Thi hành án dân sự cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng: Nhiều vướng mắc trong việc xử lý tài sản thế chấp

20/01/2015
Việc thu hồi nợ xấu là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách, nhằm sớm khơi thông những ách tắt, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Theo Nghị quyết số 01 và 02 năm 2013, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành phối hợp xử lý nợ xấu để ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô, hỗ trợ và giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Song song với các chính sách vĩ mô, các ngân hàng đã và đang trực tiếp xử lý nợ xấu để nhanh chóng thu hồi vốn, tái đầu tư và bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn. Bên cạnh việc tự thực hiện các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, các ngân hàng còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan Thi hành án dân sự để xử lý nợ vay. Tuy nhiên, thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm, trong đó có các trường hợp thi hành các bản án, quyết định của tòa án, gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nên việc thu hồi nợ cho các ngân hàng chưa thông suốt và thường kéo dài hơn dự kiến.

Thi hành án loại việc này đạt tỷ lệ thấp

Tại buổi làm việc mới đây của Đoàn Khảo sát thực hiện một số vấn đề liên quan Dự án hỗ trợ kỹ thuật về cải cách hệ thống tư pháp và pháp luật giai đoạn 2 (Dự án JICA), Tổng cục Thi hành án dân sự đã phối hợp với Vụ hợp tác Quốc tế - Bộ Tư pháp khảo sát việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng tại Bình Định, đại diện Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định cho biết: Năm 2014, toàn tỉnh đã thụ lý thi hành loại án này 183 việc, tương ứng với số tiền là 574.294.585.000 đồng (chiếm 1,8% về việc và 68% về tiền so với tổng số việc và tiền phải giải quyết trong năm 2014). Đã giải quyết được 35 việc, thu được số tiền là 101.058.977.000 đồng (chiếm tỷ lệ 0,35% về việc và 12% về tiền so với tổng số việc và tiền phải giải quyết trong năm 2014). Trong số này, riêng tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh thụ lý thi hành 38 việc, số tiền: 500.685.845.000đ; đã thi hành xong 09 việc, giải quyết được số tiền: 82.681.833.000đ (chiếm 23% về việc và 16% về tiền so với số việc và tiền thụ lý). Theo một đại diện Đoàn khảo sát cho biết, tỷ lệ thi hành án này của tỉnh Bình Định cũng phản ánh thực trạng chung của toàn quốc.

Những vướng mắc từ thực tiễn

Đại diện Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định còn cho biết: Trong quá trình tổ chức thi hành án, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh kịp thời phối hợp với các ngân hàng để làm việc với bên phải thi hành án, động viên, giáo dục, thuyết phục, đồng thời đưa ra các phương thức, biện pháp thích hợp để đương sự tự nguyện thi hành, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên. Đến nay hầu hết các vụ việc thi hành án cho ngân hàng đã tiến hành áp dụng các biện pháp cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án. Tuy nhiên, có nhiều tài sản đã kê biên nhưng chưa xử lý được, đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, do tính pháp lý đối với một số tài sản thế chấp chưa rõ ràng; phải xử lý tài sản trên đất trước khi xử lý quyền sử dụng đất thế chấp; tài sản thế chấp là nhà ở, quyền sử dụng đất giữa thực tế và giấy tờ có sự khác nhau cơ bản về hiện trạng, diện tích; đất đang có tranh chấp hoặc một phần diện tích đất thế chấp nằm trong phần quy hoạch, mở rộng hành lang đường bộ không thể xử lý, một số vướng mắc khác chờ ý kiến của cấp có thẩm quyền, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự … Nhiều tài sản là động sản, người phải thi hành án tẩu tán tài sản hoặc do người thứ 3 chiếm giữ. Tài sản kê biên, bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua, nhiều trường hợp bán trên 10 lần, có tài sản bán đến 14 lần vẫn chưa có người mua; một số tài sản là quyền sử dụng đất thuê, nhà xưởng sản xuất và các dây chuyền, trang thiết bị sản xuất chuyên dụng cho ngành nghề cụ thể nên bán không có người mua. Những vướng mắc nói trên đã ảnh hưởng rất lớn và là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả thi hành án loại việc này thấp, kéo dài, thậm chí có trường hợp không thể xử lý được.

 

Tiếng nói của những người trong cuộc

Tại buổi làm việc, ông Định Văn Triều, Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Vietcombak Chi nhánh Phú Tài cho biết: Trước khi khởi kiện vụ án dân sự, ngân hàng chúng tôi đã làm việc rất nhiều lần với các bên để thỏa thuận phương án trả nợ, nhưng nhiều việc không thành. Đối với những vụ việc yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự thi hành, mặc dù có phối hợp rất chặt chẽ trong các bước thi hành án, nhưng rất nhiều tài sản vướng chưa xử lý được. Trong quá trình thi hành án, theo đề nghị của người phải thi hành án, ngân hàng chúng tôi cũng đã đồng ý giảm một phần lãi suất, nhưng sau đó bên phải thi hành án cũng không thực hiện. Một số trường hợp chuyển đổi hình thức sở hữu, lúc vay là Doanh nghiệp tư nhân, sau đó thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn, nên rất khó xử lý tài sản.

Còn ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Tài cho biết: Việc xử lý nợ vay, có một số trường hợp Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 16/2014 ngày 06/6/2014 không cho phép ngân hàng xử lý tài sản mà phải thông qua con đường tố tụng nên kéo dài thời gian thu hồi nợ. Nhiều tài sản thẩm định giá rất sát với giá thị trường nhưng nhu cầu mua rất thấp, bán nhiều lần không có người mua; một số tài sản có vướng mắc giữa thực tế với giấy tờ nên không thể xử lý được, cần phải có sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; thủ tục yêu cầu thi hành án còn nhiều bất cập vì người được thi hành án phải chứng minh điều kiện thi hành án trong khi đó có tài sản đã bị tẩu tán, tài sản ở nhiều địa phương rất khó khăn cho việc xác minh. Ông Hoàng kiến nghị: cần qui định trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án là chấp hành viên, có vậy mới đủ thẩm quyền để áp dụng kịp thời các biện pháp đảm bảo nếu đương sự tẩu tán tài sản; đối với những vướng mắc giữa thực tế với giấy tờ có sự khác biệt hoặc đất nằm trong hành lang mở rộng giao thông đường bộ, các cấp có thẩm quyền sớm chỉ đạo để xử lý tài sản kịp thời.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, ông Phạm Trung Thuận, Phó Viện trưởng đề nghị: Trong quá trình cho vay, các ngân hàng cần xác minh, thẩm định tài sản thế chấp đầy đủ, chặt chẽ, nhất là giá trị, tính pháp lý, giữa thực tế và giấy tờ của tài sản; sau khi nhận thế chấp, ngân hàng phải thường xuyên theo dõi, quản lý tài sản, đề cao trách nhiệm trong việc thu hồi nợ, có vậy mới đảm bảo việc xử lý tài sản để thu hồi nợ.

Công Hoàng