Thi hành án dân sự Bình Định tổng kết thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự: nhiều bản án, quyết định đương sự không yêu cầu thi hành án

19/09/2014
Bộ luật Tố tụng dân sự được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào ngày 15/6/2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2005 và đã được sửa đổi, bổ sung một số Điều theo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2011, có hiệu lực từ 01/01/2012. Sau gần 10 năm thực hiện luật, nhất là các qui định tại Phần thứ bảy của Bộ luật (những qui định liên quan đến thi hành án dân sự), các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã tổ chức thi hành đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các bản án, quyết định của tòa án chuyển giao và đương sự yêu cầu được tổ chức thi hành kịp thời, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục qui định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, các tổ chức và mọi công dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần trao đổi để có thể đánh giá đầy đủ hơn.

Nhiều bản án, quyết định đương sự không yêu cầu thi hành án

Theo thống kê của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, từ năm 2005 đến 30/6/2014, Tòa án 2 cấp của tỉnh đã chuyển giao cho cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh: 23.790 bản án, quyết định (để chủ động ra Quyết định Thi hành án dân sự) và cũng trong thời điểm này, người được thi hành án, người phải thi hành án chỉ yêu cầu Thi hành án dân sự đối với 14.436 bản án, quyết định của tòa án. Từ số liệu trên cho thấy, trong giai đoạn này còn có: 9.354 bản án, quyết định đương sự không yêu cầu thi hành án. Như vậy, sau khi có bản án, quyết của tòa án, người được thi hành án, người phải thi hành án không yêu cầu thi hành án dân sự là rất lớn, chiếm tỷ lệ 40% trong tổng số bản án, quyết định tòa án chuyển giao. Điều này cho thấy, sau khi có bản án, quyết định của tòa án, đương sự vẫn tự thỏa thuận và tự định đoạt về quyền, nghĩa vụ của mình đã được tòa án tuyên trong bản án, quyết định, như: cho nợ, xóa nợ, giảm, giãn nợ, hoãn, kéo dài việc thực hiện nghĩa vụ hoặc có thể thỏa thuận tự thực hiện mà không yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự thi hành án.

Kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhiều lần trong một vụ việc

Việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhiều lần, xét xử qua nhiều cấp và kéo dài nhiều năm trong một vụ việc còn xảy ra, mà mỗi cấp xét xử lại có kết quả trái ngược nhau, gây bức xúc trong xã hội. Khó khăn và phức tạp nhất trong thi hành án về việc này là cơ quan Thi hành án dân sự đã tổ chức thi hành xong bản án, quyết định thì sau đó phải tổ chức thi hành những quyết định trái ngược với kết quả đã thi hành trước đó. Trên thực tế, đương sự đã phản ứng và chống đối quyết liệt, đến cùng đối với việc thi hành các quyết định này. Đáng nói hơn, nhiều vụ việc bị kháng nghị nhiều lần, đến nay đã kéo dài hơn 10 năm nhưng vẫn chưa giải quyết xong, điều này đang làm cho niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật bị xói mòn.

Để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, tạo niềm tin của người dân đối với đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, mà trực tiếp là các cơ quan bảo vệ pháp luật, đề nghị sửa đổi Bộ luật lần này cần khắc phục những vấn đề trên, như: qui định thời hạn kháng nghị, hoặc số lần kháng nghị, tránh việc kháng nghị nhiều lần, kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự; đồng thời qui định trách nhiệm vật chất cụ thể đối với người có lỗi trong trường hợp này, các chi phí phải tổ chức thi hành án trở lại, người có lỗi phải bồi hoàn, không để ngân sách nhà nước gánh chịu.

                                                                                                                                   Công Hoàng