Khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu thi hành án dân sự

08/08/2014
Ngày 23/11/2012, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 37/2012/QH13 về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, của Tòa án nhân dân tối cao và công tác thi hành án, đây là lần đầu tiên Quốc hội giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các cơ quan Tư pháp, trong đó có cơ quan Thi hành án dân sự. Có thể nói việc thực hiện các chỉ tiêu thi hành án được xem là thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan Thi hành án dân sự, cho nên trong thời gian qua, Tổng cục Thi hành án dân sự đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, với quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu do Quốc hội giao.


Trong thực tế triển khai thực hiện chỉ tiêu, đặt ra giả thuyết là cơ quan Thi hành án dân sự đã thực tốt các chỉ tiêu: “Ra quyết định đúng thời hạn đối với 100% bản án, quyết định về dân sự theo đúng quy định pháp luật”, “Bảo đảm chính xác, đúng pháp luật trong việc xác minh, phân loại việc, tiền có điều kiện, chưa có điều kiện giải quyết” và “Cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án”, thì việc thực hiện các chỉ tiêu còn lại do Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự giao tại cơ sở vẫn còn gặp không ít khó khăn, cụ thể:

Nhiều vụ việc “Có điều kiện giải quyết” nhưng vẫn chưa thi hành dứt điểm

Năm 2014, để thực hiện đạt các chỉ tiêu được giao, cơ quan Thi hành án dân sự phải giải quyết xong 88% số việc có điều kiện giải quyết trở lên và 77% số tiền có điều kiện giải quyết trở lên. Theo quy định, việc có điều kiện giải quyết là việc mà người phải thi hành án có tài sản hoặc có đủ điều kiện để thực hiện nghĩa vụ về hành vi theo nội dung bản án, quyết định hoặc có căn cứ để áp dụng các biện pháp đình chỉ, trả đơn, miễn, giảm hoặc ủy thác thi hành án. Khó khăn đầu tiên và cũng được nhiều cơ quan Thi hành án dân sự nhắc đến trong báo cáo đánh giá kết quả công tác của địa phương mình là tài sản đảm bảo cho việc thi hành án đã được kê biên, thẩm định giá, nhưng khi tổ chức bán đấu giá dù đã giảm giá nhiều lần vẫn không có người mua. Trong bối cảnh tình hình kinh tế chưa có chuyển biến mạnh, thị trường bất động sản kém sôi động, môi trường kinh doanh khó khăn như hiện nay, thì những trường hợp như vậy khá phổ biến làm ảnh hưởng không nhỏ đến giải quyết các vụ việc, đã có rất nhiều trường hợp tài sản kê biên, giảm giá liên tục đến lần thứ 08 vẫn không có tổ chức, cá nhân nào đăng ký tham gia đấu giá, chính vì vậy đã làm cho vụ việc kéo dài, tồn đọng từ năm này sang năm khác, gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ tiêu thi hành án dân sự, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của chấp hành viên nói riêng của của đơn vị nói chung.

Thời gian để thực hiện các trình tự thủ tục của một số vụ việc đòi hỏi phải mất nhiều thời gian, như: Các vụ việc liên quan đến đất đai, nhà cửa (chia phần thừa kế, đòi lại nhà cho ở nhờ,...); vụ việc đương sự cố tình chây ỳ bằng cách khiếu nại kéo dài,... Trong khi đó để thực hiện đạt chỉ tiêu giải quyết xong đối với việc có điều kiện giải quyết, thời gian cho phép chỉ là không quá một năm, chưa kể đến việc thụ lý các hồ sơ này vào quý cuối cùng của năm công tác thì chắc chắn không thể giải quyết xong đối với các vụ việc thuộc dạng này.

Giảm việc chuyển kỳ sau, một chỉ tiêu khó thực hiện

Chỉ tiêu giảm việc chuyển kỳ sau được xem là công cụ quản lý vĩ mô của cơ quan Thi hành án dân sự, với mục đích chính là đưa các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được thi hành xong trên thực tế, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Theo tính toán số học, nếu luôn thực hiện đạt chỉ tiêu này thì ở tại một thời điểm nào đó tổng số vụ việc phải giải quyết bằng không, tuy vậy để thực hiện được điều này còn gặp rất nhiều khó khăn.

Trở lại với quy định hiện hành, việc chưa có điều kiện giải quyết là việc mà người phải thi hành án chưa có tiền, tài sản, thu nhập và các điều kiện khác để thi hành án hoặc có tài sản, nhưng tài sản có giá trị quá nhỏ, không đủ chi phí cưỡng chế thi hành án, tài sản thuộc diện không được kê biên hoặc theo quy định của pháp luật, cơ quan Thi hành án dân sự phải ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ việc thi hành án. Hay nói cách khác, việc chưa có điều kiện giải quyết là việc không giải quyết được trong kỳ báo cáo. Từ đó chúng ta thấy rõ ràng rằng, nếu số việc chưa có điều kiện giải quyết của kỳ báo cáo lớn hơn số việc năm trước chuyển sang thì cơ quan Thi hành án dân sự không thể thực hiện đạt chỉ tiêu giảm việc chuyển kỳ sau.

Thực tế ở một số cơ quan Thi hành án dân sự có số việc năm trước chuyển sang từ 01 đến 02 việc (thường xảy ra ở các địa phương có tổng thụ lý thấp), thì đòi hỏi phải tổ chức dứt điểm tất cả các hồ sơ thụ lý trong năm khi đó mới thực hiện đạt chỉ tiêu giảm việc chuyển kỳ sau.

Trên đây chỉ là một số khó khăn nhất định, bên cạnh đó còn nhiều vướng mắc khác trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu thi hành án của ngành. Nhưng chúng ta tin tưởng rằng với sự nỗ lực, phấn đấu của cán bộ, công chức, người lao động, sự quyết tâm của các đơn vị trong cơ quan Thi hành án dân sự, có thể khẳng định công tác thi hành án dân sự sẽ ngày một đạt hiệu quả cao hơn, qua đó đáp ứng được sự kỳ vọng, giao phó của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân cả nước.

Lê Ngọc Anh

Văn phòng Cục THADS tỉnh Thừa Thiên Huế