Thay đổi mức cấp dưỡng trong quá trình tổ chức thi hành án

13/11/2013
Thi hành án về cấp dưỡng là loại án thi hành đều, phải thi hành hàng tháng, hàng năm hoặc từng đợt (tùy theo phán quyết của Tòa án), nhất là án cấp dưỡng nuôi con, có vụ phải thi hành 18 năm hoặc lâu hơn nữa. Với khoảng thời gian như vậy, tất nhiên mọi thứ đều thay đổi theo thời gian, Để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người được cấp dưỡng, người được thi hành án yêu cầu Tòa án thay đổi mức cấp dưỡng.


Khi Tòa án có quyết định thay đổi mức cấp dưỡng và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án. Đối với trường hợp này, cơ quan Thi hành án dân sự căn cứ vào qui định nào để tổ chức thi hành. Điều này, những người làm công tác thi hành án dân sự còn nhiều tranh luận.

Ví dụ, trước đó cơ quan Thi hành án dân sự đã đưa quyết định cấp dưỡng nuôi con ra thi hành với mức cấp dưỡng 500.000đ/tháng/con cho đến khi con trưởng thành 18 tuổi, tự lập được. Đã thi hành được hơn 5 năm, nay nhận được quyết định của Tòa án thay đổi mức cấp dưỡng, mức cấp dưỡng tăng lên 1.500.000đ/tháng/con. Cơ quan Thi hành án dân sự phải xử lý thế nào cho đúng pháp luật qui định, để tổ chức thi hành quyết định thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con theo đơn yêu cầu của người được thi hành án?

Quan điểm thứ nhất: Cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án trước đó, cho vào hồ sơ, tiếp tục tổ chức thi hành.

Quan điểm thứ hai cho rằng, quyết định thay đổi mức cấp dưỡng của Tòa án lần sau, đã thay thế cho quyết định lần trước. Vì thế phải đình chỉ việc thi hành án trước. Căn cứ vào đơn yêu cầu thi hành án và quyết định của Tòa án ra quyết định thi hành án, thụ lý mới và tổ chức thi hành.

Quan điểm thứ ba cho rằng hai quan điểm nêu trên chưa ổn, không khéo Viện Kiểm sát kháng nghị. Theo quan điểm này, cần phải thu hồi quyết định thi hành án trước, rồi ra quyết định thi hành án theo quyết định của Tòa án lần sau, cho vào hồ sơ tiếp tục tổ chức thi hành là chuẩn.

Các quan điểm đưa ra tôi thấy thú vị, gợi lên nhiều điều cần suy nghĩ. Ở đây, ví dụ đưa ra quyết định của Tòa án về cấp dưỡng nuôi con 500.000đ/tháng/con đã được đưa ra thi hành hơn 5 năm. Nay Tòa án có quyết định thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con 1.500.000đ/tháng/con, cần phải thi hành án theo đơn yêu cầu của người được thi hành án, để đảm bảo quyền lợi của người được thụ hưởng theo qui định của pháp luật. Ba quan điểm nêu trên, khi ra quyết thu hồi hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc đình chỉ thi hành án đều phải căn cứ qui định của pháp luật.

Nếu ra quyết định đình chỉ thi hành án, đối với trường hợp này không thuộc một trong các trường hợp qui định tại Khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự. Nên quan điểm này đưa ra không có căn cứ. Đối với quan điểm ra quyết định "sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án" thì không phù hợp với Khoản 2 Điều 37 Luật Thi hành án dân sự. Bởi, điều luật này qui định chỉ được ra quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án "trong trường hợp quyết định về thi hành án có sai sót mà không làm thay đổi nội dung vụ việc thi hành án", ở đây quyết định về thi hành án không có sai sót nên không thể áp dụng điều luật này. Còn "ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án" như quan điểm thứ ba, có thể căn cứ điểm c Khoản 1 Điều 37 ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án, để "gỡ bí" cho cơ quan Thi hành án dân sự. Điểm c điều luật này qui định: "Căn cứ ra quyết định về thi hành án không còn". Rõ ràng, quyết định thi hành án đối với khoản cấp dưỡng 500.000đ/tháng, đã bị quyết định của Tòa án thay đổi mức cấp dưỡng 1.500.000đ/tháng thay thế. Người được thi hành án cùng một đối tượng. Nên việc thi hành khoản cấp dưỡng 500.000đ/tháng không còn căn cứ. Vì vậy, ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án, đồng thời ra quyết định thi hành án theo quyết định thay đổi mức cấp dưỡng của Tòa án để tiếp tục tổ chức thi hành là phù hợp điểm c Khoản 1 Điều 37 Luật Thi hành án dân sự.

Tuy nhiên, chúng tôi còn boăn khoăn khi áp dụng điều luật này, bởi chưa có văn bản nào hướng dẫn, giải thích điều này. Điều luật "Căn cứ ra quyết định về thi hành án không còn", tức là không còn căn cứ, vẫn ra quyết định thi hành án, nên phải thu hồi. Ở ví dụ này, ra quyết định có căn cứ (theo quyết định của Tòa án tiền cấp dưỡng 500.000đ/tháng), vậy áp dụng điều luật này để thu hồi quyết định thi hành án có đúng?

Hiện nay, Luật Thi hành án dân sự cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành luật này, chưa có điều, khoản nào hướng dẫn thi hành án cấp dưỡng, đã được Tòa án quyết định thay đổi mức cấp dưỡng trong quá trình tổ chức thi hành án. Trong khi đó, thực tiễn thi hành án, trường hợp này thường hay gặp.

Rất mong nhận được trao đổi của những người làm công tác thi hành án dân sự, cùng độc giả. Đặc biệt, cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan Thi hành án dân sự thực thi nhiệm vụ đúng qui định của pháp luật.

Phạm Công Ý

Cục THADS tỉnh Kon Tum