Tỷ lệ án có điều kiện, thi hành xong đạt cao
Năm 2014, công tác thi hành án dân sự ở Hà Tĩnh tiếp tục gặp khó khăn do lượng án tăng cao. Trong khi đó do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế phục hồi chậm nên điều kiện thi hành án của các tổ chức, cá nhân phải thi hành án giảm; thị trường bất động sản đóng băng nên nhiều tài sản thi hành án là nhà, đất kê biên không bán được. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Cục Thi hành án dân sự và sự đồng thuận quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, công chức nên kết quả thi hành án đạt được là rất đáng phấn khởi.
Tổng số việc phải thi hành án năm 2014 là là 4.400 việc, với tổng giá trị phải thi hành là 80,4 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ án có điều kiện thi hành về việc chiếm 89.9 %, về tiền chiếm 79 %. Đã thi hành án đạt tỷ lệ 95,2 % về việc (vượt chỉ tiêu 3,2 %) và 87,3 % về giá trị (vượt chỉ tiêu 6,3 %), án tồn đọng giảm 4 %. Đặc biệt có 02 đơn vị là Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vũ Quang đều thi hành đạt tỷ lệ 100% cả về việc và về tiền.
Nhiều giải pháp đã được áp dụng
Để đạt và vượt chỉ tiêu do Quốc hội, Bộ Tư pháp và Tổng Cục Thi hành án dân sự giao, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo, đôn đốc việc thi hành án quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm. Lãnh đạo và các chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự được phân công về từng địa bàn cấp huyện để chỉ đạo, đôn đốc và giải quyết vướng mắc ngay từ cơ sở. Đối với những vụ việc có khó khăn, phức tạp hoặc có giá trị thi hành lớn thì Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết. Cục Thi hành án dân sự thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tiến độ giải quyết án của từng chấp hành viên trong tỉnh. Năm 2014, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục tham mưu tăng cường vai trò của các Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự. Tất cả các vụ việc khó khăn, phức tạp và các vụ việc phải tiến hành cưỡng chế đều được đưa ra Ban Chỉ đạo thảo luận và thống nhất cách giải quyết. Tiếp tục tăng cường sự phối hợp với các cơ quan liên quan để hỗ trợ công tác thi hành án dân sự. Đặc biệt trong năm, việc phối hợp với các Tòa án nhân dân để vận động các đương sự tự nguyện bồi thường, bồi hoàn trước và trong khi xét xử đã góp phần giúp các cơ quan Thi hành án dân sự đạt kết quả cao trong công tác thi hành án dân sự.
Kiến nghị tăng cường cải cách thủ tục hành chính
Thực tiễn công tác thi hành án dân sự ở địa phương cho thấy rằng, các trình tự, thủ tục hành chính trong thi hành án dân sự hiện nay đang rất phức tạp. Hàng ngày, hàng tuần cán bộ thi hành án phải dành rất nhiều thời gian để làm các thủ tục hành chính về thi hành án dân sự, rồi còn phải thống kê, báo cáo, sổ sách, biểu mẫu… Có khi thời gian dành cho công việc này lấn át hết cả thời gian dành cho việc đi cơ sở để giải quyết án. Đặc biệt khi nghiên cứu dự thảo Thông tư về phối hợp liên ngành trong Thống kê Thi hành án dân sự, có quy định biểu mẫu thông kê phải có chữ ký của cả Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thì các chấp hành viên rất lo ngại. Vì như vậy là lại tăng thêm thủ tục hành chính, tăng thêm sự phụ thuộc của cơ quan Thi hành án dân sự vào các cơ quan khác.
Thiết nghĩ việc tăng cường cải cách hành chính trong công tác thi hành án dân sự để giúp các cơ quan Thi hành án dân sự hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay là hết sức bức thiết.
Nguyễn Cường
Cục THADS Hà Tĩnh