Đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội - Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự chủ trì phiên họp với sự tham gia của đồng chí Lê Quang Tiến, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và các Ủy viên Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội; mời dự phiên họp còn có Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân thành phố; Tòa án nhân dân thành phố, Mặt trận tổ quốc thành phố Hà Nội và các đồng chí Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội.
Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội luôn phát huy tốt vai trò chỉ đạo, tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn; chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Cục Thi hành án dân sự thành phố. Trong chỉ đạo, đã có sự đổi mới theo hướng sâu sát, cụ thể, kịp thời chỉ đạo, phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, do đó tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác thi hành án dân sự. Hầu hết các thành viên Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố đã thực hiện tốt các nhiệm vụ theo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Mới đây, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã được kịp thời kiện toàn theo Quyết định số 3127/QĐ-UBND ngày 11/6/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Kết quả, trong 08 tháng đầu năm 2014 (từ 01/10/2013 đến 31/5/2014), các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã thụ lý 28.153 việc, tăng 1.924 việc (7%) so với cùng kỳ năm 2013. Qua phân loại có 21.261 việc có điều kiện thi hành (chiếm 76%), 6.892 việc chưa có điều kiện thi hành (chiếm 24%). Trong số việc có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 13.390 việc, đạt tỷ lệ 63%.
Tổng số tiền thụ lý là 6.717.122.668.000 đồng, tăng 3.193.326.139.000 đồng (91%) so với cùng kỳ năm 2013. Qua phân loại có 6.048.450.977.000 đồng có điều kiện thi hành (chiếm 90%), số tiền chưa có điều kiện thi hành là 668.671.691.000 đồng (chiếm 10%). Trong số tiền có điều kiện thi hành, đã thi hành được 1.339.505.277.000 đồng, đạt tỷ lệ 22%.
So với chỉ tiêu được Tổng cục giao thì, kết quả thi hành án của toàn thành phố tính đến 30/5/2014 đạt được còn thấp, toàn thành phố còn thiếu 25% về việc (chỉ tiêu được giao là 88%), 55% về tiền (chỉ tiêu được giao là 77%) và hiện tại chỉ tiêu giảm án tồn đọng đang tăng 50% so với số việc năm 2013 chuyển sang năm 2014, một số vụ việc phức tạp, tiến độ tổ chức thi hành án còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu chính trị của Ngành và địa phương.
Bàn về nhiệm vụ, giải pháp trong 04 tháng cuối năm 2014, các đại biểu đều nhất trí cho rằng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội cần tiếp tục tham mưu giúp Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan, tổ chức hữu quan với cơ quan Thi hành án dân sự trong việc tổ chức thi hành án và tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự đối với các vụ án khó khăn phức tạp; chỉ đạo Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các quận, huyện, thị xã bám sát nhiệm vụ của Ngành và địa phương, tiếp tục tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo việc tổ chức phối hợp giữa các cơ quan có hiệu quả trong tổ chức thi hành án. Đặc biệt, những vụ án khó khăn phức tạp, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố cần tổ chức các phiên họp theo Quy chế của Ban Chỉ đạo để nghe Cục Thi hành án dân sự thành phố báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự năm 2014 và cho ý kiến về việc tổ chức thi hành án những vụ việc phức tạp thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục hoặc những vụ việc của Ban Chỉ đạo Thi hành án các quận, huyện, thị xã xin ý kiến chỉ đạo.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội cũng đã cho ý kiến chỉ đạo đối với 05 vụ còn tồn đọng, vướng mắc khi tổ chức thi hành án và 07 vụ việc tồn đọng do chưa có phương án bảo vệ cưỡng chế thi hành án.
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự ghi nhận sự nỗ lực và kết quả chỉ đạo công tác thi hành án dân sự của các thành viên Ban Chỉ đạo. Để thực hiện có hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong 04 tháng cuối năm 2014, đồng chí đề nghị Ban Chỉ đạo cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đối tượng phải thi hành án dân sự; tiếp tục kiện toàn, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp thành phố gắn với kiểm tra hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án cấp huyện; đề cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng theo từng lĩnh vực phụ trách; các Sở, Ngành là thành viên Ban Chỉ đạo cần tích cực tham gia, chủ động trong công tác phối hợp thi hành án dân sự nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị chung trên địa bàn thành phố; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao, hiệu quả hoạt động của công tác thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đàm Thị Kiều Oanh