Trên cơ sở chỉ đạo của Tổng Cục Thi hành án dân sự, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang có kế hoạch chỉ đạo các Chi cục trực thuộc có hành động cụ thể để hưởng ứng phong trào nói trên, kết hợp với phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức, góp phần xây dựng nông thôn mới”
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành, Kiên Giang đề ra Kế hoạch với nhiều nội dung để thực hiện nhiệm vụ như: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về quá trình hình thành và phát triển của Ngành Tư pháp, truyền thống Thi hành án dân sự trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tuân thủ nghiêm các quy định về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự; nâng cao chất lượng phân loại án, bảo đảm chính xác, đúng pháp luật, tuyên truyền Luật Thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành tới cán bộ, công chức và nhân dân để nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác thi hành án dân sự… Đặc biệt chú trọng việc phối hợp cùng cấp Ủy, chính quyền địa phương tham gia tích cực công tác giáo dục, thuyết phục trong thi hành án dân sự.
Từ yêu cầu nhiệm vụ nói trên, Chi cục Thi hành án dân sự huyện lập danh sách những đương sự phải thi hành án từng địa bàn, niêm yết công khai tại Ủy ban nhân dân ấp, xã; phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, họp trao đổi ý kiến và xác định những khó khăn vướng mắc của từng vụ án để định hướng giải quyết, qua làm việc cho thấy còn tồn nhiều việc thuộc loại án dân sự trong hình sự, thời gian thụ lý đã lâu nhưng vẫn tồn đọng, có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là nhận thức về pháp luật nói chung về quy định nghĩa vụ của người phải thi hành án nói riêng của nhiều đương sự rất hạn chế, đặc biệt là những người bị kết án trong vụ án hình sự, phần nhiều cho rằng sau khi thi hành án phạt tù xong là không phải nộp các khoản như tiền phạt, án phí…. Do đó, loại án này tồn đọng, kéo dài, tốn nhiều công sức, tiền của, thời gian xác minh, mời gọi, ảnh hưởng tiến độ thi hành án của đơn vị.
Để tháo gỡ vướng mắc nói trên, Chi cục Thi hành án huyện đã tranh thủ sự chỉ đạo của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện và sự phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân huyện kịp thời giải quyết ngay những vụ án vướng mắc tại địa phương, mà không phải chuyển lên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh.
Chi cục Thi hành án huyện tổ chức ký kết văn bản phối hợp với các Ban, Ngành của địa phương để phát động phong trào thi đua rộng rãi đến mọi tầng lớp cán bộ, nhân dân, vận động thuyết phục đương sự kết hợp việc giáo dục chính sách pháp luật cho nhân dân, thông qua việc triệu tập đương sự đến tại trụ sở Ủy ban nhân dân để giải thích chính sách pháp luật, ví dụ:
Đối với người phải thi hành án đang có mặt tại địa phương, có điều kiện thi hành nhưng không chấp hành pháp luật, Ủy ban nhân dân xã mời đến làm việc công khai có sự chứng kiến của nhiều Ban, Ngành, đoàn thể địa phương, đọc và giải thích nội dung bản án của Tòa án, đồng thời giải thích nghĩa vụ phải thi hành án đặc biệt phân tích quy định về xóa án tích theo Bộ Luật hình sự; ví dụ: Điều 63. Xoá án tích “…Người được xoá án tích coi như chưa bị kết án…” Điều 67. Cách tính thời hạn để xoá án tích “…Việc chấp hành xong bản án bao gồm việc chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án.”.
Đối với những người có thân nhân nước ngoài, đã làm hộ chiếu để sau này xuất cảnh, được giải thích quy định về xuất nhập cảnh, ví dụ Nghị định 136/2007/NĐ-CP ngày 17/08/2007 của Chính Phủ quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Điều 21. “Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây: ... Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự…Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế…”
Đối với những người đang chấp hành hình phạt tù trong trại giam, mời thân nhân đến giải thích quy định về xét miễn giảm chấp hành hình phạt tù cho thân thân hiểu, tự nguyện thực hiện nghĩa vụ nộp những khoản như án phí, phạt tiền…thay cho người phải thi hành án, kết quả được Chi cục Thi hành án xác nhận gửi đến trại giam nơi người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù, làm căn cứ xem xét miễn, giảm theo quy định.
Cách làm như trên vừa trực tiếp giải thích thuyết phục đối với người phải thi hành án, thân nhân người phải thi hành án để họ thi hành nghĩa vụ, để được xóa án tích, hưởng quyền xét miễn, giảm hình phạt tù theo quy định, được xuất cảnh khi cần thiết… và tuyên truyền hiệu quả đến nhiều đối tượng khác nhau, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân dân, có nhiều trường hợp sau khi niêm yết danh sách các vụ án, đương sự nghe thông tin qua dư luận nhân dân nên đã nhanh chóng nộp tiền để được xóa tên khỏi danh sách…
Từ những hành động thiết thực, phong trào thi đua nói trên đã đi vào cuộc sống, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao, vì vậy Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành, Kiên Giang đã đạt được kết quả tích cực, đến nay đã giải quyết xóa thụ lý được 750 việc, đạt tỷ lệ 70% thu được trên 40 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 60% (tăng so cùng kỳ năm 2013 là 27 tỷ đồng) và đồng thời góp phần với địa phương nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, tích cực hòa giải thành các vụ tranh chấp về dân sự để giảm lượng vụ việc phải chuyển cho Tòa án giải quyết (góp phần giảm vụ việc thụ lý trong thi hành án dân sự).
Kết quả cho thấy phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945-28/8/2015) được các cấp, các ngành, chính quyền và nhân dân ủng hộ và là động lực thúc đẩy sự thành công trong công tác thi hành án dân sự góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Ngành Tư pháp Việt Nam.
Nguyễn Đức Thịnh
Chi cục THADS huyện Châu Thành, Kiên Giang