Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 08/8/2014 của Tỉnh ủy Thái Bình về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác Thi hành án dân sự

29/09/2014
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 08 tháng 8 năm 2014 của Tỉnh ủy Thái Bình về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác Thi hành án dân sự. Ngày 25 tháng 9 năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành Văn bản số 2915/UBND-NC với các nội dung:


1. Các Sở, ban, ngành trực thuộc, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo theo chức năng nhiệm vụ của mình đối với công tác Thi hành án dân sự, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự đến các cán bộ, công chức và nhân dân để có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về công tác Thi hành án dân sự. Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong công tác thi hành án. Quan tâm hỗ trợ phối hợp hoạt động thi hành án, hoạt động nghiệp vụ và tuyên truyền phổ biến pháp luật về thi hành án, tạo điều kiện cho các cơ quan Thi hành án dân sự hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

2. Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các Chi cục Thi hành án dân sự huyện, thành phố tập trung tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương chỉ đạo cụ thể đối với công tác Thi hành án dân sự nhằm hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Đồng thời, phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU của Tỉnh ủy; coi trọng biện pháp động viên, giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành; tích cực đôn đốc, xác minh, phân loại và lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án theo quy định pháp luật; kiên quyết tổ chức cưỡng chế thi hành án đối với những trường hợp có điều kiện nhưng cố tình chây ỳ, chống đối không tự nguyện thi hành án; triển khai có hiệu quả các đợt thi hành án cao điểm trong toàn tỉnh; duy trì chế độ tiếp công dân liên quan đến thi hành án dân sự, kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự mới phát sinh, đảm bảo đúng quy định pháp luật. Cục Thi hành án dân sự tỉnh xây dựng dự toán kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh và kinh phí hỗ trợ công tác Thi hành án dân sự gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt.

3. Các thành viên Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thi hành án dân sự trong việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, nhất là giải quyết các vụ việc thi hành án có tính chất phức tạp; tuyên truyền sâu rộng các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác Thi hành án dân sự.

4. Sở Tài chính thẩm định dự toán kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh và kinh phí hỗ trợ công tác Thi hành án dân sự trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

5. Đề nghị ngành Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an tỉnh: Phối hợp tốt với cơ quan Thi hành án dân sự kịp thời xử lý những vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án và bàn biện pháp giải quyết các vụ việc thi hành án dân sự có khó khăn, phức tạp phát sinh trong thực tiễn; phối hợp lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm các khoản phải thi hành nộp ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật; kịp thời sửa chữa, bổ sung, giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị theo yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự. Viện Kiểm sát nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn tăng cường kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án dân sự của cơ quan Thi hành án dân sự, chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án nhằm đảm bảo việc thi hành án kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật. Công an tỉnh tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc Thông tư số 03/2012/TTLT-BTP-BCA ngày 30/3/2012 của Bộ Tư pháp và Bộ Công an “quy định cụ thể việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự” và Quy chế số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân Tối cao, VKSND Tối cao “phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự”; phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thi hành án dân sự, các cơ quan, tổ chức cá nhân xây dựng phương án và bảo vệ an toàn cho các vụ cưỡng chế thi hành án dân sự; phối hợp với các ngành kiểm sát, Tòa án đưa ra xử lý trước pháp luật đối với những đối tượng bao che, cản trở, chống đối không chấp hành án.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự, công tác thi hành án dân sự tại địa phương và hỗ trợ đầu tư xây dựng, trang thiết bị cơ sở vật chất phương tiện làm việc cho các cơ quan Thi hành án dân sự tại địa phương.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh và các thành viên của Mặt trận tích cực tham gia phối hợp trong công tác thi hành án dân sự; động viên, giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; kịp thời cung cấp cho cơ quan Thi hành án dân sự những thông tin xác minh về điều kiện của người phải thi hành án; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát; kịp thời kiến nghị chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót của các cơ quan nhà nước trong công tác thi hành án dân sự.

                                                                               Nguyễn Thái Bình