Cục Thi hành án dân sự Bình Dương tổ chức đối thoại giữa các cơ quan Thi hành án dân sự và Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh

14/11/2014
Thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13; Chỉ thị số16/CT-UBND ngày 14/11/2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương; Công văn số 2249/TCTHADS-NV1, ngày 24/7/2014 của Tổng cục Thi hành án dân sự về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

Ngày 29/10/2014, Cục Thi hành án dân sự đã tổ chức buổi đối thoại giữa các cơ quan Thi hành án dân sự và các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tham dự  buổi đối thoại có Lãnh đạo các Chi cục Thi hành án dân sự và Trưởng Văn phòng Thừa phát lại thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên dưới sự chủ trì ông Nguyễn Văn Lắm – Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương, đại diện Lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ - tổ chức thi hành án, Phòng Giải quyết khiếu nại tố cáo.

Hiện tỉnh Bình Dương có 04 Văn phòng Thừa phát lại đã đi vào hoạt động, gồm: Thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An và thị xã Tân Uyên, các Văn phòng Thừa phát lại đều đã thực hiện ký hợp đồng chuyển giao, tống đạt văn bản cho cơ quan Thi hành án dân sự địa phương. Tính đến nay, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã thực hiện chuyển giao 468 văn bản cho các Văn phòng Thừa phát lại thực hiện tống đạt.

Tại buổi đối thoại đại diện các Văn phòng Thừa phát lại đã nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tống đạt văn bản về thi hành án như: Một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn lạ lẫm về Thừa phát lại, do đó việc tống đạt văn bản thi hành án hết sức khó khăn; mẫu biên bản Thừa phát lại tống đạt văn bản thi hành án chưa thống nhất việc đại diện chính quyền địa phương có tham gia ký hay không; chi phí tống đạt thấp …; đại diện lãnh đạo các cơ quan Thi hành án dân sự đề nghị Văn phòng Thừa phát lại duy trì thực hiện việc tống đạt văn bản thi hành án phải có chữ ký chứng kiến của chính quyền địa phương nhằm đảm bảo tính xác thực về pháp lý của biên bản, đồng thời việc ghi chép phải đầy đủ để cơ quan Thi hành án tổ chức thi hành một cách thuận tiện….

 

Kết thúc buổi đối thoại, Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh, Lãnh đạo Cục sẽ có văn bản xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn từ cơ quan cấp trên, nhằm giải quyết những tồn tại hiện nay mà Văn phòng Thừa phát lại và các cơ quan Thi hành án dân sự còn vướng mắc trong quá trình phối hợp, góp phần thực hiện thành công thí điểm chế định Thừa phát lại theo tinh thần Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội và Chỉ thị số16/CT-UBND ngày 14/11/2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương.

Ngày 24/6/2013, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1531/QĐ-BTP về việc chọn địa phương thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, theo đó Bình Dương là một trong 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chọn mở rộng thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại; đồng thời, ngày 12/9/2013 Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2281/QĐ-BTP phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại Bình Dương”.

Theo Đề án, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 04 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập tại địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An và huyện Tân Uyên (nay là thị xã Tân Uyên), đến nay 04 Văn phòng Thừa phát lại đã đi vào hoạt động và trên địa bàn tỉnh hiện có 07 Thừa phát lại đang hành nghề tại các Văn phòng Thừa phát lại.

Huỳnh Mạnh Tiến

Văn phòng Cục THADS tỉnh Bình Dương