Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2015.

19/01/2015
Thực hiện Công văn 4166/TCTHADS-VP ngày 10/10/2014 của Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp, ngày 05/01/2015, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2015.

Đến dự có đồng chí Mai Lương Khôi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự; đồng chí Võ Văn Minh – Tỉnh uỷ viên, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án; đại diện Lãnh đạo các Ban Đảng của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân; đại diện Lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành trong tỉnh; các đồng chí nguyên là Lãnh đạo Toà án và Thi hành án dân sự tỉnh qua các thời kỳ cùng toàn thể cán bộ, công chức cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương.

Tại Hội nghị, thông qua báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2015, báo cáo phong trào và kết quả thi đua, triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2015.

Năm 2014 mặc dù kinh tế cả nước vẫn còn nhiều khó khăn, lượng án thụ lý tăng về việc và giá trị nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và của chính quyền địa phương cùng với sự đoàn kết, quyết tâm cao của tập thể cán bộ công chức các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.

Năm 2014, tổng số việc các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương đã thụ lý là 26.783 việc, tăng 3.373 việc (=14,40%) so với cùng kỳ năm 2013; tổng số tiền thụ lý là 4.853 tỷ 539 triệu 532 nghìn đồng, tăng 1.106 tỷ 293 triệu 745 nghìn đồng (=29,52%)  so với cùng kỳ năm 2013. Kết quả về việc đã giải quyết xong 19.342 việc, đạt tỷ lệ 85,37%, tăng 2.855 việc, cao hơn 17,31% so với cùng kỳ năm 2013; Về tiền đã giải quyết xong 1.478.196.411.000 đồng, đạt tỷ lệ 73,77%, tăng 405.777.062.000 đồng, cao hơn 37,83% so với cùng kỳ năm 2013.

 

 

Kết quả đã giải quyết đối với các khoản thu cho ngân sách Nhà nước được thu được số tiền là 34 tỷ 250 triệu 582 nghìn đồng = 9.824 việc đạt tỷ lệ 84,39%  trên số có điều kiện thi hành (11.641 việc có điều kiện thi hành) và 63,53% về tiền trên số có điều kiện thi hành (53 tỷ 908 triệu 837 nghìn đồng có điều kiện thi hành).

Trong năm qua Lãnh đạo Cục đã chỉ đạo Phòng Nghiệp vụ - tổ chức thi hành án và các Chi cục thực hiện nghiêm việc ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định pháp luật, không có tình trạng vi phạm trong việc ra quyết định thi hành án.

Năm 2014 các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 489 trường hợp (giảm 149 trường hợp so với cùng kỳ năm 2013), do có 15 trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án, nên số việc phải tổ chức cưỡng chế là 474 trường hợp (giảm 128 trường hợp so với cùng kỳ năm 2013), trong đó, có 231 cuộc cưỡng chế có huy động lực lượng liên ngành (giảm 243 trường hợp so với cùng kỳ năm 2013).

Kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/ QH13 ngày 23/11/2012, Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 13/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1531/QĐ-BTP ngày 24/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã phối hợp Sở Tư pháp tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập 04 Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh, kết quả đã thực hiện tống đạt 702 văn bản, xác minh 42 trường hợp, lập vi bằng 275 việc, trực tiếp thi hành án 07 việc.

Bên cạnh những kết quả đạt được cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương cũng gặp không ít khó khăn như: Lượng án thụ lý tăng về việc, về tiền đồng thời tính chất vụ việc ngày càng khó khăn phức tạp (bình quân một chấp hành viên thụ lý giải quyết 454 việc với số tiền gần 83 tỷ đồng). Biên chế hiện có vẫn chưa đủ để đáp ứng tình hình công việc thực tế tại địa phương, một số cán bộ, công chức còn phải kiêm nhiệm nhiều việc; án doanh nghiệp và tổ chức tín dụng tăng cao cả về việc và giá trị mà quá trình giải quyết xong một vụ việc đối với loại án này tốn nhiều thời gian, công sức tài sản kê biên bán đấu giá nhưng không có người mua, có những vụ việc tổ chức bán 23 lần vẫn không bán được ( hiện còn 334 việc với số tiền 2.235 tỷ 750 triệu 496 nghìn đồng), Doanh nghiệp nước ngoài không còn ở Việt Nam nên cơ quan thi hành án phải thực hiện ủy thác tư pháp kéo dài thời gian tổ chức thi hành. Những vụ việc này cơ quan thi hành án đã thực hiện hết nhiệm vụ của mình nhưng do khách quan không xử lý tiếp được mà vẫn đưa vào báo cáo có điều kiện nên ảnh hưởng lớn tới kết quả công tác của ngành.  

 

 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Mai Lương Khôi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã biểu dương những cố gắng phấn đấu, sự nỗ lực của tập thể Lãnh đạo và cán bộ công chức, ngành thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn trong năm 2014, góp phần tích cực phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương. Năm 2014, tình hình kinh tế của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh… bộ máy, phương tiện hoạt động, kinh phí của ngành Thi hành án còn hạn chế, nhưng với quyết tâm cao, toàn ngành Thi hành án dân sự Bình Dương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mặc dù kết quả đạt được trong năm 2014 chưa cao do những nguyên nhân khách quan, cùng với sự ảnh hưởng của nền kinh tế nói chung, nhiều vụ việc phức tạp đã được giải quyết đúng pháp luật, kết thúc ổn định. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao năm 2015 Phó Tổng cục trưởng Mai Lương Khôi yêu cầu lãnh đạo ngành Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương tập trung một số vấn đề như: Quan tâm hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ Cục đến các Chi cục; Chú trọng công tác cán bộ; Tăng cường và nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra và tự kiểm tra; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm; Phối hợp thực hiện thành công thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/ QH13 của Quốc hội.

Tại Hội nghị đồng chí Võ Văn Minh – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương tập trung những vấn đề như: Quan tâm những địa bàn trọng điểm có lượng án lớn, phức tạp; tập trung giải quyết nợ xấu liên quan đến tín dụng, ngân hàng để góp phần cùng địa phương tạo môi trường tốt cho đầu tư, phát triển kinh tế xã hội; tranh thủ sự quan tâm của Bộ, Tổng cục Thi hành án dân sự và Ban Chỉ đạo Thi hành án địa phương; Chú trọng công tác phòng chống tham nhũng, công tác chăm lo, hỗ trợ kinh phí đối với cán bộ công chức thi hành án cũng như cơ sở vật chất của các cơ quan Thi hành án dân sự  trên địa bàn.

Huỳnh Mạnh Tiến

Vp Cục Thi hành án dân sự Bình Dương