Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác Thi hành án dân sự.

17/10/2015
Thực hiện Quyết định số 1503/QĐ-BTP ngày 14/8/2015 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch tổ chức sơ kết việc thực hiện Quy chế số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự, chiều ngày 12/10/2015, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự.

Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh; dự Hội nghị còn có các đồng chí đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Cục Thi hành án, Công an tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; lãnh đạo phòng PC81 - Công an tỉnh; Phòng Giám đốc kiểm tra - Tòa án nhân dân tỉnh, Phòng Kiểm sát thi hành án dân sự - Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, cùng toàn thể lãnh đao các phòng chuyên môn thuộc Cục; Thẩm tra viên, Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Lãnh đạo các Chi cục Thi hành án dân sự huyện, thành phố.

Hội nghị đã nghe đồng chí Nguyễn Văn Quế, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh trình bày dự thảo Báo cáo sơ kết thực hiện quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự. Báo cáo đã đánh giá: Hai năm qua, các cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Thi hành án dân sự từ tỉnh đến huyện, thành phố đã nghiêm túc quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy chế số 14/QCLN/BTP-BCA-VKSNDTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan cấp tỉnh đã cụ thể hóa thành quy chế liên ngành, đồng thời chỉ đạo triển khai đồng bộ trong hệ thống ngành dọc ở địa phương (đến nay cả 7/7 đơn vị cấp huyện đều đã ký quy chế phối hợp). Qua đó tăng cường trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện và sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các cơ quan liên ngành từ tỉnh đến các huyện, thành phố, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thi hành án dân sự.

Quá trình tổ chức thực hiện quy chế, các cơ quan liên quan đã đảm bảo đúng nguyên tắc phối hợp (tuân thủ quy định của pháp luật; chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời; không làm ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ và hoạt động chuyên môn của các cơ quan có liên quan) và làm tốt trách nhiệm phối hợp theo quy chế đã đề ra. Một số kết quả nổi bật đáng ghi nhận là: Việc chuyển giao bản án, quyết định, việc giải thích đính chính, bổ sung, bản án của Tòa án cơ bản được thực hiện kịp thời, đầy đủ đúng theo quy định. Công tác kiểm sát hoạt động thi hành án được duy trì nghiêm túc, qua đó đã chỉ ra những tồn tại, thiếu sót trong hoạt động thi hành án, giúp cơ quan thi hành án dân sự kịp thời sửa chữa, khắc phục không để xẩy ra sai phạm. Công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự được thực hiện bảo đảm chặt chẽ đúng quy trình, do vậy, 100% các vụ việc phải tổ chức cưỡng chế đều hoàn thành tốt, không có vụ việc nào để người bị cưỡng chế chống đối dẫn đến không thực hiện được hoặc gây mất trật tự an toàn xã hội, tạo thành điểm nóng tại địa phương.

 

Mặt khác, từng cơ quan, đơn vị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao đã chủ động, kịp thời phối hợp chặt chẽ để giải quyết công việc phát sinh. Do đó đã tạo ra sức mạnh của tập thể trong giải quyết từng công việc cụ thể, kết quả công tác thi hành án dân sự kể từ khi Quy chế được ký kết, ban hành đã được nâng lên rõ rệt; số việc và số tiền được thi hành xong hàng năm đều đạt chỉ tiêu Quốc hội, Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự giao, năm sau cao hơn năm trước và có xu hướng bền vững (mặc dù số lượng án phải tổ chức thi hành không ngừng tăng lên qua các năm cả về số việc và cả về giá trị), đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể:

- Năm 2014 tỷ lệ thi hành xong về việc đạt 95% (vượt 7% so với chỉ tiêu Bộ giao, 1% so với chỉ tiêu Tổng cục giao); về giá trị đạt 92% (vượt 15% so với chỉ tiêu Bộ giao, 9% so với chỉ tiêu Tổng cục giao); giảm 2,5% án tồn từ năm 2014 chuyển sang năm 2015.
- Năm 2015 tỷ lệ thi hành xong về việc đạt 96%  (vượt 8% so với chỉ tiêu Bộ giao, 2% so với chỉ tiêu Tổng cục giao); về giá trị đạt 88%  (vượt 11% so với chỉ tiêu Bộ giao, 3% so với chỉ tiêu Tổng cục giao); giảm 3% án tồn từ năm 2015 chuyển sang năm 2016.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác thi hành án dân sự tại tỉnh Tuyên Quang còn một số những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, đó là: Sự phối hợp giữa một số cơ quan có lúc chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ; có việc các ngành phối hợp giải quyết chưa kịp thời, toàn diện. Kết quả công tác thi hành án dân sự của các huyện, thành phố chưa thật sự bền vững và chưa đồng đều. Nguyên nhân chủ yếu là do: Nhận thức về mối quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan có nơi còn chưa thật sâu sắc. Do chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành có đặc thù riêng, nên việc phối hợp công tác theo các nội dung Quy chế đề ra có lúc, có việc chưa kịp thời, toàn diện; một số nội dung của Quy chế ở cấp Trung ương và địa phương quy định chưa cụ thể, nhất là các quy định về xử lý những trường hợp chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác phối hợp, nên ảnh hưởng đến hiệu quả phối hợp; các quy định của pháp luật tố tụng (cả hình sự, dân sự) và Luật Thi hành án dân sự vẫn còn những điểm chưa thống nhất, các quy định của pháp luật liên quan đến việc kê biên, bán đấu giá tài sản còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác thi hành án; năng lực chuyên môn nghiệp vụ của một số đồng chí cán bộ, công chức trong mỗi ngành còn hạn chế, tinh thần trách nhiệm chưa cao…Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe nhiều ý kiến phát biểu thảo luận của các ngành có liên quan trong công tác phối hợp, nhấn mạnh những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Quy chế phối hợp và đề xuất những biện pháp cụ thể để thực hiện tốt hơn Quy chế phối hợp trong thời gian tới, nhất là việc giải quyết những vụ việc thi hành án còn tồn đọng, đương sự khiếu kiện kéo dài…

 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh đã ghi nhận và biểu dương những kết quả mà các cơ quan liên ngành của tỉnh đã đạt được trong việc thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác thi hành án dân sự, đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện quy chế. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới lãnh đạo các ngành cần quan tâm hơn nữa đến việc quán triệt, chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị trực thuộc nghiêm túc thực hiện Quy chế phối hợp, định kỳ sơ kết đánh giá, thống nhất giữa các ngành về những biện pháp cụ thể để thực hiện tốt hơn Quy chế phối hợp; tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, thi hành Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) và các văn bản có liên quan để nâng cao nhận thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, nhân dân; đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Các cơ quan cần tham mưu cho Ban chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự huyện, thành phố tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và có biện pháp giải quyết, khắc phục, chấn chỉnh những vi phạm, thiếu sót; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ về thi hành án dân sự được Quốc hội, Bộ Tư pháp giao hằng năm, bảo đảm kết quả thi hành án dân sự thực chất, bền vững, từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu của Nhà nước và nhân dân về công tác này, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thay mặt Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh và liên ngành của tỉnh, đồng chí Nguyễn Tuyên - Cục trưởngCục Thi hành án dân sự tỉnh đã tiếp thu các ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và đề nghị các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức của 4 ngành tiếp tục thắt chặt mối quan hệ, thường xuyên phối hợp, trao đổi các vấn đề nghiệp vụ cụ thể trong công tác thi hành án dân sự, đồng thời các ngành cùng khắc phục những khó khăn, thiếu sót, tồn tại để công tác phối hợp giữa các cơ quan trong thời gian tới ngày càng đạt kết quả cao hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ được giao của từng ngành.

Nguyễn Hoàng Minh, VP Cục THADS tỉnh