Có thể thấy cùng với những giải pháp quản lý điều hành hữu hiệu khác thì việc quyết liệt triển khai chấn chỉnh kỷ cương kỷ luật hành chính đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, người lao động cơ quan Thi hành án dân sự, góp phần tạo nên sức mạnh tập thể to lớn, khả năng làm việc chuyên nghiệp, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận xuất phát từ ý thức, thái độ, tác phong nghiêm chỉnh, chuẩn mực của mỗi người. Nhờ đó ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng tầm vị thế của cơ quan Thi hành án dân sự trong thời kỳ cả nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, bước nhanh, bước mạnh, bước vững chắc vào quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Để làm được điều đó, các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương cần quán triệt, tổ chức thực hiện một cách hiệu quả, đồng bộ, nhịp nhàng, linh động, hợp lý các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan, đơn vị như sau:
Một là, quán triệt sâu rộng và triển khai có hiệu quả, thường xuyên, liên tục các văn bản chỉ đạo, điều hành của các cơ ban, Ban, Ngành cấp trên về việc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính trong cơ quan, đơn vị: Bao gồm Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp; Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước; Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg ngày 31/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; Chỉ thị số 02/CT-BTP ngày 25/3/2013 của Bộ Tư pháp về việc cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp không uống rượu, bia trong ngày làm việc; Chỉ thị số 01/CT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự; Công văn số 356/TCTHADS-TCCB ngày 13/2/2014 triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-BTP ngày 11/2/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Công văn số 1026/TCTHADS-VP ngày 16/4/2014 của Tổng Cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật đối với các cán bộ, công chức thi hành án dân sự; các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công chức, viên chức Ngành Tư pháp; chuẩn mực đạo đức chấp hành viên tới toàn thể cán bộ công chức, người lao động trong toàn cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua các văn bản chỉ đạo, các cuộc họp giao ban, các buổi sinh hoạt chính trị,… để những nội dung này dần dần được khắc sâu vào tâm trí, suy nghĩ, hành động của từng cán bộ, công chức, người lao động. Bên cạnh đó, cần thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị của cán bộ công chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tổ chức các lớp học bồi dưỡng, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, các cuộc thi viết tìm hiểu,…. ;
Hai là, phải gắn liền công tác chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính trong cơ quan, đơn vị Thi hành án dân sự với phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên cơ sở phát triển từng chuyên đề, từng nội dung trọng tâm tùy theo từng thời điểm cụ thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương sáng về tinh thần và tính tự giác, gương mẫu trong việc chấp hành tốt kỷ cương, kỷ luật mà tất cả cán bộ, công chức, người lao động cần noi theo;
Ba là, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tinh thần gương mẫu của người đứng đầu các đơn vị mà cụ thể là Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng Cục, Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện, Trưởng phòng chuyên môn trong việc thực hiện nghiêm túc việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính trong cơ quan, đơn vị chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ đó để có thể làm gương và khích lệ tinh thần tự giác chấp hành của các cán bộ, công chứ, người lao động. Đồng thời thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm với hành vi vi phạm của các cá nhân trong đơn vị và phải kiểm điểm, không được xét thi đua, khen thưởng nếu để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị vi phạm pháp luật;
Bốn là, đưa chỉ tiêu chấp hành tốt kỷ cương, kỷ luật hành chính trong cơ quan, đơn vị trở thành một chỉ tiêu cơ bản, quan trọng để bình xét thi đua khen thưởng cuối năm bên cạnh các chỉ tiêu khác để khích lệ tinh thần tự giác chấp hành, thực hiện của cán bộ, công chức, người lao động. Có hình thức tuyên dương, khen thưởng cũng như khiển trách, kỷ luật, xử phạt nghiêm minh để phát huy khả năng chấp hành kỷ cương, kỷ luật một cách tốt nhất, hiệu quả nhất;
Năm là, có biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc tại cơ quan, đơn vị: Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, người lao động, đảng viên, tăng cường giáo dục nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng và phát huy vai trò của văn hóa công sở nhằm hình thành thói quen, ý thức chấp hành của cán bộ, công chức, người lao động; từng cá nhân phải xác định nhiệm vụ của mình, thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, phấn đấu khắc phục những tồn tại, sửa chữa những khuyết điểm, làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; Lãnh đạo các bộ phận phải phân công lao động hợp lý và tổ chức tốt quá trình làm việc của cán bộ, công chức, người lao động; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể trên cơ sở nhiệm vụ được giao đồng thời phải thực sự gương mẫu để các cán bộ, công chức, người lao động noi theo; cần bảo đảm trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc phù hợp với tính chất, đặc thù công việc; thường xuyên kiểm tra chất lượng, tiến độ hoàn thành nhiệm vụ được giao của từng cán bộ, công chức, người lao động; trong sinh hoạt định kỳ của cơ quan, đơn vị cần thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế và đề ra hướng khắc phục hiệu quả theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, người lao động không chỉ đơn thuần là quản lý hành chính về mặt thời gian mà cần gắn công tác này với nâng cao chất lượng công việc, rèn luyện ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính trong cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá chất lượng, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, người lao động khách quan, sát đúng nhằm động viên, khuyến khích, đề nghị xét khen thưởng kịp thời những cán bộ, công chức làm việc có năng suất, hiệu quả cao. Đồng thời kiên quyết hạ bậc thi đua cũng như đề nghị xử lý kỷ luật dối với những cán bộ, công chức, người lao động thường xuyên vi phạm kỷ luật, kỷ cương làm việc kém hiệu quả để phát huy tác dụng răn đe kịp thời;
Sáu là, quán triệt cụ thể, rõ ràng và xử lý nghiêm minh tình trạng uống rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa; hút thuốc lá trong phòng làm việc làm ảnh hưởng đến môi trường, hiệu quả, chất lượng công tác, uy tín của cơ quan, đơn vị cũng như của cán bộ, công chức. Tổ chức cho cán bộ, công chức, người lao động trong ký bản cam kết quyết tâm thực hiện không uống rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa và không hút thuốc lá trong khuôn viên trụ sở cơ quan, đơn vị cũng như những nơi công cộng cấm hút thuốc lá để các cán bộ, công chức tự rèn luyện mình, nâng cao ý thức chấp hành và thực hiện tốt kỷ luật kỷ cương hành chính trong cơ quan, đơn vị;
Bảy là, chú trọng đến công tác phòng ngừa, không ngừng nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, công chức, người lao động, thường xuyên phối hợp với cấp ủy và các tổ chức đoàn thể trong đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội tại nơi cư trú của cán bộ công chức, người lao động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và diễn biến tâm lý của cán bộ, công chức, người lao động, kịp thời phát hiện các biểu hiện tiêu cực, sai trái, lệch lạc của cán bộ, công chức, người lao động, từ đó có biện pháp ngăn chặn, chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời; tạo môi trường làm việc công khai, minh bạch, quy tụ, xây dựng tập thể đơn vị đoàn kết, quyết tâm đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm chuẩn mực đạo đức. Kịp thời khen thưởng hoặc đề xuất khen thưởng những cá nhân tích cực đấu tranh chống tiêu cực. Kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân có hành vi vi phạm hoặc che dấu cho các hành vi vi phạm.
Tám là, thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính trong tư pháp đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính theo hướng “Một cửa, một cửa liên thông”; thường xuyên rà soát, sửa đổi bổ sung các thủ tục hành chính theo quy định, đảm bảo đơn giản về hồ sơ, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết công việc; Thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp khi đến liên hệ giải quyết công việc;
Chín là, Chú trọng công tác chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính trong cơ quan Thi hành án dân sự từ những việc cụ thể nhất như: Thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đúng quy trình về luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác; thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở; hàng năm, tiến hành kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập đối với những cán bộ, công chức nằm trong danh mục người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; chấp hành nghiêm túc quy định mặc trang phục Ngành Thi hành án dân sự, đeo bảng tên, cấp hàm đầy đủ trong giờ làm việc; luôn để điện thoại chế độ im lặng hoặc chế độ rung trong giờ làm việc, đặc biệt là khi tham gia hội họp, sinh hoạt chuyên đề; không nói chuyện, trao đổi riêng tại các buổi hội nghị, họp cơ quan để tạo nên không khí nghiêm túc; không tiếp đương sự tại phòng làm việc mà phải thực hiện hoạt động này tại phòng tiếp dân của cơ quan; thường xuyên dọn vệ sinh sạch sẽ phòng làm việc, trụ sở cơ quan, trồng và chăm sóc cây xanh, tu bổ cảnh quan môi trường xung quanh cơ quan đảm bảo đúng tiêu chuẩn xanh – sạch – đẹp, tạo nên không gian làm việc thoáng đãng, góp phần nâng cao hiệu suất làm việc cũng như tạo nên bộ mặt cho cơ quan, đơn vị; …. Chính từ những việc làm nhỏ nhất này dần dần sẽ tạo nên thói quen tốt về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cơ quan, đơn vị một cách hiệu quả nhất, cơ bản nhất.
Có thể nói việc áp dụng một cách đồng bộ, hiệu quả, có chất lượng hệ thống các giải pháp, quy trình phù hợp nhằm nâng cao kỷ cương, kỷ luật là nhiệm vụ đòi hỏi phải được quan tâm triển khai và duy trì liên tục bên cạnh tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi cả nước đang bước những bước vững chắc vào thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới thì việc hình thành văn hóa công sở đúng chuẩn mực, phát huy khả năng làm việc chuyên nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc của hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước nói chung và các cơ quan Thi hành án dân sự nói riêng càng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Phải làm sao để việc tổ chức thực thi kỷ luật kỷ cương của cơ quan Thi hành án dân sự ngày càng hướng đến những chuẩn mực chung nhất, tạo nên tiền đề, nền tảng cơ bản để có thể hoàn thành xuất sắc hơn nữa nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong giai đoạn hiện nay góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội và thực thi pháp luật một cách hiệu quả, đem lại niềm tin cho người dân vào hệ thống pháp luật Việt nam hướng tới hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Hạnh Nguyên