Cơ quan Thi hành án dân sự Phú Thọ: Nỗ lực vượt khó, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

11/07/2016
Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 14/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13/SL, một trong những văn bản đầu tiên đặt nền móng cho việc hình thành nền tư pháp xét xử của chế độ mới, quy định cách tổ chức toà án và các ngạch thẩm phán trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Điều thứ 3 Sắc lệnh quy định trách nhiệm của Ban Tư pháp “Thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán cấp trên”. Đây là Sắc lệnh đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho tổ chức Thi hành án dân sự tại Việt Nam, đồng thời cũng khẳng định hoạt động thi hành án dân sự đã sớm trở thành công cụ quan trọng tham gia bảo vệ chính quyền nhân dân ngay từ những ngày đầu của Nhà nước cách mạng.

Ngày 19/7/1946, chiểu lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Quyền Chủ tịch nước đã ký Sắc lệnh số 130 quy định những thủ tục riêng, cụ thể và khá độc lập về thẩm quyền, thể thức và quy trình thi hành án. Và ngày 3/5/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định chính thức công nhận ngày 19/7 hàng năm là ngày truyền thống Thi hành án Dân sự.
Trải qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử phát triển khác nhau, ngành Thi hành án dân sự (THADS) đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Dấu mốc quan trọng, đó là thực hiện nghị quyết Quốc hội và các văn bản liên quan, kể từ ngày 1/7/1993, công tác THADS được chuyển giao hoàn toàn từ Tòa án nhân dân các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ. Những cơ sở pháp lý quan trọng này đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cải cách về công tác THADS từ đó đến nay. Đồng thời là điều kiện để THADS xốc lại hành trang, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh và ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của mình trong đời sống xã hội.
Đối với  tỉnh Phú Thọ, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc chia tách tỉnh Vĩnh Phú thành tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc, từ tháng 7 năm 1997, Phòng THADS tỉnh thuộc?Sở Tư pháp và 12 Đội THADS thuộc phòng tư pháp các huyện, thị, thành của tỉnh Phú Thọ chính thức ra đời với tổng cán bộ toàn tỉnh có 61 người, trong đó biên chế cơ quan THADS tỉnh có 14 người (gồm 3 Chấp hành viên và 11 chức danh khác), biên chế các cơ quan THADS cấp huyện có 47 người (gồm 25 Chấp hành viên và 22 chức danh khác).
Để đáp ứng được nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, ngành THADS tỉnh đã bắt tay vào xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy. Đến năm 2009, thực hiện Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Nghị định 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 của Chính phủ, hệ thống các cơ quan THADS được xác định rõ hơn theo nguyên tắc quản lý tập trung, thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp huyện. Cơ quan THADS của tỉnh được tách thành Cục THADS Phú Thọ trực thuộc Tổng Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp và quản lý hệ thống các Chi Cục THADS huyện, thành, thị. Đến nay, tổng số cán bộ công chức, người lao động toàn ngành THADS Phú Thọ đã lên tới 200 người, với trên 85% cán bộ trong biên chế có trình độ đại học và trên đại học, trong đó có 68 chấp hành viên, 13 thẩm tra viên, 17 thư ký THA…, cùng bộ máy hoàn chỉnh từ Cục đến 4 phòng chuyên môn và 13 chi cục huyện, thành, thị. Chi bộ Cục THADS tỉnh đã được tách ra khỏi Đảng bộ Sở Tư pháp thành Chi bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh. Cùng với việc tách Chi bộ, các tổ chức đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Công đoàn, Hội Luật gia cũng đã được tách riêng và hoạt động độc lập, có hiệu quả. Ở cấp huyện, các cơ quan THADS cũng đã triển khai thực hiện việc tách cơ sở đảng và các tổ chức đoàn thể.
Từ năm 2009 đến nay, mặc dù số việc thi hành án thụ lý tăng gấp nhiều lần so với trước đây nhưng công tác THADS vẫn đạt kết quả khả quan, số việc thi hành án xong với số tiền và tài sản thu được năm sau luôn cao hơn năm trước; nhiều vụ việc thi hành án phức tạp đã được giải quyết dứt điểm. Cụ thể: Từ năm 2009 đến nay, tổng số việc thụ lý là 42.944 việc, tổng số tiền phải thu trên 1.600 tỷ đồng, đã thi hành xong 38.034 việc trong 41.557 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 91,4%; đã thu được gần 1.100 tỷ đồng,  trong số tiền có điều kiện thi hành là gần 1.500 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 73,6%.
Đáng chú ý, những năm gần đây, trong điều kiện kinh tế thị trường phát triển đã  nẩy sinh các tranh chấp, mâu thuẫn trong đời sống xã hội, đe dọa đến tình hình an ninh, trật tự xã hội của địa phương. Trong bối cảnh đó, công tác THADS được đặt lên vị trí hết sức quan trọng và nhận được không ít sự quan tâm, tạo điều kiện của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp. Ngành THADS Phú Thọ đã không ngừng đổi mới cả về quy mô và chất lượng thực hiện nhiệm vụ, tích cực đề ra và thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả THADS. Cùng với việc thi đua hoàn thiện hệ thống pháp luật và củng cố kiện toàn hệ thống cơ quan THADS theo ngành dọc, các cơ quan THADS tỉnh đã tích cực hưởng ứng  các phong trào thi đua “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, đẩy mạnh các chỉ tiêu về THADS” và phát động nhiều đợt thi đua giải quyết án tồn đọng kéo dài. Ngành đã tập trung cải tiến phương pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành  và tổ chức thực hiện  nhiệm vụ, nâng cao năng lực cán bộ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ THADS với kết quả cao nhất. Năm 2015, Cục THADS Phú Thọ được Tổng cục THADS công nhận là một trong 23 "Tập thể lao động xuất sắc" của cả nước.
Trải qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử phát triển khác nhau, ngành THADS Phú Thọ đã phát triển không ngừng, đổi mới cả về thể chế, tổ chức hoạt động của bộ máy và đội ngũ chấp hành viên, công chức THADS trong toàn tỉnh được nâng cao hơn về trình độ. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác THADS luôn nhiệt huyết, yên tâm công tác, đồng lòng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao; các tổ chức chính trị, đoàn thể tại Cục và các Chi cục cũng được quan tâm hoạt động thiết thực, hiệu quả. Với những thành tích đó, từ năm 2009 đến nay, Cục THADS tỉnh đã có 1 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, 1 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 24 lượt tập thể được công nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc", 4 đơn vị được Bộ Tư pháp và UBND tỉnh tặng Cờ Thi đua xuất sắc, 18 đơn vị và 21 cá nhân được Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Đó cũng là cơ sở, là nguồn động viên đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - trật tự an toàn xã hội của địa phương.
Trần Quang Thịnh – Cục trưởng Cục THADS tỉnh Phú Thọ