quy mô tổ chức, hoạt động của từng địa phương).

Từ những nỗ lực nêu trên, có thể nói ngành Thi hành án dân sự đã lớn mạnh và “tự mình vươn ra biển lớn”. Chính vì vậy, việc đặt biểu trưng cho ngành là việc cấp thiết, khẳng định thương hiệu ngành Thi hành án dân sự trong xã hội, cho nên ý tưởng sáng tác Logo để thể hiện biểu trưng của ngành phải xuất phát từ bản sắc cốt lõi, có sự tương đồng và không mâu thuẫn với phù hiệu của ngành, biểu trưng không được trùng lắp hoặc tương tự, gây nhầm lẫn với biểu trưng, biểu tượng, hình ảnh, nhãn hiệu hoặc dấu hiệu đặc trưng của quốc gia, cơ quan, cá nhân Việt Nam hoặc các quốc gia khác trên thế giới. Biểu trưng phải có tính thẩm mỹ cao, dễ nhớ, dễ nhận biết, gây ấn tượng với công chúng để nhằm từng bước trở thành một công cụ quan trọng để xây dựng thương hiệu Ngành Thi hành án dân sự trong tình hình mới.

Đinh Đức Trọng

Chi cục THADS TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận