Hiện nay các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh còn phải tổ chức thi hành cho ngân hàng là 116 việc với số tiền 135.243.258.767đồng, trong đó có giá 38 việc với số tiền 74,5 tỷ đồng đã kê biên đang thực hiện quy trình bán đấu giá chưa có người mua. Phần lớn những vụ việc án thi hành cho ngân hàng, tổ chức tín dụng có tài sản thế chấp theo hợp đồng, thuận lợi trong quá trình giải quyết thi hành án, nếu qua động viên, thuyết phục đương sự không tự nguyện thi hành án, thì có tài sản thế chấp để xử lý thi hành án. Mặt khác, khi phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương và tổ chức tín tiến hành xử lý tài sản thế chấp để thi hành án theo quyết định, bản án Tòa án tuyên được các ngành tham gia hỗ trợ.
Tuy nhiên, phần lớn các việc thi hành án, người phải thi hành án không còn khả năng nộp tiền để thanh toán cho ngân hàng, tổ chức tín dụng, nhưng có tài sản thế chấp, hoặc tài sản của người khác bảo lãnh nợ vay, để giải quyết thi hành án cơ quan Thi hành án phải kê biên tài sản thế chấp, thẩm định giá bán đấu giá để thi hành án.
Quá trình xác minh tài sản thế chấp, khi kê biên, đo đạc thực tế, thẩm định giá, bán đấu giá và bàn giao tài sản cho người mua trúng đấu giá gặp không ít nhiều khó khăn như:
- Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất cho ngân hàng, tổ chức tín dụng (có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kèm theo) trên đất có cây trồng, vật kiến trúc và nhà ở của hộ gia đình gắn liền với quyền sử dụng đất nhưng trong Hợp đồng thế chấp không thể hiện thế chấp đối với các loại tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất, khi đó Ngân hàng yêu cầu kê biên tất cả tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất, từ đó phát sinh chống đối của người phải thi hành án và không đồng tình của chính quyền địa phương.
- Trường hợp phải kê biên quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền với đất, khi kê biên đo đạc diện tích đất thực tế không khớp đúng với diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (khi thiếu, khi thừa), điều này dẫn đến khiếu nại gay gắt, kéo dài thời gian thi hành án. Sau khi kê biên, cơ quan chức năng là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cung cấp kết quả đo đạc còn chậm, do những người có quyền sử dụng đất liền kề không thống nhất về ranh giới đất, nhất là người phải thi hành án không thống nhất hiệp thương ranh giới trong biên bản đo đạc, nên cơ quan đo đạt không ra được bản đồ thửa đất kê biên, điều này gây khó khăn, dẫn đến việc án kéo dài.
- Nghị định 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 tquy định trước khi bán tài sản lần đầu đối với tài sản thuộc sỡ hữu chung thì chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án trong thời hạn 03 tháng đối với bất động sản, 01 tháng đối với động sản dẫn đến việc án kéo dài.
- Tài sản kê biên thẩm định giá, bán đấu giá tài sản nhiều lần không có người mua nhưng cơ quan Thi hành án không chủ động giải quyết mà chỉ thực hiện theo đúng theo quy trình và quy định pháp luật về bán đấu giá tài sản (tốn rất nhiều thời gian và chi phí); giá trị tài sản quá lớn không có người đăng ký mua, tâm lý người mua tài sản đợi giảm giá nhiều lần đến mức thấp nhất mới đăng ký mua. Bên phải thi hành án là các ngân hàng không đồng ý nhận tài sản để khấu trừ tiền thi hành án...
Tại Hội nghị các đại biểu tham dự rất đồng tình với báo cáo đã nêu và chia sẻ khó khăn mà các cơ quan thi hành án dân sự đã gặp trong quá trình tác nghiệp. Phát biều kết thúc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tu - Cục trưởng đề nghị trong thời gian tới các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần tích cực chủ động phối hợp tốt hơn nữa với các cơ quan Thi hành án dân sự trong việc tổ chức thi hành ác việc án liên quan đến ngân hàng và yêu cầu các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải quyết các việc án trong năm 2015.
Phạm Tấn Khánh
Văn phòng Cục Thi hành án dân sự tỉnh