Các hoạt động nghiệp vụ trong tổ chức thi hành án của chấp hành viên luôn tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các đương sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, trong đó có không ít người đang phải chấp hành án phạt giam trong các Trại giam, Trại tạm giam (gọi chung là Trại giam). Trong suốt một thời gian dài, các cơ quan Thi hành án dân sự và chấp hành viên gặp nhiều vướng mắc trong việc tổ chức thi hành án phần trách nhiệm dân sự đối với những người đang chấp hành án phạt trong các Trại giam đó là: Không xác định được người phải thi hành án đang chấp hành án phạt giam tại Trại giam nào để thực hiện việc tống đạt các thủ tục thi hành án phần trách nhiệm dân sự; trình tự, thủ tục trong việc giao trả tiền, giấy tờ cho người được thi hành án dân sự là phạm nhân đang chấp hành án trong trại giam. Vì vậy, các chấp hành viên tự vận dụng để thực hiện không theo một trình tự thủ tục chung, dẫn đến phát sinh nhiều vướng mắc bất cập không chỉ từ phía cơ quan Thi hành án dân sự mà còn liên quan đến các Trại giam trong việc phối hợi với cơ quan Thi hành án dân sự.
Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của cơ quan Thi hành án dân sự và các Trại giam trong việc phối hợp thi hành án dân sự, ngày 06/02/2013 Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT/BTP-BCA-BTC hướng dẫn trình tự, thủ tục thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải thi hành án dân sự và trả tiền, giấy tờ cho người được thi hành án dân sự là phạm nhân (Thông tư số 07/2013/TTLT/BTP-BCA-BTC), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/04/2013 qui định rõ trách nhiệm của các Trại giam, các cơ quan Thi hành án dân sự trong việc phối hợp thi hành phần quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự.
Qua công tác theo dõi sau gần một năm thực hiện Thông tư, thấy rằng nhiều cơ quan Thi hành án dân sự chưa nhận thức đầy đủ mục đích, yêu cầu và hiệu quả mà Thông tư số 07/2013/TTLT/BTP-BCA-BTC mang lại, do đó chưa chú trọng triển khai và tổ chức thực hiện đầy đủ, toàn diện Thông tư từ Cục Thi hành án dân sự đến các Chi cục và chấp hành viên. Vì vậy các chấp hành viên không thực hiện đúng và đầy đủ các qui định về thủ tục thi hành án đối với đương sự là phạm nhân đang chấp hành án phạt tại các Trại giam, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả công tác thi hành án dân sự chưa được như mong muốn, xin nêu một số dẫn chứng từ ngày Thông tư số 07/2013/TTLT/BTP-BCA-BTC có hiệu lực đến ngày 07/05/2014 như sau:
Trại giam Xuân Lộc đã gửi 1.156 thông báo nơi chấp hành án phạt tù của phạm nhân cho các cơ quan Thi hành án dân sự nhưng chỉ nhận được 67 Quyết định thi hành án của các cơ quan Thi hành án dân sự gửi đến Trại giam để tống đạt cho các phạm nhân; Trại giam đã thu được của phạm nhân hoặc thân nhân của phạm nhân nộp thay số tiền 1.776.573.995 đồng, đã chuyển cho các cơ quan Thi hành án dân sự 1.362.263.151 đồng, hiện còn tồn 414.186.227 đồng do trại chưa nhận được trả lời hoặc phối hợp từ phía cơ quan Thi hành án dân sự.
Trại giam A2 đã gửi 511 thông báo nơi chấp hành án phạt tù của phạm nhân cho các cơ quan Thi hành án dân sự, nhưng chỉ nhận được 13 Quyết định, thông báo của các cơ quan Thi hành án dân sự gửi đến trại để tống đạt cho phạm nhân. Trại giam đã thu được của phạm nhân hoặc thân nhân của phạm nhân số tiền 260.271.385 đồng, đã chuyển cho các cơ quan Thi hành án dân sự 191.504.300 đồng, hiện còn tồn 68.767.085 đồng. Trại giam đã thông báo cho các cơ quan Thi hành án dân sự nhưng chưa đến nhận hoặc có văn bản phối hợp để xử lý số tiền Trại giam đã thu được theo qui định.
Qua hai dẫn chứng nêu trên có thể thấy rằng các cơ quan Thi hành án dân sự trong Khu vực phía Nam chưa chủ động phối hợp với các trại giam để triển khai thực hiện Thông tư số 07/2013/TTLT/BTP-BCA-BTC. Khi nhận được thông báo nơi chấp hành án phạt tù của phạm nhân, cơ quan Thi hành án dân sự chưa thực hiện đúng qui định dẫn đến khó khăn cho các Trại giam trong việc nắm bắt thông tin về kết quả thi hành án dân sự của phạm nhân cũng như việc thu và chuyển tiền thi hành án đã thu được cho cơ quan Thi hành án dân sự, không chuyển quyết định thi hành án cho Trại giam, không tích cực phối hợp với Trại giam trong việc thi hành án dân sự, nhất là phối hợp trong việc tiếp nhận các khoản tiền thi hành án do trại giam đã thu được dẫn đến tồn đọng khoản tiền khá lớn, chỉ tính riêng hai Trại giam Xuân Lộc và Trại giam A2 đã tồn đọng gần 500.000.000 đồng. Trong khi chấp hành viên phải đi lại xác minh nhiều lần, tốn nhiều thời gian công sức và chi phí nhưng không hiệu quả.
Thông tư số 07/2013/TTLT/BTP-BCA-BTC hướng dẫn trình tự, thủ tục thi hành án dân sự đối với phạn nhân đang chấp hành án phạt giam trong các Trại giam nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho cơ quan Thi hành án dân sự, đồng thời tăng cường sự phối hợp trách nhiệm của các Trại giam, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Chính vì vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới, cùng nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó các cơ quan Thi hành án dân sự cần triển khai đầy đủ toàn diện Thông tư số 07/2013/TTLT/BTP-BCA-BTC đến các chấp hành viên, Thủ trưởng các cơ quan Thi hành án dân sự phải chủ động phối hợp với các Trại giam trong việc thi hành án đối với các đương sự đang chấp hành án phạt tù, đồng thời chỉ đạo cho các chấp hành viên thực hiện nghiêm các qui định của Thông tư. Khi có khó khăn vướng mắc phát sinh phải kịp thời phản ánh kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét giải quyết. Việc nhận thức đầy đủ và triển khai thực hiện tốt Thông tư số 07/2013/TTLT/BTP-BCA-BTC sẽ góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, giảm tải công việc cho chấp hành viên.
Trần Hoài Phú
Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam