Triển khai việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện An Dương thành phố Hải Phòng

10/12/2014
Thực hiện Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, có hiệu lực kể từ ngày 05/12/2013.


Thành phố Hải Phòng là một trong 12 địa phương được chọn tiếp tục thực hiện chế định Thừa phát lại. Đến nay, Hải Phòng đã được Bộ Tư pháp bổ nhiệm 05 Thừa phát lại. Ủy ban nhân dân thành phố đã ra quyết định thành lập và Sở Tư pháp Hải Phòng đã cấp giấy đăng ký hoạt động cho 03 Văn phòng Thừa phát lại gồm Văn phòng Thừa phát lại Hải Phòng, Văn phòng Thừa phát lại Bạch Đằng và Văn phòng Thừa phát lại An Biên.

Trên cơ sở phân chia địa hạt, Chi cục Thi hành án dân sự huyện An Dương đã chủ động ký hợp đồng dịch vụ tống đạt văn bản với Văn phòng Thừa phát lại Hải Phòng, đồng thời phân công cán bộ nhận đơn yêu cầu thi hành án có trách nhiệm thường xuyên hướng dẫn các bên đương sự(người được thi hành án) chọn Văn phòng Thừa phát lại để yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án. Qua hơn 03 tháng kể từ ngày ký hợp đồng, Chi cục Thi hành án dân sự huyện An Dương đã tiến hành bàn giao trên 50 văn bản để Văn phòng Thừa phát lại thực hiện việc tống đạt và nhiều đương sự đã biết và lựa chon Văn phòng Thừa phát lại để yêu cầu xác minh thi hành án.

Trên cơ sở kết quả bước đầu, Chi cục nhận thấy việc xã hội hóa công tác thi hành án, việc phát triển hệ thống các Văn phòng Thừa phát lại đã giảm tải đáng kể công việc cho cơ quan Thi hành án, người dân có nhiều lựa chọn hơn trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Đây là những dấu hiệu tốt khẳng định và minh chứng cho việc thực hiện thành công chế định Thừa phát lại trong toàn quốc.

Nguyễn Phi Hùng

Chi cục THADS huyện An Dương thành phố Hải Phòng