Hội nghị đã nghe đồng chí Phạm Văn Lãnh, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh báo cáo kết quả công tác chỉ đạo thi hành án dân sự 06 tháng đầu năm 2014, phương hướng nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2014.
06 tháng đầu năm 2014, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như: Số lượng án và tiền thụ lý mới tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2013, trong khi biên chế không tăng, kinh phí cho hoạt động thi hành án dân sự bị cắt giảm; điều kiện kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thi hành án của người phải thi hành án…Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự; của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương; sự phối hợp của các cơ quan, Ban, Ngành, đoàn thể các cấp; đặc biệt, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện đối với những vụ án có vướng mắc, khó thi hành nên kết quả thi hành án dân sự đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế của tỉnh nhà, cụ thể, từ 01/10/2013 đến 30/6/2014, toàn tỉnh đã thi hành xong 1.787 việc (đạt tỷ lệ 78%) với số tiền đã giải quyết xong 47.744.510.000 đồng (đạt tỷ lệ 46,3%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi hành án dân sự vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ thi hành án đạt được so với chỉ tiêu được giao còn thấp, toàn tỉnh còn thiếu 14% về việc (chỉ tiêu được giao 92%), 36% về tiền (chỉ tiêu được giao 82%), nhất là chỉ tiêu giảm án tồn đọng còn khoảng cách khá xa so với chỉ tiêu được giao; số việc và tiền chuyển kỳ sau tăng cao; một số vụ án lớn, có tính chất phức tạp, kéo dài chưa được tập trung giải quyết dứt điểm, mặc dù đã được chỉ đạo, hướng dẫn như: Vụ Ủy ban nhân dân xã Hóa Tiến, vụ Sở Văn hóa thông tin, vụ ông Trần Văn Dũng bà Trần Thị Tư...kết quả thi hành án các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng còn thấp,…
Bàn về phương hướng, nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2014, hầu hết các đại biểu đều nhất trí cho rằng cơ quan Thi hành án dân sự cần tập trung đẩy nhanh tiến độ rà soát, phân loại án; lập danh sách cụ thể các vụ việc có điều kiện thi hành, có giá trị lớn, phức tạp, vướng mắc, trên cơ sở đó, tập trung chỉ đạo thật sát sao, có các biện pháp cụ thể giải quyết phù hợp để thi hành án đạt kết quả. Đối với những vụ có giá trị thi hành lớn, phức tạp, tài sản thi hành án ở nhiều địa bàn kịp thời báo cáo với Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cùng cấp và cơ quan Thi hành án dân sự cấp trên những vướng mắc phát sinh để được chỉ đạo giải quyết dứt điểm; các cơ quan, đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ, lĩnh vực được giao; tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác thi hành án dân sự theo lĩnh vực, địa bàn được phân công ...
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh – Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan Thi hành án và các thành viên Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh trong thời gian qua. Bên cạnh đó, đồng chí nhấn mạnh trong những tháng còn lại của năm 2014, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh tăng cường chỉ đạo Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt Luật Thi hành án dân sự, Nghị quyết của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn thi hành; Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 09/02/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự trên địa bàn; đồng thời, đồng chí cũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo cần nỗ lực, quan tâm thực hiện tốt công tác tham mưu, đề xuất các giải pháp với Ban Chỉ đạo trong việc cho ý kiến, chỉ đạo tổ chức thi hành án đối với những vụ việc nổi cộm, khó thi hành, dây dưa kéo dài, nhất là các vụ án lớn, phức tạp ảnh hưởng đến an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội ở địa phương; Cục và các Chi cục tập trung mọi nguồn lực cho việc tổ chức thi hành án dân sự ở cơ sở, tăng cường giáo dục thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án, đồng thời, cương quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với những vụ án có điều kiện thi hành nhưng đương sự không tự nguyện thi hành, nhất là đối với những vụ án liên quan đến tín dụng, ngân hàng, tranh chấp đất đai, án có giá trị phải thi hành lớn... nhằm đẩy nhanh kết quả thi hành án, phấn đấu cuối năm đạt và vượt chỉ tiêu được giao, tiếp tục góp phần thiết thực vào việc giữ vững an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế của tỉnh nhà năm 2014 và những năm tiếp theo.
Quang Thành
Cục THADS Quảng Bình