Một cách làm hay của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên

28/07/2015
Từ khi Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân thị xã Sông Cầu đã ban hành văn bản về triển khai Luật Thi hành án dân sự trong địa bàn thị xã Sông Cầu cũng như kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác thi hành án dân sự. Trên cơ sở đó, Chi cục Thi hành án dân sự đã tham mưu và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sông Cầu ban hành Quyết định số 267/QĐ-CT ngày 28/01/2010  kèm theo Quy chế thành lập Ban vận động thi hành án dân sự, ở cấp xã thành lập Tổ vận động do Chủ tịch Ủy ban nhân dân làm Trưởng ban, đến nay đã có 14/14 xã, phường đều thành lập tổ và đi vào hoạt động có hiệu quả thiết thực.


Mô hình hoạt động của Ban vận động, tổ vận động được thành lập gồm các thành phần: (Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã - Trưởng ban; Chi cục trưởng (Phó Chi cục trưởng) - Phó ban và các thành viên khác: Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ; Trưởng ban các đoàn thể là Liên đoàn lao động, thị đoàn, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân) ở cấp xã, phường thành lập tổ vận động do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường – Trưởng ban. Mô hình hoạt động này khá là mới mẻ được thực hiện theo mô hình linh hoạt tự phát tùy từng địa phương, theo quy chế hoạt động phối hợp giữa các cấp, các ngành nhưng hiệu quả đạt được rất khả quan.

Nhìn lại trong 05 năm hoạt động,  Ban vận động, tổ vận động thi hành án dân sự đã có nhiều kết quả và những cách làm hay trong công tác thi hành án dân sự, nhất là tạo được sự đồng thuận và nhiệt tình trong mối quan hệ  phối hợp  giữa Chi cục thi hành án với các cơ quan hữu quan, các cấp chính quyền địa phương.

Khi chúng tôi trao đổi vấn đề này qua thực tiễn hoạt động, ông Phạm Chấn Dũng - Chi cục trưởng thị xã Sông Cầu cho biết “ Thực hiện theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 01/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 12/6/2009, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sông cầu đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Sau khi kiện toàn Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự trong lúc Chi cục đã thụ lý nhiều vụ việc đang thi hành rất phức tạp có ảnh hưởng đến tình hình trật tự địa phương nên Ban vận động, tổ vận động mới thành lập, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã rất nhiệt tình và quan tâm sâu sắc đến công tác thi hành án, chỉ đạo các cơ quan hữu quan, các cấp chính quyền địa phương phối hợp rất tốt nên kết quả thi hành đạt cao hơn những năm trước đây”, ông Dũng cũng nói tiếp “Nay đã có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hànha ns dân sự và Ban vận động, tổ vận động vẫn tiếp tục duy trì hoạt động và có đổi mới hơn nhằm tăng cường sự phối hợp trong phương pháp giáo dục, thuyết phục,vận động đượng tự nguyện  thi hành và hạn chế áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự”

Với cách làm hay đó trong 5 năm qua, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Sông Cầu đã đạt được nhiều kết quả với tổng số 1894 việc/31.598.558.000 đồng đã thi hành được 1806việc/19.561.591.000 đồng đạt tỉ lệ về việc 97,67%, về tiền  97,34% trên số việc và tiền đưa ra thi hành. Trong kết quả đó, có 22 trường hợp đã có kế hoạch cưỡng chế được Trưởng ban chỉ đạo phê duyệt với lực lượng bảo vệ cưỡng chế dự kiến trên 20 người nhưng Ban vận động, tổ vận động đã thuyết phục, giáo dục nên 13 trường hợp cưỡng chế thành công, còn 09 trường hợp còn lại đương sự tự nguyện thi hành không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.  Đa số những vụ việc cưỡng chế này có liên quan phức tạp đến việc giao quyền sử dụng đất, giao nhà ở… tính chất rất phức tạp, sự chống đối quyết liệt của bên phải thi hành án rất gay gắt. Trước những khó khăn như vậy, Chi cục Thi hành án dân sự đã phát huy được hiệu quả từ Ban vận động, tổ vận động nên các vụ việc tưởng chừng khó khăn ấy đã thành công hơn sự mong đợi của các cấp chính quyền địa phương. Từ những kết quả đạt được nêu trên Ban vận động, tổ vận động đã phối hợp, thuyết phục cùng với chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự tổ chức thi hành xong 43 vụ việc phức tạp, khó khăn được thành công tốt đẹp và được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân rất cao. Đây là một thành công có sự góp phần của Ban vận động, tổ vận động thi hành án dân sự.

Có thể nói, với sự nhịp nhàng và đồng thuận cao trong mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan Thi hành án với các cơ quan hữu quan và Ủy ban nhân dân cấp xã, phường thì hiệu quả công tác thi hành án sẽ thành công hơn. Điều mà Ban vận động, tổ vận động làm được là sự nhiệt tình và nhận thức hoạt động thi hành án là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ riêng cơ quan Thi hành án dân sự. Nên trước khi tổ chức cưỡng chế một vụ việc nào đó thì có cuộc hòa giải để qua đó nắm bắt được những tâm tư, nguyên nhân những thắc mắc mâu thuẫn xảy ra để kịp thời có phương pháp thuyết phục và đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, áp dụng mô hình này đem lại một phương pháp vừa vận động thuyết phục và vừa mang tính chất tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng đến tận người dân hơn cũng như giúp cho cơ quan Thi hành án rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án, giảm áp lực về chỉ tiêu thi hành án và tạo điệu kiện thuận lợi cho chấp hành viên trong tác nghiệp phối hợp, giải quyết, xác minh, tổ chức cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên, bên cạnh đạt được đó Ban vận động,tổ vận động vẫn còn tồn tại những hạn chế như mô hình này còn khá mới mẻ chưa có chủ trương chung của Đảng và chính sách của Nhà nước nên chưa nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền, còn mang tính tự phát, không chuyên sâu.

Để duy trì hoạt động của Ban vận động, tổ vận động đạt kết quả cao hơn thì ông Dũng cho biết “ Cần sự quan tâm chỉ đạo hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp  chặt chẽ  giữa cơ quan Thi hành án, công an, viện kiểm sát và Tòa án cũng như các cơ quan hữu quan. Đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo về nghiệp vụ của Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh và hổ trợ kinh phí hoạt động thì tin chắc rằng mô hình hoạt động này được lan tỏa sâu rộng và sẽ đạt hiệu quả rất cao”

Với cách làm hay của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Sông cầu mà được nhân rộng hơn nữa đến từng địa phương khác cũng như trong tiến trình cải cách tư pháp đến năm 2020 nếu được chủ  trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước được phép thành lập mô hình này và có sự hỗ trợ về kinh phí thì hoạt động của Ban vận động mang lại hiệu quả, góp phần vào trật tự xã hội được ổn định, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, tạo được niềm tin và sự nhân thức của nhân dân, cơ quan, tổ chức xã hội, nâng cao vị thế ngành thi hành án dân sự trong thời gian tới.

Lê Lanh