Tổng số hồ sơ ra quyết định hoãn, ủy thác thi hành án trong năm 2014 của toàn tỉnh là 1.202 việc, với số tiền là 23.670.963.000đ; trong đó: Hoãn thi hành án là 1.129 việc, với số tiền là 20.554.385.000đồng; uỷ thác thi hành là 73 việc, với số tiền 3.116.578.000đồng.
Việc ra quyết định hoãn, ủy thác thi hành án đảm bảo đúng với nội dung bản án, quyết định của Tòa án, căn cứ quy định của pháp luật. Thẩm quyền, thời hạn, trình tự, nội dung quyết định về thi hành án thực hiện đúng quy định của Luật Thi hành án dân sự 2008, Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ; Nghị định số 125/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ; Thông tư số 14/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 về hướng dẫn một số vấn đề thủ tục thi hành án và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự. Các hồ sơ về hoãn thi hành án, ủy thác thi hành án đều được xử lý đúng quy định về thu, chi tiền, xử lý vật chứng và tài sản trước khi ra quyết định hoãn thi hành án hoặc ủy thác thi hành án.
Hồ sơ thi hành án được xây dựng, thiết lập đầy đủ theo trình tự giải quyết việc thi hành án, đánh số bút lục, sắp xếp theo đúng quy định của Luật Thi hành án dân sự, Thông tư số 22/2011/TT-BTP ngày 02/12/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số thủ tục quản lý hành chính trong thi hành án dân sự. Các văn bản, giấy tờ trong hồ sơ thi hành án thực hiện đúng theo mẫu quy định tại Thông tư 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án, Thông tư 09/2011/TT-BTP ngày 30/5/2011 của Bộ Tư pháp về ban hành và hướng dẫn sử dụng các biểu mẫu nghiệp vụ thi hành án. Hồ sơ đưa vào lưu trữ được thực hiện đúng trình tự theo quy định.
Nhìn chung các hồ sơ ủy thác đều được áp dụng đúng các quy định của pháp luật, việc tuân thủ, thực hiện về trình tự, thủ tục trong hoạt động nghiệp vụ thi hành án được thực hiện tốt. Đối với hồ sơ hoãn việc xác minh phân loại các vụ việc thuộc thẩm quyền theo đúng quy định đảm bảo tính chính xác. Thực hiện tốt việc quản lý tài chính nghiệp vụ thi hành án, chứng từ kế toán được thiết lập đầy đủ, đáp ứng kịp thời, hiệu quả cho công tác chuyên môn nghiệp vụ. Thực hiện quản lý thu, chi tiền và tài sản, vật chứng theo đúng hướng dẫn tại Thông tư 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính và các văn bản quy định của pháp luật. Tiền và tài sản, vật chứng thi hành án được xử lý kịp thời, tiêu hủy vật chứng tài sản tại các bản án đã có hiệu lực pháp luật được thực hiện theo định kỳ hàng tháng không để tồn đọng kéo dài, công tác kiểm kê kho vật chứng được thực hiện theo định kỳ 06 tháng/ lần; việc quản lý, bảo quản thực hiện đúng theo quy định của Luật Thi hành án dân sự; Thông tư số 22/2011/TT- BTP ngày 02/12/2012 của Bộ Tư pháp.
Tuy nhiên qua công tác kiểm tra cũng còn một vài tồn tại như: Một số hồ sơ ra Quyết định hoãn thi hành án đối với người phải thi hành án đang chấp hành án phạt tù, chấp hành viên mới chỉ xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án tại địa phương mà chưa xác minh điều kiện thi hành án tại Trại giam nơi người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù; một số biên bản xác minh ghi chép chưa được chặt chẽ hoặc xác minh còn chậm...
Qua quá trình tự kiểm tra việc ra quyết định đối với hồ sơ hoãn và ủy thác thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai cũng còn gặp phải một số khó khăn vướng mắc như: (i)qua thực tế công tác thi hành án dân sự các vụ việc hoãn thi hành án trong các năm qua đều tăng lên theo từng năm; các hồ sơ thi hành án chủ yếu là án ma túy với số tiền phạt SQNN, truy thu để tịch thu SQNN với tiền rất lớn, đa số các đối tượng này thuộc thành phần nghiện ma túy, bản thân và gia đình người phải thi hành án không có tài sản để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án; (ii)người phải thi hành án có tài sản nhưng đã tẩu tán trước khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản quá nhỏ không đảm bảo được cho việc thi hành án; (iii)người được thi hành án và người phải thi hành án thỏa thuận cho hoãn thời hạn dài (nhiều năm), những trường hợp này, cơ quan Thi hành án vẫn phải theo dõi và chưa có hướng giải quyết; (iv)trên thực tế cơ quan Thi hành án đã ban hành quyết định ủy thác và gửi qua bưu điện bằng hình thức gửi bảo đảm, nhưng một số địa phương khi nhận được ủy thác không thông báo bằng văn bản cho cơ quan Thi hành án dân sự đã ủy thác, có trường hợp (ủy thác ngoài tỉnh) khi nhận được hồ sơ ủy thác, đơn vị nhận được ủy thác không thụ lý thi hành án mà chỉ tiến hành xác minh sau đó trả lại hồ sơ ủy thác cho cơ quan ủy thác với lý do như: Đương sự không đến đăng ký cư trú tại địa phương, địa chỉ chưa cụ thể...
Từ những khó khăn vướng mắc nói trên, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai đề xuất kiến nghị một số nội dung sau: Để pháp luật Thi hành án dân sự nói chung và Luật Thi hành án dân sự nói riêng ngày càng được hoàn thiện hơn, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn, góp phần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự và các văn bản khác có liên quan đến công tác thi hành án dân sự tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, thống nhất. Đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ của mình được quy định trong Luật Thi hành án dân sự; tăng cường giám sát, kiểm tra công tác thi hành án dân sự, nhất là việc chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự; các ngành, các cấp cần có sự phối kết hợp, trao đổi, liên kết chặt chẽ để xây dựng, ban hành quy định hướng dẫn chung cho các ngành trong việc thực thi pháp luật cũng như việc tổ chức thi hành án dân sự được đồng bộ, thống nhất nhằm giúp cho công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tạ Thị Lan Anh
Cục THADS tỉnh Lào Cai